Sau gần 3 năm, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã vượt qua khó khăn do COVID-19, tìm hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước khôi phục kinh tế gia đình.
Gần 3 năm trước, cũng như nhiều hộ đang làm ăn tại Lào, gia đình ông Đỗ Mãi ở thôn Long Quy, xã Tân Long rơi vào bế tắc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc làm ăn tại Lào gặp khó khăn, trong khi đất đai ở địa phương rộng rãi vẫn chưa khai thác hết, ông Mãi đã quay về quê, bắt tay khôi phục kinh tế gia đình. Trên diện tích đất hơn 1 ha, ông đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả.
Với đức tính siêng năng, cách làm bài bản, khoa học, đến nay ông Mãi đã có khu trang trại duy trì mỗi năm khoảng 30 con bò, gần 100 lợn nái và lợn thịt. Cùng với đó, ông trồng hàng trăm gốc chuối vừa để bán trái, vừa tận dụng thân chuối làm thức ăn cho bò. Hiện trang trại của gia đình ông đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình.
Thôn Long Quy có 117 hộ, trong đó có đến 60% gia đình phát triển kinh tế từ việc trồng chuối, buôn bán tại Lào. Về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh, dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ định hướng của chính quyền địa phương, cùng với ý chí, quyết tâm phát triển kinh tế trên chính quê hương mình, nhiều người dân đã năng động chuyển hướng làm ăn hiệu quả. Đến nay, tại thôn Long Quy có hơn 30 mô hình đem lại hiệu quả kinh tế.
Tại một số địa phương của nước bạn Lào có gần 300 hộ dân của xã Tân Long sang làm nông nghiệp, kinh doanh, trong đó có 241 hộ trồng chuối trên diện tích hơn 1.200 ha. Tuy nhiên, từ khi COVID-19 bùng phát, việc lưu thông, giao thương hàng hóa hai bên biên giới trở nên khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Triệu Chung cho biết: “Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt đối với một địa phương có nhiều người dân làm ăn, buôn bán tại Lào như Tân Long thì sự ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn. Trước tình hình đó, địa phương đã có các chủ trương khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân tập trung phát triển kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình bò nuôi nhốt, trồng rau sạch, cây ăn quả để ổn định cuộc sống. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; kết nối để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để giúp các hộ dân có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích người dân duy trì diện tích chuối trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu khi dịch bệnh được đẩy lùi”.
Năm 2019, xã Tân Long có 28 trang trại, gia trại chăn nuôi thì hiện nay con số này đã tăng lên gấp nhiều lần, chủ yếu tập trung chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, trồng cây ăn quả. Trong đó, có nhiều trang trại mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đa số chủ trang trại là những người từng kinh doanh, làm ăn tại Lào về quê khôi phục kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kết quả trên cho thấy, việc khôi phục kinh tế sau dịch bệnh của người dân xã Tân Long đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)