Đảm bảo an sinh xã hội sau dịch bệnh

Võ Thái Hòa |

Tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến toàn diện nền KT - XH đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội và khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH những năm tiếp theo. Nhằm nhanh chóng khôi phục và phát triển nền kinh tế - xã hội sau đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11).

Trong điều kiện vừa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vừa nội lực của tỉnh có phần hạn chế thì việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ là cơ hội để tỉnh có đủ nguồn lực kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu KT - XH đã đề ra và đảm bảo an sinh xã hội. Tại Nghị quyết số 11, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) với các nội dung cho vay cụ thể gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất - Ảnh: V.T.H
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất - Ảnh: V.T.H

Để triển khai thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch, không để xảy ra trục lợi chính sách, đảm bảo yêu cầu đề ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi đối tượng người dân, tổ chức, đơn vị hiểu rõ để xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo việc làm mới, phục hồi hoạt động nhằm đảm bảo thu nhập ổn định cuộc sống, phát triển các hoạt động và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn theo các chương trình, đối tượng theo Nghị quyết số 11 và tổng hợp trình UBND tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch và đăng ký nguồn vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương.

Có 3 chương trình cấp thiết cần đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân là giải quyết việc làm, nhà ở xã hội và nhu cầu mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực hướng dẫn nghiệp vụ cho vay một cách cụ thể đối với từng đối tượng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Phan Văn Pháp cho biết, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời tổng hợp nhu cầu vốn được các ngành, địa phương rà soát, tổng hợp gửi về UBND tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch và đăng ký nguồn vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương. Sau khi có nguồn vốn phân bổ của trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các kế hoạch cho vay.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân được hơn 33 tỉ đồng trong tổng số 141 tỉ đồng của 3 nội dung cho vay (còn 2 nội dung chưa được hướng dẫn cho vay là: Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Nhiều lao động sau khi trở về từ vùng dịch được vay vốn theo Nghị quyết số 11 đã đầu tư sản xuất tạo việc làm mới có hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Thanh Minh ở Phường 4, thành phố Đông Hà, sau khi trở về từ miền Nam do COVID-19 anh đã được Hội Nông dân phường tín chấp vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ để mua sắm dụng cụ, máy móc và nguyên vật liệu đúc bờ lô để bán. Nhờ nhu cầu xây dựng hiện nay tăng cao, cơ sở đúc bờ lô của anh Minh mới ra đời nhưng đã hoạt động có hiệu quả tốt, không chỉ tạo được việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm thời vụ cho các lao động trong khu phố với mức thu nhập 250 - 300 ngàn đồng/người/ngày.

Chương trình nhằm mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV), Quảng Trị là chi nhánh có doanh số cho vay hằng năm và dư nợ khá lớn. Công tác quản lý nguồn vốn đạt hiệu quả cao, chương trình đã giúp cho hàng chục ngàn HSSV khó khăn được vay vốn, ăn học thành tài. Mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/HSSV. Hiện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đang tích cực triển khai cho HSSV vay vốn theo Nghị quyết số 11 nhằm đảm bảo cho mọi HSSV trên địa bàn tỉnh có gia đình bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được học tập hoàn thành chương trình đại học, cao đẳng.

Ông Pháp cho biết thêm: “COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Do đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị xác định nhiệm vụ phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân đang là nhiệm vụ cấp bách. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đang phối hợp chặt chẽ với các ngành, các hội đoàn thể, địa phương triển khai tốt các hoạt động cho vay đến các đối tượng trong diện được thụ hưởng, nhằm triển khai hiệu quả, nhanh chóng các nội dung trong Nghị quyết số 11 của Chính phủ để thúc đẩy nhanh tăng trưởng nền kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tân Long khôi phục kinh tế địa phương trước ảnh hưởng của dịch bệnh

Bích Liên |

Sau gần 3 năm, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã vượt qua khó khăn do COVID-19, tìm hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước khôi phục kinh tế gia đình.

Miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh

Võ Thái Hòa |

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo chính sách của Chính phủ. Đến nay, nhiều đối tượng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh đã được hưởng hỗ trợ miễn, giảm thuế, góp phần giải quyết khó khăn, ổn định sản xuất. 

Chế biến nông sản thời dịch bệnh

Mỹ Hằng |

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều ngành nghề kinh doanh chịu tác động tiêu cực, sản xuất tạm dừng hoặc cầm chừng. 

Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Phương Minh |

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 170/ CĐ-TTg gửi người đứng đầu các cơ quan trung ương và địa phương về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống COVID-19.