Vùng bãi ngang mở lối thoát nghèo

Trần Tuyền |

Nhiều năm trước, khi nhắc tên vùng biển bãi ngang là nhiều người lại mường tượng ngay đến sự vất vả, nghèo đói, khó phát triển. Nhưng nay, ngư dân bãi ngang đã biết chuyển đổi ngành nghề phù hợp với thời vụ để có thể ra khơi đánh bắt thủy sản quanh năm. Nhờ vậy, cuộc sống của họ khấm khá hơn, nhiều người giàu có và trở thành “chủ nợ” của ngân hàng.

Một thuở khó khăn

Một ngày mưa rét cuối tháng 12 năm 2020, tôi ghé thăm lão ngư Trương Xuân Thiệt (79 tuổi) ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Ngôi nhà khang trang của ông Thiệt hướng mặt ra phía biển. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh. Nhìn những thành quả hôm nay, ông Thiệt bùi ngùi kể với tôi: “Bây giờ trong thôn hầu hết đều có nhà to cửa rộng, xe máy, ti vi đầy đủ. Con cái cũng được ăn học đàng hoàng, không có đứa nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng chỉ hơn hai chục năm về trước thôi là một khung cảnh khác biệt. Ở vùng cát trắng bạc màu này, mùa hè thì khô hạn, gió Tây Nam thổi ràn rạt suốt mấy tháng liền, cuốn theo hàng ngàn hạt cát phủ trùm lên mọi ngóc ngách. Còn mùa đông thì mưa trắng trời, thối đất, không trồng được giống cây gì. Vì vậy, người dân một là đi biển, hai là trồng những loại cây ngắn ngày chịu hạn như khoai lang, sắn, đậu xanh… để tự cung cấp lương thực cho gia đình. Chỉ có cây phi lao là chịu được thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Cây phi lao xứ bãi ngang cũng khác với nơi khác. Vì chịu sức gió quăng quật quanh năm nên thân cây vặn xoắn lại, để khỏi gãy đổ”.

Bình yên biển bãi ngang - Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Bình yên biển bãi ngang - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Theo ông Thiệt, với vị trí địa lý đặc thù, biển bãi ngang có bờ biển nông, thoải nên ngư dân nơi đây đánh bắt thủy sản trên những chiếc thuyền nan công suất nhỏ hoặc thuyền thúng. Cũng bởi giao thông cách trở, nên nhiều năm về trước, ngư dân mỗi khi đánh bắt được tôm cá chủ yếu để dùng làm mắm, muối. Một số ít phụ nữ siêng năng gánh cá lên chợ xã, chợ huyện để bán thì tôm, cá cũng đã… ươn tự bao giờ.

“Đất khô cằn không trồng trọt được. Tôm cá đánh bắt về cũng khó bán đi nên đời sống của người dân bãi ngang thuở trước gặp vô vàn khó khăn, hộ khá giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Con em trong làng lớn lên cũng vì quá nghèo khó mà chỉ học hết trung học phổ thông là chấp nhận nghỉ học vào miền Nam làm công nhân để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em ăn học. Đó là thực trạng buồn của vùng biển bãi ngang khoảng 30 năm về trước”, ông Thiệt trầm giọng.

Hành trình thoát khỏi đói nghèo của người dân vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh được tiếp sức kể từ khi Nhà nước đầu tư làm con đường quốc phòng nối liền Cửa Việt - Cửa Tùng và “làn gió mới” xây dựng nông thôn mới thổi qua. Từ đó đến nay, người dân bãi ngang có điều kiện giao lưu văn hóa, thông thương kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn.

Mở lối từ bãi ngang

Những năm gần đây, thôn Cang Gián, xã Trung Giang và Thôn 4, xã Gio Hải là 2 thôn phát triển mạnh về khai thác thủy sản gần bờ. Có thể nói, nhờ nghề biển mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương ngày càng khởi sắc. Tôi hỏi ông Trương Xuân Thiệt: “Tại sao cũng làm nghề ngư nhưng trước đây người dân bãi ngang rất nghèo, nay lại có thể làm giàu được?”. Ông Thiệt không ngần ngừ trả lời ngay: “Có 2 điều kiện để ngư dân bãi ngang có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điều kiện cần là tính chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó, vững vàng, kiên gan như cây phi lao trước gió của ngư dân. Điều kiện đủ là vùng biển bãi ngang được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt, giúp người dân có điều kiện thuận lợi để làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống. Ngoài ra, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đồng bộ, tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Nhờ vậy, thủy hải sản sau khi đánh bắt được thương lái về tận nơi thu mua, giúp tăng giá trị kinh tế…”.

Dẫn tôi đi về phía biển, nơi neo đậu hàng chục chiếc thuyền nan vừa trở về sau chuyến đánh bắt cá bè, cá chim, ông Thiệt kể thêm: “Mặc dù ngư dân bãi ngang chỉ đi thuyền nhỏ, lưới ngắn, không có thuyền to, lưới dài như ngư dân vùng cửa lạch nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ngư dân trong thôn đã trang bị đầy đủ các loại nghề như: Lưới 2, lưới 3, lưới rũ, lưới chim, giã ruốc, vây nậu, lưới xăm, lưới rê đáy, lưới chét… Đặc biệt, nghề đánh bắt cá bè và cá chim (2 loại cá có giá trị kinh tế cao) bằng lưới chim đã thành thương hiệu của người dân thôn Cang Gián. Ngoài ra, một số chủ thuyền còn chủ động đầu tư nghề lưới tôm, nghề câu mực ống. Nhờ linh hoạt chuyển đổi nghề phù hợp với thời vụ mà ngư dân Cang Gián có cuộc sống ấm no, thu nhập ngày càng tăng cao”.

