Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức tập huấn - bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới cho hơn 500 giáo viên cốt cán.
Từ ngày 26 - 28.12, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức tập huấn - bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung mô đun 3 về “Phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển, phẩm chất năng lực” cho 581 giáo viên cốt cán cấp tiểu học của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Mô đun này có nhiều điểm khác biệt so với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Ở phương pháp mới, người học sẽ được đánh giá năng lực dựa trên ngữ cảnh học tập, thực tiễn cuộc sống... thông qua phương pháp và công cụ đánh giá về nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thật.
Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đánh giá kết quả của học sinh chủ yếu tập trung về kiên thức, kĩ năng, thái độ của từng bài học ở những thời điểm nhất định trước và sau khi dạy học, thì Chương trình GDPT 2018 đánh giá phẩm chất, năng lực trong mọi thời điểm của quá trình dạy học.
Đặc biệt, kết quả đánh giá học sinh ở chương trình mới chú trọng đến đánh giá sự tiến bộ của học sinh; đánh giá phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ hoặc bài tập đã hoàn thành; nếu học sinh thực hiện được nhiệm vụ càng khó, càng phức tạp hơn thì sẽ được coi là có năng lực cao hơn.
Vì vậy, việc vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp, hiệu quả nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thì đội ngũ giáo viên cốt cán nói riêng và giáo viên trung học phổ thông các cấp nói chung phải luôn sẵn sàng tiếp nhận, thay đổi thói quen và có tâm thế dám từ bỏ một phần kinh nghiệm của mình để thích ứng và phát triển.
Tháng 12 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi là Chương trình GDPT 2018) gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26.12.2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Chương tình được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng.
Thực hiện lộ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn 7 trường đại học sư phạm và 1 trường học viện tham gia Chương trình phát triển năng lực các trường sư phạm/học viện (gọi tắt là Chương trình ETEP) do Ngân hang Thế giới (Worlbank) tài trợ.
(Nguồn: Lao Động Trẻ)