Những năm gần đây, nhiều học sinh Quảng Trị sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông (THPT) thay vì vào đại học đã chọn học nghề hoặc lao động trực tiếp để sớm có việc làm và thu nhập. Đây đang là một hướng đi phù hợp với thực tế được nhiều người quan tâm.
Năm học 2019-2020, trong số gần 8 nghìn thí sinh toàn tỉnh tham gia thi tốt nghiệp THPT, có hơn 2,5 nghìn thí sinh chỉ thi tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển đại học, chiếm 31,44%. Tỉ lệ này năm học trước và trước nữa cũng tương đương nhau. Phân tích nguyên nhân này, Trưởng phòng Giáo dục Trung học-Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT Lê Văn Tính cho biết, thứ nhất là nhờ vào công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh THPT của ngành những năm học qua hiệu quả hơn so với thời kỳ trước từ công tác chỉ đạo, tổ chức hướng nghiệp của các nhà trường, cho đến nhận thức của phụ huynh, học sinh.
Phải khẳng định rằng nhà trường có vai trò rất lớn trong việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp thường xuyên cho học sinh khi các em sắp bước vào giai đoạn quyết định nghề nghiệp tương lai cho bản thân. Từ đó giúp học sinh xác định rõ ràng những mục tiêu phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh của gia đình và xã hội nên nhiều em lựa chọn con đường học nghề để nhanh có việc làm, thời gian học ngắn và hiệu quả. Thứ hai là một phần nhỏ trong những học sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp đã trúng tuyển đại học bằng phương thức xét kết quả học tập THPT nên các em chỉ cần kết quả thi tốt nghiệp nữa là đủ điều kiện học đại học.
Qua số liệu thống kê cho thấy toàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục có thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học này, trong đó các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên có từ 79 đến 100% thí sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp; kế đến là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn tỉ lệ này từ 40 đến 79%. Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông Lê Chí Thông cho biết, có 187/237 thí sinh của trường đăng ký chỉ thi tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 79%. Trong những năm gần đây, nhà trường luôn làm rất tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh trong quá trình học tập. Cụ thể, khi bước vào lớp 10, nhà trường đã điều tra nguyện vọng, sở thích và ước mơ nghề nghiệp tương lai của học sinh để nắm bắt tâm lý nghề nghiệp của các em. Trên cơ sở đó, trong hai năm học tiếp theo, nhà trường giao cho Đoàn trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp có kế hoạch tổ chức tư vấn hướng nghiệp, phân luồng trong học sinh theo các hướng: Vào đại học đối với học sinh có học lực khá, giỏi; học nghề, xuất khẩu lao động, ở lại địa phương trực tiếp lao động đối với các học sinh còn lại. Kết quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh đã giúp các em ngày càng có suy nghĩ thực tế hơn. Phần lớn học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, gia đình không có điều kiện kinh tế ổn định, học lực vừa phải, khi đi học nghề, các em được hưởng nhiều chế độ ưu đãi. Thêm vào đó, thời gian đào tạo nghề thường ngắn hơn so với học đại học, ra trường nhanh có việc làm, giúp các em có thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình. Do vậy việc định hướng cho các em học nghề là sự lựa chọn phù hợp nhất, không nhất thiết cứ phải vào đại học.
Nằm ở trung tâm TP.Đông Hà, Trường THPT Lê Lợi có tỉ lệ học sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp chiếm đến 35% tổng số thí sinh dự thi toàn trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh cuối cấp của nhà trường đã giúp thay đổi nhận thức về nghề nghiệp cho học sinh. Em Trần Thị Cẩm Hiền, học sinh lớp 12B6, Trường THPT Lê Lợi cho biết, bản thân em và nhiều bạn trong lớp nhận thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp đối với cuộc sống tương lai và cũng nhờ được nhà trường tư vấn hướng nghiệp, nên với năng lực của mình, em và nhiều bạn quyết định học nghề sau tốt nghiệp THPT. Ngoài con đường vào đại học thì học nghề cũng là để giải quyết mong muốn có tay nghề vững nhằm tìm việc làm phù hợp cho chính mình. Thêm vào đó, nếu học đại học, học phí của các trường đại học đang tăng cao, điều kiện kinh tế gia đình các em không đáp ứng được. Mục đích cuối cùng của việc học nghề hay học đại học cũng là để có thu nhập hằng tháng, nhưng theo em Cẩm Hiền khi học nghề, sẽ có công việc và thu nhập sớm hơn so với học đại học.
Là một công nhân đang có việc làm ổn định tại Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị (huyện Gio Linh), anh Trương Văn Quý (25 tuổi), ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cho biết sau khi tốt nghiệp THPT, anh liền theo học trung cấp nghề vận hành máy thi công nền tại Đà Nẵng. Với chi phí đào tạo thấp và thời gian ngắn nhưng ngay sau khi ra trường anh đã tìm được việc làm, có thu nhập khá tại công ty trên. Một trường hợp khác ở xã Gio An, huyện Gio Linh sau khi học một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh ra trường không xin được việc làm. Biết nhu cầu các doanh nghiệp ở Quảng Trị đang cần tuyển lao động nghề điện, anh xin vào học nghề điện tại Trường Trung cấp nghề Quảng Trị. Ra trường anh xin được việc làm tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái ở Cam Lộ.
Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Trị Nguyễn Vũ Quang cho biết, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu đại học đào tạo ra nhân lực tinh hoa, có khả năng giải quyết những vấn đề mới, sáng tạo công nghệ mới thì GDNN tạo ra đội ngũ lao động triển khai những công nghệ đó. Ngày nay nhiều nhà máy, khu công nghiệp có nhu cầu tuyển lao động tay nghề vững vàng “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nhà nước cũng đang có chủ trương đẩy mạnh đào tạo những lao động có tay nghề cao. Mạng lưới các trường dạy nghề khu vực và trên cả nước được quy hoạch lại, chất lượng đào tạo nghề dần được nâng lên. Điều đó cho thấy việc nhiều học sinh Quảng Trị chọn học nghề là con đường phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi về những điều kiện của địa phương đáp ứng nhu cầu học nghề của người học, ông Nguyễn Vũ Quang cũng cho biết, với tỉnh Quảng Trị, công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động. Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở GDNN công lập và 15 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đạt được những kết quả đáng kể. Quy mô cơ cấu nghề đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với danh mục gồm 104 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ. Mạng lưới các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh được quy hoach lại, gắn với hoàn thành việc thành lập Trường Cao đẳng kỹ thuật Quảng Trị. Phối hợp với các ban, ngành liên quan trong tỉnh, các địa phương tổ chức khảo sát tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh nhằm chủ động ký kết giữa các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN để tạo ra nhiều việc làm cho các lao động. Trên 80% học viên tốt nghiệp tại các trường nghề trong tỉnh có việc làm ổn định.
Học nghề yêu cầu người học phải thực hành, do đó tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm của nghề trong một khoảng thời gian ngắn giúp người học làm chủ được kỹ năng mới và thực hành liên tục là cách duy nhất để phát triển chuyên môn. Các doanh nghiệp rất cần có được những lao động trẻ có kiến thức nghề nghiệp, ý chí phát triển nên xu hướng nhiều học sinh THPT Quảng Trị sau khi tốt nghiệp chọn con đường học nghề là phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)