Chúng tôi gặp Trưởng thôn Cang Gián Phan Văn Dũng ở bãi biển. Anh Dũng cho biết, toàn thôn hiện có 179 hộ với 770 nhân khẩu. Ngư nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện trong thôn có 77 thuyền, thúng với 96 lao động biển. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn thôn ước đạt 300 tấn/năm, tổng thu nhập từ biển khoảng 6 tỉ đồng. “Nhờ mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, ngư lưới cụ, mở mang thêm nghề mới mà cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2018 có 14 hộ nghèo thì đến cuối năm 2019 chỉ còn 7 hộ. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 35 triệu đồng”, anh Dũng nói.

Ngư dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh phấn khởi vì đánh bắt được nhiều ghẹ - Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Ngư dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh phấn khởi vì đánh bắt được nhiều ghẹ - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Rời thôn Cang Gián, tôi lại đi dọc tuyến đường quốc phòng để về Thôn 4, xã Gio Hải. Mặc dù ngoài trời rét đậm nhưng ngư dân nơi đây vẫn siêng năng dong thuyền ra biển để đánh bắt tôm bạc, một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, bình quân 1 kg có giá khoảng 400-500 ngàn đồng. Tại bờ biển, tôi gặp Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 4 Trần Quang Xiềng đang kiểm tra lại máy móc, chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Tranh thủ lúc ngơi tay, anh Xiềng cho hay, đánh bắt thủy sản là nghề truyền thống của người dân Thôn 4. Toàn thôn có 230 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Trong thôn hiện có 85 chiếc tàu, thuyền các loại, trong đó có 12 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, còn lại là thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ với trên 250 lao động biển. Cũng như thôn Cang Gián, ngư dân Thôn 4 khoảng 10 năm trở lại đây đã đầu tư nâng cấp tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ và du nhập nghề mới để có thể chuyển đổi tùy theo thời vụ, mùa nào nghề nấy. Nhờ vậy, ngư dân nơi đây ra khơi đánh bắt thủy sản quanh năm, không bị động bởi thời tiết như trước.

Ngoài những nghề đánh bắt thủy sản truyền thống, ngư dân Thôn 4 còn du nhập thêm nghề lưới chim. “Lưới chim có thể đánh bắt được cả cá chim và cá bè, đây là 2 loại cá có giá trị kinh tế cao, 1 kg có thể bán được giá từ 800 - 1 triệu đồng. Vì vậy, nhiều chủ thuyền đầu tư mua lưới này”, anh Xiềng nói.

Cũng theo anh Xiềng, thu nhập bình quân đầu người của Thôn 4 đạt 42 triệu đồng/năm,trong đó thu nhập từ nghề biển chiếm khoảng 80%. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản của thôn đạt 1.000 tấn/năm. “Mỗi khi tàu thuyền cập bờ là có thương lái đưa xe đông lạnh tới thu mua tại bến nên khâu tiêu thụ không còn là mối lo nữa. Nhờ nghề biển mà người dân xây được nhà to, mua sắm các thiết bị điện hiện đại để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trẻ em được đến trường đầy đủ, đặc biệt là những năm gần đây, tỉ lệ con em trong thôn thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng khá đông. Đây là niềm phấn khởi của người dân trong thôn”, anh Xiềng vui vẻ kể.

Tôi chia tay anh Xiềng và ngư dân bãi ngang khi họ đang mải miết vượt qua sóng bạc, hướng mũi thuyền ra khơi với niềm tin mang về một cái Tết ấm no, đủ đầy. Tin rằng, với những chủ trương, chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực, bền bỉ của ngư dân nơi đây, vùng biển bãi ngang sẽ ngày càng “thay da đổi thịt”, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Huyện đoàn Gio Linh ra quân làm sạch bãi biển

Trần Tuyền |

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đoàn, đồng thời khơi dậy tinh thần tình nguyện, xung kích của tuổi trẻ trong giữ gìn vệ sinh môi trường biển, sáng nay 22/11/2020, Huyện đoàn Gio Linh (Quảng Trị) tổ chức ra quân “Ngày chủ nhật xanh” thu gom, xử lý rác thải dọc bờ biển trên địa bàn huyện.​

Cần sớm khôi phục và quy hoạch bền vững bãi tắm Gio Hải

Trần Tuyền |

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và số 9 vừa qua gây sóng lớn, nước biển dâng cao làm một số bãi tắm trên địa bàn tỉnh bị xói lở. Trong đó, nghiêm trọng nhất là bãi tắm cộng đồng xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) bị xâm thực vào đất liền từ 25 - 30m, kéo dài khoảng 5,8 km từ Thôn 4 đến hết thôn Tân Hải, nhiều chòi quán bị đánh sập, tốc mái...

Quảng Trị: Sóng biển đánh tan hoang bãi tắm cộng đồng Gio Hải

Công Điền |

Do ảnh hưởng của bão số 9 nên vùng biển Quảng Trị có mưa to, gió lớn làm sóng biển dâng cao, đánh mạnh vào bờ gây sạt lở nghiêm trọng.

Bãi bỏ hình thức kỉ luật 'đuổi học' đối với học sinh phổ thông

Thanh Mai |

Bộ GD-ĐT đã đưa ra các nội dung mới như thay đổi cách kiểm tra, cho điểm từ lớp 1 đến lớp 12, bỏ hình thức đuổi học đối với học sinh.