Vụ cá Nam khởi đầu thuận lợi

Lê An |

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các loại cá nổi xuất hiện nhiều…, ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh đang tấp nập vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam. Đây là vụ khai thác thủy sản mang lại sản lượng và thu nhập chính cho ngư dân.

Mặc dù mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam nhưng tại cảng cá Cửa Việt, ngay từ sáng sớm đã có nhiều tàu cá nối đuôi nhau cập cảng bốc dỡ thủy sản, tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi đánh bắt.

Vừa trở về sau chuyến biển kéo dài gần 10 ngày, anh Nguyễn Công Tý, thuyền trưởng tàu cá QT 93782TS làm nghề lưới rê bùng nhùng đã liên tục điện thoại cho thương lái để khẩn trương bốc dỡ hải sản, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm để sẵn sàng cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Anh Tý cho biết, năm 2022 vừa qua, mặc dù gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của COVID-19, giá nhiêu liệu tăng cao nhưng nhờ tích cực bám biển đánh bắt nên sau khi trừ chi phí, tàu cá của anh cũng đạt lợi nhuận trên 800 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, tàu cá của anh đã ra khơi được 3 chuyến biển, mỗi chuyến từ 10 - 15 ngày. Bình quân mỗi chuyến đạt sản lượng từ 1,5 - 2 tấn cá thu, cá ngừ.

Doanh thu đạt trên 150 triệu đồng/ chuyến biển. Theo anh Tý, để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, anh đã đầu tư gần 400 triệu đồng tu sửa lại máy móc, trang thiết bị trên tàu, đặc biệt là vàng lưới rê bùng nhùng có chiều dài hơn 7 hải lý. Đồng thời chủ động mời gọi bạn thuyền tham gia khai thác. “Thời tiết từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, các loại hải sản xuất hiện nhiều.

Nhiều tàu cá xa bờ đánh bắt đạt hiệu quả cao khi mới khởi đầu vụ cá Nam -Ảnh: L.A
Nhiều tàu cá xa bờ đánh bắt đạt hiệu quả cao khi mới khởi đầu vụ cá Nam -Ảnh: L.A
Hiện tại việc chuẩn bị đá lạnh để bảo quản thủy sản, lương thực, nhiên liệu đã đầy đủ. Anh em bạn thuyền cũng đã phân công nhau kiểm tra máy móc, ngư lưới cụ kỹ càng. Chuyến biển này tôi dự kiến sẽ vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa trong khoảng 15 - 20 ngày. Hy vọng sẽ có chuyến biển bội thu”, anh Tý cho biết thêm.

Có mặt từ sáng sớm để điều hành công việc của tàu trước khi xuất bến, ông Bùi Đình Chiến ở tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ của đội tàu cá 3 chiếc làm nghề lưới rê bùng nhùng, chụp mực và lồng bẫy mực lá cho biết, các tàu cá của ông đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến ra khơi đều kéo dài từ 15 - 20 ngày nên trước khi vào vụ cá Nam ông đều tranh thủ tân trang lại tàu thuyền, sửa chữa ngư lưới cụ, máy dò cá, máy ICOM, thiết bị giám sát hành trình để sẵn sàng vươn khơi.

Theo kinh nghiệm của ông Chiến, so với vụ cá Nam năm trước thì năm nay thời tiết thuận lợi hơn, các loại cá nổi như cá duội, cá nục, mực lá, mực nang cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, giá dầu giảm nên phí tổn cho chuyến biển giảm xuống khá nhiều.

“Việc lấy dầu, đá lạnh đã được thực hiện từ ngày hôm trước. Hôm nay anh em bạn tàu chỉ bốc thêm lương thực, thực phẩm và kiểm tra lại ngư lưới cụ. Năm nay giá dầu giảm nên chi phí chuyến biển cho 3 tàu cá của tôi cũng giảm được 70 - 80 triệu đồng.

Chi phí chuyến biển giảm nên ngư dân sẽ thường xuyên vươn khơi bám biển hơn. Chúng tôi vừa đánh bắt thủy sản mang lại thu nhập cho gia đình vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, ông Chiến vui vẻ nói.

