Xây dựng 34 chương trình tour du lịch phục vụ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Hoài Thu |

Để phục vụ nhân dân và du khách dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 diễn ra từ ngày 9 - 13/3/2025, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 34 chương trình tour du lịch.


Các chương trình tour du lịch được Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 phê duyệt, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá để du khách, nhân dân biết.

Các chương trình tour du lịch đa dạng như: Tour rafting chèo thuyền vượt thác, tour xe siêu địa hình băng rừng vượt thác, tour chèo thuyền trên sông Sêrêpốk, tour đi xem voi cùng với nài voi người M’nông, tour trở về đại ngàn Tây Nguyên, tour khám phá Buôn Đôn - vùng đất huyền thoại, tour Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk…

Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN
Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN

Đặc biệt, một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đã xây dựng tour trải nghiệm khám phá chuyên đề cà phê, chụp ảnh tại vườn hoa cà phê, khám phá văn hóa cà phê, trải nghiệm quy trình trồng và sản xuất cà phê, thăm vườn ca cao, tham quan nhà máy chế biến cà phê và ca cao, tìm hiểu các loại máy rang xay cà phê từ thô sơ đến hiện đại.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho du khách vừa tham quan, trải nghiệm tại khu, điểm du lịch vừa tham gia hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, nhiều chương trình tour du lịch được xây dựng đa dạng, xen kẽ các hoạt động. Đơn cử, tour “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột” có các hoạt động: Khám phá Làng cà phê Trung Nguyên, Bảo tàng thế giới cà phê, tham gia Lễ hội đường phố và đêm khai mạc Lễ hội cà phê, trải nghiệm cụm thác Dray Nur - Gia Long… Thời gian các tour linh động gồm 1 ngày, 1 ngày 1 đêm, 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 4 đêm, 4 ngày 3 đêm để du khách thuận lợi lựa chọn.

Để phục vụ tốt cho nhân dân và du khách, tỉnh Đắk Lắk đã in 3.000 cuốn sổ tay “Hành trình du lịch” tích hợp nhiều thông tin hữu ích: Giới thiệu tóm tắt về Lễ hội; thời gian, địa điểm tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội; cơ sở lưu trú du lịch; danh sách điểm tham quan du lịch; một số địa điểm ăn uống, mua sắm; đường dây nóng trợ giúp; 34 chương trình tour du lịch. Ngoài bản in, tỉnh Đắk Lắk đã tạo mã QR về sổ tay hành trình du lịch, các chương trình tour, danh sách cơ sở lưu trú du lịch, cẩm nang du lịch Đắk Lắk để du khách thuận lợi truy cập, tra cứu trên nền tảng số. Cùng với đó, giá 34 chương trình tour du lịch và giá phòng của 277 cơ sở lưu trú đã được công khai.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, điểm mới trong 34 chương trình tour du lịch là hành trình khám phá di sản. Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 di tích được xếp hạng, với nhiều loại hình khác nhau. Việc đưa hành trình khám phá di sản vào chương trình tour du lịch phục vụ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 nhằm quảng bá, tôn vinh các di sản tại địa phương, giúp du khách tham quan di tích, trong đó có các di tích là công trình kiến trúc văn hóa độc đáo và nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ.

Sau Lễ hội, Sở tiếp tục phối hợp các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành khai thác hành trình di sản, xây dựng tour phục vụ, thu hút du khách.

“Toàn tỉnh hiện có 277 cơ sở lưu trú, với hơn 5.500 phòng, khoảng 13.000 giường, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến tham gia Lễ hội. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều homestay, căn hộ cho thuê. Trường hợp du khách đến và tăng cao, Sở tham mưu Ban Tổ chức sử dụng các phòng khách, ký túc xá của các trường đại học. Sở kiểm tra để đảm bảo các cơ sở lưu trú dự phòng đủ điều kiện phục vụ du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở lưu trú, khu/điểm du lịch nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất phục vụ du khách trong dịp Lễ hội, không để xảy ra tình trạng chèo kéo du khách và tăng giá, ép giá”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nhấn mạnh.

 (Nguồn: TTXVN)

Cam Chính đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch cộng đồng

Khánh Ngọc |

Xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có lợi thế chợ Cùa là trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng Cùa; có Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, hệ thống giếng cổ Chăm... thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Nhằm tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, Đảng bộ xã Cam Chính xác định chương trình trọng tâm giai đoạn 2025-2030 là mở rộng và phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bức ảnh hàng trăm nghìn người hành hương tới núi Bà Đen đầu năm mới thu hút truyền thông quốc tế

PV |

Chia sẻ trên trang tin Bored Panda về bức ảnh hàng trăm nghìn người hành hương tới núi Bà Đen (Tây Ninh) đầu năm mới, cây viết Chloe Darcy không khỏi bất ngờ trước khung cảnh biển người đi lễ đầu năm, rực rỡ như một bức tranh đầy màu sắc.

Phấn đấu 30% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên

Minh Long |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Sắc xuân trên các bản làng

Xuân Thế |

Chúng tôi ngược ngàn lên với các bản làng biên giới Quảng Trị, khi mùa xuân vẫn còn vương vấn. Chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” trên từng con đường, ngõ xóm khiến chúng tôi cảm nhận được nỗ lực vượt khó của bà con dân bản, sự đồng hành, quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự tận tâm, tận lực của những người lính quân hàm xanh nơi đây.