Xe buýt gặp khó do giá xăng, dầu tăng

Bảo Bình |

Chỉ mới hoạt động trở lại được vài tháng sau thời gian dài nghỉ chạy do COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàn Mỹ (gọi tắt là Công ty Hoàn Mỹ) buộc phải cắt giảm số chuyến xe buýt chạy hằng ngày trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vì giá xăng, dầu tăng cao, trong khi lượng khách rất ít.

Anh Nguyễn Văn Trường có hơn một năm lái xe cho hãng xe buýt của Công ty Hoàn Mỹ. Cùng với phụ xe Lê Xuân Phương, sáng sớm anh đến nhận xe, khởi hành chuyến đầu tiên Đông Hà - Hồ Xá (Vĩnh Linh) lúc 6 giờ 30 phút. Thông thường chuyến xe sớm này rất vắng khách, thậm chí có khi xe chạy không ra đến Hồ Xá đón khách trở vào. Chuyến được coi là đông khách nhất hằng ngày thường vào khung giờ 9 giờ 30 phút và điểm đón được trông đợi có lượng khách tương đối nhiều là trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong khoảng thời gian ít ỏi dừng chờ đến giờ khởi hành lượt chạy thứ 3 trong ngày từ Đông Hà ra Hồ Xá, anh Trường tranh thủ cộng sổ xem có bao nhiêu khách đã đi trong hai lượt trước đó, rồi lắc đầu thở dài khi mới chỉ mới bán được 7 vé, hầu hết đi chặng ngắn, dừng dọc đường ở khu vực Gio Linh. Mỗi ngày, anh Trường chạy 8 lượt đi và về, tương đương 4 chuyến vào ra Đông Hà - Hồ Xá.

Lượng khách đi xe buýt thưa thớt, doanh nghiệp phải bù lỗ chi phí -Ảnh: T. T
Lượng khách đi xe buýt thưa thớt, doanh nghiệp phải bù lỗ chi phí -Ảnh: T. T

Anh Trường nhẩm tính, với giá xăng, dầu tăng như ở thời điểm hiện nay, một ngày chi phí hơn một triệu đồng tiền dầu. Giá vé cao nhất của nguyên chặng đường Đông Hà ra Hồ Xá là 26.000 đồng/người, còn lại tùy theo chặng đường mà có giá từ 10.000 đồng trở lên. Nhưng lượng khách thì rất ít, lượt cao nhất khoảng mười mấy người, nhiều lượt vào, ra chỉ có 1- 2 khách, thậm chí xe chạy không. “Khách đi xe vắng lắm, một phần là bây giờ người dân lo lắng dịch bệnh nên không lựa chọn phương tiện công cộng như xe buýt. Khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp phải bù lỗ nhưng vẫn phải duy trì”, anh Trường cho biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang khai thác 3 tuyến xe buýt Đông Hà - Vĩnh Chấp, Đông Hà - Hải Lăng, Cam Lộ - Cửa Tùng với 277 điểm dừng đón trả khách. Công ty Hoàn Mỹ là đơn vị đầu tư khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên tỉnh Quảng Trị từ tháng 1/2016 đến nay. Việc đưa các tuyến xe buýt vào khai thác đã giúp người dân thuận tiện trong đi lại, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn giao thông. Những năm trước đây, lượng khách đi xe buýt khá đông, Công ty Hoàn Mỹ đưa vào khai thác 5 tuyến. Tuy nhiên, vì điều kiện COVID-19, một thời gian khá dài xe buýt phải ngừng hoạt động.

Chị Hồng Yến, nhân viên kế toán tại Công ty Hoàn Mỹ cho biết, trước khi dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày có 6 xe chạy 48 chuyến. Tuy nhiên, kể từ khi giá xăng, dầu tăng đến nay, công ty buộc phải cắt giảm số xe và số chuyến, còn 4 xe hoạt động với 32 chuyến/ngày. Giá vé xe buýt không tăng, từ 10.000 đồng - 26.000 đồng/vé tùy theo chặng đường, trong khi đó giá xăng, dầu tăng mạnh nên để duy trì hoạt động của xe buýt, công ty buộc phải bù lỗ. “Dù nhiều khó khăn nhưng chi phí trả lương cho tài xế vẫn giữ nguyên, từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ ngày. Ngoài ra cộng thêm chi phí xăng, dầu, lương cho bộ phận lao động gián tiếp, chi phí thuê văn phòng…., công ty hiện phải hết sức nỗ lực để duy trì hoạt động”, chị Yến chia sẻ.

