Ngày giỗ chung của 64 liệt sĩ Gạc Ma, 27 cựu binh là đồng đội cùng 13 gia đình thân nhân của những liệt sĩ đang nằm lại giữa biển khơi đã tụ họp về biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Tại đây, 64 ngọn nến và những nén tâm nhang đã được thắp lên như một nốt lặng của ký ức bi tráng gửi về các anh hùng liệt sĩ đang nằm lại giữa khơi xa.
Hơi ấm đồng đội, hơi ấm tình thân
Về Hà Tĩnh dự lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma lần này có 3 cựu binh là đồng đội của những liệt sĩ Gạc Ma cùng có mặt ở thời điểm xảy ra cuộc thảm sát gồm Trần Thiên Phụng (sinh năm 1963), hiện ở Phường 2, TP. Đông Hà, Trần Quang Dũng (sinh năm 1966), trú tại thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh và Võ Văn Hùng (sinh năm 1964), trú tại xã Cam An, huyện Cam Lộ. Ngoài ra còn có mẹ Nguyễn Thị Hằng (76 tuổi), trú tại Phường 2, TP. Đông Hà - là mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông - một trong số 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma năm 1988. Cả 3 cựu binh Gạc Ma và mẹ Hằng đều về Hà Tĩnh từ trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm một ngày.
Mẹ Hằng là người đa cảm. Nỗi đau của người mẹ có con đang nằm lại giữa biển khơi chất chứa trong lòng 34 năm qua khiến mẹ trở nên dễ xúc động hơn. Về tới biển Thiên Cầm khi đã có nhiều đồng đội của con ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, mẹ như chực khóc. Liệt sĩ Hoàng Ánh Đông nhập ngũ vào năm 1987 và hy sinh một năm sau đó tại Gạc Ma khi vừa tròn 22 tuổi, nên những ký ức về con cứ ùa về trong tâm trí của người mẹ liệt sĩ.
Mẹ Hằng nói những năm khi ngày giỗ do các cựu binh Gạc Ma bắt đầu tổ chức chung, tự nhiên mẹ thấy đau đáu trong lòng. Nên cứ thấy khỏe là mẹ lại đi. Đây là lần thứ hai mẹ trở lại vùng biển Hà Tĩnh với lễ giỗ này sau 5 năm. Mẹ cũng nói mình sức khỏe yếu, đau ốm thường xuyên nhưng dịp này mẹ phải gắng về Hà Tĩnh bằng được. Ra đến nơi dù rất mệt nhưng mẹ vẫn thấy lòng như được nhẹ đi đôi chút nỗi niềm. Được gặp các cựu binh là đồng đội từng chiến đấu với con mình ở Gạc Ma, mẹ nói như thấy gần con mình hơn và được ấm lòng hơn một chút. “Vẫn đau lòng lắm. Nhưng tự hào về con. Vì con đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc”, mẹ Hằng nói.
Những cựu binh Gạc Ma như ông Trần Thiên Phụng đã có mặt ở những buổi giỗ chung 64 liệt sĩ này nhiều lần. Có những lần ban liên lạc cựu binh Gạc Ma tổ chức tại các tỉnh, thành như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Bình nhưng lần nào ông Phụng cũng dành ra một chút thời gian đi ra mép biển. Về Hà Tĩnh lần này, ông cũng cùng những đồng đội ra sát mép nước cắm một nén hương rồi cúi đầu trong giây lát như để gửi đến những đồng đội đang nằm lại giữa biển một lời tâm niệm. Mắt những người cựu binh như đỏ hoe trong làn khói hương nghi ngút nhưng không thôi hướng về phía biển xa. Ông Phụng nói dù sau trận hải chiến ông bị Trung Quốc bắt giam suốt gần 3 năm nhưng mình vẫn may mắn hơn những người khác khi còn sống sót trở về.
“Chúng tôi đã từng chung chiếu, chung mâm và cùng nhau đối diện với súng đạn của Trung Quốc khi giữ đảo. Nhưng 64 đồng đội đã không may hy sinh và nằm lại trên biển. Đây là lúc chúng tôi gửi chút hơi ấm của những người đồng đội ra biển xa”, ông Phụng tâm tình.
Còn lại nghĩa tình
Tối trước ngày diễn ra lễ tưởng niệm chính, thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh Gạc Ma cũng đã tổ chức thả hoa đăng tại bãi biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Hàng trăm ngọn đèn đã được thả xuống biển để mang nỗi nhớ niềm niềm thương của người còn sống gửi đến người đang nằm lại giữa biển khơi. Ông Lê Hữu Thảo, Trưởng Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma nói đây là năm thứ 9 những cựu binh Gạc Ma ở khắp các tỉnh, thành cùng tụ hội để tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma. Cũng không phải ngẫu nhiên mà lễ “giỗ” chung của 64 liệt sĩ Gạc Ma hằng năm được tổ chức ở vùng biển. “Những người đồng đội đang nằm lại giữa biển. Thân xác họ đã tan vào trong sóng nước. Chúng tôi chọn tổ chức giỗ ở vùng biển để được gần đồng đội hơn”, ông Thảo chia sẻ.
Ông Thảo nói dự kiến ban đầu còn có thêm một số cựu binh nữa cũng về tham gia. Nhưng đến những ngày cuối cùng, vì lý do dịch bệnh nên những người này đã không có mặt. Cũng có lúc dịch bệnh với mức độ tăng dần khiến ông Thảo nghĩ đến chuyện phải tạm dừng việc tưởng niệm. Tuy nhiên, đến cuối cùng buổi lễ vẫn được thực hiện dù ít người hơn.
Hải chiến Gạc Ma đã lùi xa cách đây 34 năm. Những người lính trở về từ trận chiến không cân sức này cũng mới tìm thấy nhau được gần 10 năm nay. Những người về Hà Tĩnh lần này cũng đã gặp nhau vài lần trong những ngày giỗ chung các năm trước. Nhưng vừa nhìn thấy nhau, những người đồng đội đã ôm chầm lấy nhau, siết chặt tay nhau như những người thân trong một nhà.
Ông Thảo nói trong những cựu binh sau chiến trận Gạc Ma trở về có nhiều người vẫn đang phải lao vào một “cuộc chiến” khác cũng cam go không kém. Đó là cuộc chiến áo cơm. Nhưng chỉ cần một dòng tin nhắn hẹn địa điểm là những người này gác lại tất cả để cùng về tưởng niệm đồng đội. Cũng từ khi bắt đầu những ngày “giỗ chung”, cựu binh Gạc Ma đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống thường ngày.
Nghe tin cựu binh nào gặp khó khăn hoạn nạn hoặc đau ốm là những người đồng đội lại cùng góp tay chia sẻ, hỗ trợ. Mới đây, qua kết nối của Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma, chiếc áo truyền thống có chữ ký của tất cả những cựu binh Gạc Ma đã được đưa ra bán đấu giá.Trong cuộc đấu giá tối 14/3/2022, chiếc áo này đã có một người mua với giá 128 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được người đại diện là ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) chuyển ra cho Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma để trao 64 phần quà cho 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma trên khắp cả nước, mỗi phần quà là 2 triệu đồng tiền mặt. Đây như là một chút tấm lòng của những người lính may mắn trở về gửi đến những gia đình có người nằm lại.
“Chúng tôi đã từng cùng ở ranh giới sống chết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giờ khi tìm được nhau rồi chúng tôi lại tiếp tục kề vai sát cánh với nhau để vượt qua khó khăn”, ông Thảo nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)