Bảo vệ phụ nữ và trẻ em thời hậu COVID

Pv |

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Việt Nam, kèm theo đó là sự gia tăng về bất bình đẳng giới mà phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong thời kỳ hậu COVID đang là một trong những mục tiêu quan trọng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế, tác động tới phụ nữ trên nhiều khía cạnh (việc làm, thu nhập, sức khỏe, quan hệ trong gia đình, xã hội...).

Nhiều phụ nữ nghèo bị thiệt thòi vì phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn, mất kế sinh nhai và bị bạo hành nhiều hơn.

Đại dịch COVID -19 đã làm gián đoạn việc học tập của trẻ em và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng khi hàng triệu học sinh các cấp trên cả nước phải học trực tuyến. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp nhằm đẩy lùi dịch bệnh như cách ly tại nhà, giãn cách xã hội đã gây ra những căng thẳng về tâm lý cho trẻ em. Trong năm 2021, hàng nghìn trẻ em phải đi cách ly, điều trị, không được ở cùng cha mẹ khiến các em cảm thấy bị cô lập, căng thẳng tâm sinh lý.

Theo bà Jeong Seong-Mi (Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc), trước tác động của COVID-19, mức độ gia tăng số lượng nữ giới có việc làm và tỷ lệ sử dụng lao động nữ cao hơn so với nam giới, nhưng sau khi khủng hoảng chính thức tác động, số lượng nữ giới có việc làm lại giảm đáng kể với nam giới. Đặc biệt, số người có việc làm giảm tương đối mạnh trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi gần 40 vốn gặp gánh nặng trong việc đảm đương cả sự nghiệp lẫn gia đình. Khủng hoảng kinh tế do các bệnh truyền nhiễm gây ra cũng khiến nữ giới đang trong giai đoạn chăm sóc và dạy dỗ con cái phải rời khỏi thị trường lao động.

Phân tích những khủng hoảng kinh tế do COVID-19 và sự thay đổi của thị trường lao động dành cho nữ giới, bà Jeong Seong-mi cho rằng, thiệt hại nặng nề đối với việc làm tập trung ở ngành dịch vụ trực diện cho thấy cần phải chú ý đến "điểm mù" chưa được quan tâm như người làm việc theo ngày tạm thời và người tự kinh doanh vốn không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều phụ nữ có mức lương thấp, bao gồm cả phụ nữ trung niên và lớn tuổi có trình độ tay nghề thấp trong ngành dịch vụ trực diện bị loại khỏi đối tượng được hỗ trợ do không có bảo hiểm thất nghiệp là điều cần quan tâm.

Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú cho biết, kết quả nghiên cứu của Tổ chức này chỉ ra rằng, sự tái phân bổ nguồn lực và ưu tiên của các chương trình y tế quốc gia, tập trung chăm sóc và điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 có một số tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em. Trong thời gian giãn cách, số phụ nữ mang thai tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản giảm 20%, số trẻ em được tiêm chủng giảm 70%...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cho biết, trong suốt hai năm, Chính phủ Việt Nam đã kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhưng từ tháng 10/2021 đến nay đã duy trì cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", trong đó, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, từ năm 2022, Việt Nam bắt đầu thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế tăng trưởng khá, tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện. Tuy nhiên, nữ giới luôn chịu nhiều thiệt thòi khi được trả công thấp hơn so với nam giới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương

Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Trương Thị Thu Thủy khẳng định, phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực nhiều nhất do COVID-19 gây ra. Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn so với nam giới. Sau khi khỏi bệnh, việc làm và thu nhập của lao động nữ lại suy giảm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng.

Theo bà Trương Thị Thu Thủy, Đảng, Quốc hội đã có chủ trương, quyết sách kịp thời, Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ cho người lao động, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Là tổ chức bảo quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến nhằm bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em.

Trung ương Hội đã ban hành kịp thời trên 30 loại văn bản liên quan nhằm vận động xã hội, hỗ trợ các cấp Hội tham gia phòng, chống dịch, hỗ trợ hội viên phụ khắc phục thiệt hại do COVID-19 gây ra như: Tổ chức nhiều cuộc họp, phổ biến thông tin online trên nhiều nền tảng ứng dụng khác nhau để phụ nữ dễ dàng tiếp cận; trao đổi thông tin chỉ đạo trong cán bộ cũng như cung cấp thông tin dưới hình thức infographic, video. Hiện nay, trang Thông tin cho phụ nữ trên Zalo và fanpage Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã cung cấp gần 500 bài viết với lượng tiếp cận thu nhận gần 1 triệu lượt tương tác.