Năm 2021, COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách. Phương tiện xe buýt phải dừng hoạt động một thời gian dài trước khi hoạt động trở lại vào cuối năm 2021 đến nay. Ngay thời điểm trước tết Nguyên đán, khi xe buýt được phép hoạt động trở lại, hành khách đi xe cũng rất thưa thớt vì người dân lo ngại dịch bệnh. Do đó doanh thu của công ty đạt thấp. Trong khi các tuyến xe buýt nội tỉnh đang nỗ lực để vực dậy thì liên tục những tháng qua, giá xăng, dầu tăng cao khiến khó khăn tiếp tục chồng chất khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh thu vé giảm do lượng khách giảm, trong khi các chi phí như nhiên liệu, chi phí nhân công, khấu hao phương tiện, sửa chữa… lại tăng lên nên để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động xe buýt, rất cần có chính sách hỗ trợ thiết thực.

Những năm qua, tỉnh cũng đã có sự hỗ trợ đối với hoạt động của phương tiện vận tải công cộng xe buýt. Đơn cử như để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng phục hành khách, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã đầu tư xây dựng mới 10 nhà chờ xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, từ các nguồn xã hội hóa, nhiều nhà chờ xe buýt cũng được đầu tư xây dựng ở các điểm dừng, đỗ thuộc các địa phương. Trong năm 2022, Sở Giao thông vận tải dự kiến đầu tư 2 nhà chờ xe buýt trên địa bàn hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh từ nguồn vốn xã hội hóa.

Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ hoạt động của phương tiện xe buýt, trong điều kiện giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp rất cần địa phương có sự hỗ trợ thiết thực để duy trì hoạt động. Tại các địa phương lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, chính sách trợ giá cho doanh nghiệp kinh doanh phương tiện vận tải xe buýt công cộng đã được áp dụng thực hiện, góp phần bù lỗ cho các doanh nghiệp để ổn định giá vé ở một mức nhất định nhằm khuyến khích người dân đi xe buýt. Đối với địa phương ngân sách còn hạn chế như tỉnh Quảng Trị, để áp dụng chính sách trợ giá là khó khả thi. Xăng, dầu tăng cao đội chi phí hoạt động của xe buýt nhưng không thể tăng giá vé. Trên thực tế, mức giá vé cao nhất 26.000 đồng cho chặng đường từ Đông Hà đi Hồ Xá đối với xe buýt đã là khá cao đối với phương tiện này, do đó nếu tăng giá vé thì nguy cơ giảm lượng khách mạnh hơn.

Được biết, một số tỉnh như Ninh Thuận đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2024. Trong đó hỗ trợ ưu đãi lãi suất vay cho doanh nghiệp kinh doanh phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đây chính là sự hỗ trợ thiết thực cần nhân rộng ở các địa phương để các doanh nghiệp có thêm điều kiện duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, để kích cầu nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại bằng xe buýt của người dân, doanh nghiệp khai thác xe buýt cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Bởi chất lượng dịch vụ chính là mấu chốt để thu hút hành khách đến với xe buýt, có hành khách mới đảm bảo doanh thu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giá xăng có thể giảm tới 2.000 đồng/lít

Diệu Thuần |

Do giá dầu thế giới liên tục lao dốc, ở kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hôm nay, 21-3, giá xăng có thể giảm 1.500-2.000 đồng/lít.

So sánh giá xăng dầu tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới

Minh Khang |

Tại Việt Nam, mỗi lít xăng RON95 có giá 29.820 đồng, tương đương 1,297 USD. Mức giá này nhỉnh hơn mức bình quân của các nước (1,29 USD/ lít) một chút.

Giá xăng tăng cao chưa từng có, sát mốc 30.000 đồng/lít

Thanh Mai |

Xăng RON95 chạm mốc cao kỷ lục từ trước tới nay là gần 30.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh giá chiều nay, 11/3.

Giá xăng có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít, Bộ Công thương kiến nghị giảm 50% thuế môi trường

Thanh Mai |

Theo Bộ Công thương cho hay mức giá xăng dầu thành phẩm trong kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg so với đầu năm 2022.