Kết quả nổi bật từ các chính sách phát triển nông nghiệp ở Hướng Hóa

Thanh Hải |

Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khu vực nông thôn của trung ương và của tỉnh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã ban hành các cơ chế, chính sách riêng của địa phương nhằm tăng khả năng tiếp cận chính sách của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả cao cho người dân.


Huyện Hướng Hóa có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, với nhiều sản vật như cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả chất lượng thơm ngon nức tiếng gần xa.

Từ đó, huyện chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh, như: phát triển cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Húc, Ba Tầng, thị trấn Khe Sanh; trồng cây hồ tiêu ở các xã Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Hợp; trồng cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Thuận, Hướng Lộc, Tân Thành; trồng cây cao su và sắn nguyên liệu ở các xã vùng Lìa...

Chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Tân Long, huyện hướng Hóa -Ảnh: N.T.H
Chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Tân Long, huyện hướng Hóa -Ảnh: N.T.H

Đến nay, huyện Hướng Hóa phát triển hơn 4.425 ha cà phê; 250 ha hồ tiêu; 4.300 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 4.000 ha chuối; 1.131 ha cao su; hơn 5.600 ha sắn nguyên liệu, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa khá lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông- lâm nghiệp đạt 1.323 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,9% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện, tăng 5,5% kế hoạch giao. Kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân không ngừng cải thiện.

Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khu vực nông thôn, huyện Hướng Hóa đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, như: Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 26/7/2022 của HĐND huyện thông qua Đề án “Chuyển đổi phục hồi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 45/NQHĐND ngày 28/7/2023 của HĐND huyện thông qua Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt BBB (3B) giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 21/12/2023 của HĐND huyện thông qua Đề án “Cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2024 - 2028”.

Thực hiện các chính sách địa phương hỗ trợ phát triển nông nghiệp, UBND huyện Hướng Hóa đã phân bổ kinh phí sự nghiệp kinh tế ngân sách huyện thực hiện năm 2022 và năm 2023 số tiền 1,484 tỉ đồng, triển khai hỗ trợ cây giống để tái canh cây cà phê với tổng diện tích 80 ha, định mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su, cung cấp cây giống trồng diện tích thực hiện 70 ha, định mức hỗ trợ 12 triệu đồng/ha; tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su và tái canh cây cà phê cho các xã trước khi tiến hành cấp, hỗ trợ giống cây; phân bổ 97 triệu đồng hỗ trợ kinh phí cho Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 để thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi bò 3B số lượng 10 con (kinh phí chưa phân bổ 124 triệu đồng) và 152 triệu đồng cho Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.

Về đề án cải tạo vườn tạp, địa phương ưu tiên nguồn vốn phân bổ năm 2024 cho các xã thuộc lộ trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu để hoàn thiện các vườn mẫu nông thôn mới.

Huyện Hướng Hóa cũng đã lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ các xã thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. UBND huyện phân bổ kinh phí cho các địa phương, tiến hành thẩm định, phê duyệt 79 dự án/20 xã, thị trấn thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 34 dự án thực hiện tại 21 xã, thị trấn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn và nhân rộng các mô hình hiệu quả cao vào sản xuất trong năm 2024 như: mô hình xen ghép cây ăn quả trên vườn cà phê; các mô hình ICM, IPM; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi bò thịt bán thâm canh. Thực hiện các mô hình chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang các cây trồng khác; đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên cây cà phê, hồ tiêu... nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Huyện Hướng Hóa phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định vùng chuyên canh các cây trồng chủ lực: 5.000 ha cây cà phê, sản lượng 5.800 tấn cà phê hạt nhân; 268 ha hồ tiêu, sản lượng 242 tấn; 1.300 ha cao su, sản lượng 999 tấn mủ đông; 3.500 ha chuối, sản lượng 112.000 tấn; 4.400 ha sắn, sản lượng 65.000 tấn.

Tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư, mở rộng diện tích cây chanh leo đến năm 2025 đạt 200 ha, sản lượng 2.250 tấn. Chăn nuôi phát triển theo hướng hợp tác xã, trang trại, gia trại, an toàn sinh học, phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng.

Hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khu vực nông thôn, đặc biệt là các chính sách địa phương hỗ trợ phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn huyện Hướng Hóa thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất gắn với thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương với khách hàng trong nước và thế giới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nhân rộng mô hình chăn nuôi dê địa phương

Sỹ Hoàng |

Đakrông (Quảng Trị) là huyện miền núi có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê địa phương sinh sản cũng như thương phẩm. 

Triệu Phong đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Tuấn Quang |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên trên 35.000 ha nên rất thuận lợi trong việc phát triển chăn nuôi. Thời gian qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tái đàn, khôi phục tổng đàn chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi trang trại có sự liên kết các yếu tố đầu vào, đầu ra cũng như quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường.

Hơn 11 tỉ đồng hỗ trợ hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi

Thanh Hằng |

 

Ngày 4/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ký ban hành quyết định tạm cấp kinh phí hơn 11 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2021 và 2022.

Thị xã Quảng Trị phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Khánh Ngọc |

Thị xã Quảng Trị có 4 phường, 1 xã với 1.521 cơ sở chăn nuôi thực hiện kê khai các loại vật nuôi theo quy định. Thời gian qua, thị xã thường xuyên tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, đặc biệt là công tác kê khai, rà soát tổng đàn để thực hiện tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung, đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.