Các cấp Hội tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; tổ chức hàng trăm ngàn cuộc truyền thông, phát trên 4 triệu tờ rơi, hơn 1,3 triệu tin, bài.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở các địa phương nỗ lực vận động nguồn lực (chủ yếu là nội lực) và các giải pháp hỗ trợ phòng, chống dịch; chăm lo hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn tổ chức chiến dịch “Nâng niu giá trị nông sản Việt - Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương”, đã hỗ trợ tiêu thụ được trên 40 ngàn tấn nông sản, trị giá lên 130 tỷ đồng; tổ chức Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, phát động phong trào “Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kêu gọi “Ai có gì giúp đấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”. Kết quả, các cấp Hội đã vận động được gần 300 tỷ đồng, tương đương gần 1 triệu phần quà với nhiều nhu yếu phẩm.

Một trong những hoạt động mang tính nhân văn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thực hiện thành công Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Kết quả đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 10.937 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi bị ảnh hưởng do COVID-19.

Để tất cả cùng vượt qua khủng hoảng COVID-19

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, COVID-19 đã khiến cho những thành tựu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội mà Việt Nam đạt được có nguy cơ bị thụt lùi. Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ kịp thời đến với những đối tượng yếu thế sẽ giảm được tác động tiêu cực của COVID-19, bảo đảm công bằng xã hội để tất cả cùng vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp có hiệu quả với các đơn vị triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt tác động của đại dịch đến trẻ em. Cụ thể, từ nguồn vận động xã hội hỗ trợ trẻ em là con sản phụ bị mắc COVID-19 là 1 triệu đồng/em; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ 5 triệu đồng/em; hỗ trợ trẻ mồ côi cả cha và mẹ do COVID -19 sổ tiết kiệm với định mức 20 triệu đồng/trẻ; triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em trong bối cảnh dịch COVID -19; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em…

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường nhân viên công tác xã hội ở địa phương, song song tập huấn cho lực lượng Công an cơ sở để chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nâng giới hạn tuổi quy định trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi để phù hợp với quốc tế; bổ sung chương trình đào tạo lại, mở rộng kiến thức nhà tuyển dụng cần trong tương lai như kỹ năng số, kỹ năng mềm; nghiên cứu gói hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ từ 0- 3 tuổi (1.000 ngày đầu đời) vì đây là thời gian não bộ phát triển nhanh nhất.

Để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng do đại dịch gây ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; phối hợp tham mưu triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có nhóm phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, cần chính sách để động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ lao động nữ bị mắc COVID-19 đang mang thai hoặc sinh con trong thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/10/2021…

Nhiều chuyên gia khẳng định, cần tăng cường hỗ trợ sinh kế cho người thất nghiệp và tái tìm việc, duy trì thu nhập cho người dân qua gói hỗ trợ khẩn cấp, tạo việc làm hỗ trợ tài chính. Trong tương lai gần, cần hỗ trợ nữ giới thất nghiệp quay trở lại làm việc; mở rộng các dịch vụ chăm sóc, mở rộng việc làm trực tiếp, tư vấn cân bằng giữa công việc và gia đình; thiết lập các tiêu chuẩn lắp đặt công trình, tiêu chuẩn hướng dẫn phòng dịch tại nơi làm việc.

Về lâu dài, các ý kiến cho rằng, cần xóa bỏ các "điểm mù" trong mạng lưới an toàn xã hội; cải thiện chất lượng việc làm cho đa số nữ giới và chuyển đổi mô hình chính sách cho phụ nữ bị gián đoạn công việc bằng chính sách hỗ trợ duy trì việc làm. Đặc biệt, mở rộng khả năng tham gia của nữ giới vào các lĩnh vực như tạo việc làm trong tương lai và cách giảm bớt sự phân biệt nghề nghiệp theo giới tính…

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá

Hà Văn |

Sáng 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo.

Kiểm soát không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại

PV |

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu rà soát kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 sáu tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm năm 2023, trong bối cảnh việc phục hồi kinh tế-xã hội đạt kết quả khả quan.

Sau Covid, chúng ta còn phải đối mặt với những dịch bệnh nào?

Thanh Mai |

Khi Covid-19 chưa kết thúc thì dịch bệnh khác xuất hiện như viêm gan bí ẩn đậu mùa khỉ... và còn có các dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Đảm bảo an sinh xã hội sau dịch bệnh

Võ Thái Hòa |

Tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến toàn diện nền KT - XH đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội và khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH những năm tiếp theo. Nhằm nhanh chóng khôi phục và phát triển nền kinh tế - xã hội sau đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11).