Huyện Gio Linh là địa phương có số lượng tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ lớn nhất tỉnh với hơn 860 chiếc, tổng công suất trên 101.590 CV. Trong đó có 165 tàu cá có chiều dài trên 15 m đánh bắt xa bờ.

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 đạt trên 14.800 tấn. Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa thông tin, tuy mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam nhưng hiện tại hầu hết các tàu cá xa bờ công suất lớn trên địa bàn huyện đều đã vươn khơi ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản.

Các tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt vùng lộng, ven bờ cũng đã hoạt động nhộn nhịp. Nhiều tàu cá sau thời gian vươn khơi đã khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá nục, mực lá, mực nang…, mang lại thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển. Để giúp ngư dân khai thác hiệu quả vụ cá Nam, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các địa phương ven biển củng cố lại các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển.

Vận động ngư dân tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, máy móc trang thiết bị hàng hải, bổ sung ngư lưới cụ, trang bị thêm máy dò cá… để vươn khơi đánh bắt hiệu quả. Tổ chức ký cam kết với ngư dân trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đặc biệt là các quy định về lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; không vượt ranh giới trên biển; cập và rời cảng cá chỉ định…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, vụ cá Nam là vụ khai thác thủy sản chính của năm với nhiều nghề, đối tượng đánh bắt đa dạng, đặc biệt là các loại cá nổi như cá nục, cá cơm, cá trích, mực…

Đây cũng là vụ cá có sản lượng và mang lại thu nhập chủ yếu cho ngư dân. Hiện tại, mặc dù mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, hầu hết tàu cá của ngư dân, nhất là các tàu cá làm nghề pha xúc, lưới vây, lưới rê đều đã vươn khơi đánh bắt đạt hiệu quả cao, đưa sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt trên 5.000 tấn. Đây là tín hiệu lạc quan, mở ra hy vọng sẽ có một mùa vụ khai thác hải sản bội thu cho ngư dân.

Ông Vinh cho biết thêm, để hỗ trợ ngư dân khai thác có hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu sản lượng thủy sản khai thác theo kế hoạch và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tăng cường dự báo tình hình thời tiết, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả.

Hướng dẫn ngư dân mở rộng ngư trường ở vùng khơi, tiếp cận và tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại nghề khai thác và kích thước tàu cá. Tổ chức hoạt động khai thác thủy sản trên biển theo đoàn, tổ, đội… để hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như thu mua sản phẩm, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để giảm chi phí nhiên liệu cho tàu cá khi phải về cảng để bốc dỡ sản phẩm. Vận động ngư dân duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền; bổ sung, cải tiến ngư lưới cụ; đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại trong khai thác, bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Trang bị đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Vận động các doanh nghiệp, thương lái thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất, khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác, đặc biệt là chỉ thu mua, bốc dỡ sản phẩm thủy sản từ tàu cá tại các cảng cá đúng quy định nhằm góp phần chống khai thác IUU.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cấp cứu kịp thời trường hợp bị mũi tên bắn cá xuyên vào lưng

Trường Nguyên |

Ngày 9/4, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, sau thời gian điều trị, một bệnh nhân bị mũi tên bắn cá xuyên thủng vào tủy từ phía sau lưng đã được xuất viện.

Xây dựng thành công mô hình nuôi cá dìa

Trần Anh Minh |

Qua 2 năm thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm cá dìa, đến nay đã khẳng định cá dìa là con nuôi thủy sản mới nuôi thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tính thích nghi và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đang được người dân triển khai nhân rộng.

Thú vui câu cá

Lê Văn Cần |

Câu cá không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe, tính kiên trì, đặc biệt là tạo cho mình một không gian riêng, gạt bỏ những ưu phiền của cuộc sống. Được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm sông nước mênh mang, tạm xa lánh sự xô bồ của cuộc sống, hẳn ai cũng cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Người câu thong thả, đợi cá cắn câu và chờ trăng lên, tâm hồn thư thái còn gì tuyệt vời hơn…

Thả hơn 12.300 con cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Lê An |

Ngày 27/3, tại hồ thủy lợi La Ngà, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị tổ chức thả hơn 12.300 con cá giống các loại gồm trắm, trê, mè, chép để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.