Vựa sầu riêng Khánh Sơn có thể mang về hơn 1.000 tỷ đồng

Đặng Tuấn |

Gần 10 năm qua, Khánh Sơn là vựa sầu riêng lớn của tỉnh Khánh Hòa, là nơi cho ra những quả sầu riêng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Khánh Sơn được biết đến như thủ phủ của các loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, chuối, và mía tím. Địa phương đang phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, nhằm tăng cường giá trị và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm. 

Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Đây là yếu tố quan trọng giúp tránh tình trạng “được mùa - mất giá”. UBND huyện Khánh Sơn cam kết sản phẩm nông nghiệp của địa phương bảo đảm tính chất hữu cơ, sạch, truy xuất được nguồn gốc, và đạt chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP.

Sầu riêng Khánh Sơn - một thương hiệu đặc sản tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN
Sầu riêng Khánh Sơn - một thương hiệu đặc sản tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN

Hiện huyện Khánh Sơn có 2.600 ha sầu riêng; trong đó, 1.600 ha đã vào thời kỳ kinh doanh. Sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt khoảng 17.000 tấn, tăng 2.000 tấn so với năm ngoái. Với giá sầu riêng cao như hiện nay, giá trị thu về có thể hơn 1.000 tỷ đồng, mang lại thu nhập cho người trồng sầu riêng và các hộ kinh doanh. Sầu riêng cũng dần trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân thoát nghèo và mang lại cơ hội chuyển mình cho địa phương miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Thời gian qua, sầu riêng Khánh Sơn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhận nhiều giải thưởng uy tín và từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông sản Việt Nam.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn, nhờ vào điều kiện tự nhiên lý tưởng, sầu riêng Khánh Sơn có quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép và hương vị đặc trưng, được người tiêu dùng yêu thích. Sản lượng sầu riêng năm nay ước tính đạt 17.000 tấn, đóng góp quan trọng vào thu nhập của người dân nơi đây.

Không chỉ có chất lượng vượt trội, sầu riêng Khánh Sơn còn có lợi thế lớn về thời gian thu hoạch, khi mùa vụ kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 8, chậm hơn so với các vùng trồng sầu riêng khác. Điều này giúp sản phẩm không bị cạnh tranh gay gắt, đảm bảo đầu ra ổn định và giá cả cao hơn. Năm nay, với sự cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng Khánh Sơn càng có cơ hội vươn xa trên thị trường quốc tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Nguyễn Đình Thanh tại xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn chia sẻ, khí hậu tại đây rất thuận lợi để trồng các loại cây ăn quả, như: chôm chôm, măng cụt, mía tím, nhưng đặc biệt nhất vẫn là sầu riêng. Những trái sầu riêng Khánh Sơn nổi bật với quả to, hạt lép, cơm vàng, vị ngọt thanh, không chỉ thu hút khách hàng nội địa mà còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Thanh kỳ vọng rằng, nếu việc tiêu thụ và kết nối thị trường được đảm bảo, cây sầu riêng sẽ không chỉ giúp người dân ổn định kinh tế, còn góp phần phát triển du lịch địa phương. Hiện người dân chủ yếu trồng các giống sầu riêng Monthong và Ri6.

Hiện tại, trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc có 14 điểm thu mua, tập kết sầu riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thu hoạch và tiêu thụ. Năm nay, thương lái không chốt giá sớm với chủ vườn như mọi năm mà đợi sầu riêng đến ngày thu hoạch mới định giá, sau đó mới tiến hành thu mua. Điều này giúp giá sầu riêng phản ánh đúng chất lượng, giúp người dân có thể thu về lợi nhuận cao hơn.

Hiện tại, sầu riêng Ri6 đã gần thu hoạch xong, giá bán dao động từ 55 - 60 nghìn đồng/kg, tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/kg so với năm ngoái. Đối với sầu riêng Monthong, với chất lượng vượt trội, giá mua tại vườn dao động từ 75 - 85 nghìn đồng/kg, nếu phân loại thì giá loại 1 có thể lên tới 98 - 103 nghìn đồng/kg. Với mức giá hiện tại và năng suất từ 15 - 20 tấn/ha đối với cây từ 6 - 7 năm tuổi, nhiều hộ dân sẽ thu lãi hàng tỷ đồng.

Theo chủ cơ sở thu mua sầu riêng Minh Lợi, huyện Khánh Sơn, cơ sở của ông hiện đã hợp tác với các nhà vườn được 3 mùa vụ, với sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng lẫn chất lượng sầu riêng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hơn nữa, nhà vườn cần chú trọng hơn vào các quy trình canh tác bền vững, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Việc áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến sẽ giúp tăng cường chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh thuận lợi, chủ cơ sở thu mua sầu riêng Minh Lợi chia sẻ còn gặp khó trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, biến động giá cả, và thiếu nguồn lực để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Về phía cơ sở thu mua đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nông dân, cung cấp các giải pháp tài chính để đầu tư vào công nghệ sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các thị trường tiêu thụ lớn hơn.

 (Nguồn: TTXVN)

1,91 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng lâm sản bền vững, cải thiện khả năng phục hồi rừng và đa dạng sinh học tại Quảng Trị

Mai Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt văn kiện dự án “Đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững, trao quyền cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi rừng và đa dạng sinh học, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm xuyên quốc gia – giai đoạn 7.2 tại Quảng Trị”. Dự án do tổ chức WWF tại Việt Nam viện trợ không hoàn lại, với tổng vốn thực hiện trên 1,91 tỉ đồng. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị được giao làm chủ dự án. Thời gian thực hiện từ nay đến ngày 31/8/2025.

Khai mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

Thanh Hải |

Ngày 13/8, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) với chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”, hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 (1944-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 (1989-2024). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đến dự.

Kết quả nổi bật từ các chính sách phát triển nông nghiệp ở Hướng Hóa

Thanh Hải |

Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khu vực nông thôn của trung ương và của tỉnh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã ban hành các cơ chế, chính sách riêng của địa phương nhằm tăng khả năng tiếp cận chính sách của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Băn khoăn trước tình trạng người dân tìm nhặt xác ve sầu để bán

Sỹ Hoàng |

Gần 2 tháng qua, nhiều người dân tộc Vân Kiều ở các bản Của, Ruộng, Trằm, Xa Re (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đổ xô vào rừng, nương rẫy cà phê để tìm nhặt xác ve sầu bán cho thương lái với giá cao. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng, địa phương vẫn chưa rõ mục đích của việc thu mua xác ve sầu của thương lái.