Năm 2022 tỉnh Quảng Trị phấn đấu đón 780.000 lượt khách, tổng doanh thu xã hội đạt 580 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành du lịch đạt 185 tỉ đồng.
Mục tiêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 và năm nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. Sau một thời gian dài “đóng băng” vì COVID-19 thì đây là cơ hội lớn để du lịch Quảng Trị phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh ca mắc COVID-19 trong cộng đồng liên tục tăng từ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh đang thận trọng thực hiện các bước để đón khách trở lại với quan điểm xây dựng và duy trì điểm đến an toàn.
Có thể thấy, du lịch là ngành kinh tế liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, vì vậy du lịch an toàn là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Trong tình hình sống chung với dịch bệnh như hiện nay càng cần một hệ thống kết nối du lịch an toàn bởi chỉ một khâu trong chuỗi du lịch mất an toàn sẽ ảnh hưởng đến tất cả. Cũng vì thế, an toàn du lịch không thể cảm tính mà cần được lượng hóa bằng các tiêu chí rõ ràng. Trên cơ sở hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của Bộ VH, TT&DL, ngày 15/3/2022, Sở VH, TT&DL Quảng Trị có công văn hướng dẫn đảm bảo các điều kiện phục vụ mở cửa trở lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trên cơ sở kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đối với các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch tự kiểm tra, rà soát và đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” tại địa chỉ https:// baocao.tourism.com.vn; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống COVID-19 kết hợp ứng dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra.
Để khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì điểm đến du lịch và kết nối các điểm đến an toàn có vai trò đặc biệt quan trọng. Trên trang https://baocao.tourism.com.vn, đến thời điểm này du lịch Quảng Trị có 87 cơ sở lưu trú, 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 10 điểm đến du lịch an toàn được cập nhật. Theo đại diện Sở VH, TT&DL, điểm đến an toàn có thể thay đổi liên tục về số lượng tùy theo cấp độ dịch ở các địa phương.
Đáng chú ý, trong số 10 điểm đến an toàn Quảng Trị được cập nhật đều là các điểm di tích lịch sử cách mạng. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi tỉnh chuẩn bị tổ chức nhiều chương trình sự kiện, hoạt động tri ân, tưởng niệm lớn tại các địa điểm di tích cách mạng. Tuy nhiên, để đón đầu một lượng khách lớn sẽ đến Quảng Trị trong thời gian tới, ngành du lịch cần kiểm tra, rà soát để cập nhật, hình thành thêm nhiều điểm đến về du lịch biển đảo, sinh thái, cộng đồng… lên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, nhằm bổ trợ, làm phong phú điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng khả năng thu hút, giữ chân du khách.
Tỉnh Quảng Trị xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, khảo sát của các đơn vị kinh doanh du lịch cho thấy khách du lịch nội địa đã thay đổi rất nhiều về tâm lý, cách thức du lịch kể từ sau khi COVID-19 bùng phát. Trước đây, khách du lịch nội địa nếu nhận thấy có đợt khuyến mãi hoặc có điểm đến đang thu hút là lập tức lên đường, nhưng hiện tại, tình hình dịch bệnh khiến người muốn đi du lịch phải cân nhắc nhiều điều. Trước khi quyết định đi du lịch có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Có nên đi du lịch không? Đi đâu? Đi với ai? Đi như thế nào? Đi bao lâu? Địa điểm đến có an toàn và tạo được hứng thú? Đặc biệt, khách du lịch có xu hướng đi ngắn ngày hơn, đi nhóm nhỏ theo gia đình hoặc bạn bè tới những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, khu vực ít người…
Vì vậy, ngành du lịch cần nắm bắt xu hướng, tâm lý đối tượng phục vụ để xác định lộ trình, giải pháp thúc đẩy sự phục hồi, phát triển hoạt động du lịch một cách phù hợp. Ví dụ như xây dựng những tour ngắn ngày, dành cho những nhóm nhỏ hay sản phẩm du lịch dành cho gia đình. Bên cạnh phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường cần tăng cường giới thiệu, quảng bá điểm đến một cách đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Đón đầu xu hướng du lịch mới, gần đây các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch xanh ở phía Tây Quảng Trị bắt đầu được hình thành, thu hút nhiều bạn trẻ và gia đình đi theo nhóm nhỏ đến “check in”, tham quan. Đây là những điểm đến mới làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Quảng Trị. Bên cạnh đó, tỉnh đang chuẩn bị khai trương mùa du lịch biển, đảo năm 2022, trong đó đảo Cồn Cỏ là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: khám phá cung đường rừng nguyên sinh giữa biển; tham gia một số dịch vụ giải trí, các hoạt động thể thao dưới nước như bơi lặn, chèo thuyền, du lịch ẩm thực thưởng thức các đặc sản biển đảo...
Để đảm bảo an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tập trung các biện pháp vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch đa dạng, hấp dẫn nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 theo quy định. Bên cạnh tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế; tổ chức tập huấn vừa an toàn phòng chống dịch, nhất là phương án xử lý sự cố trong quá trình đón, phục vụ khách du lịch cho các khu, điểm du lịch, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo sự thoải mái, an tâm cho du khách khi tham gia trải nghiệm, từ đó lan tỏa điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách.
Khởi động kích cầu phục hồi du lịch, ngày 30/3/2022, tỉnh Quảng Trị tham gia chương trình truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch tại hội nghị giới thiệu điểm đến 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng ở Thủ đô Hà Nội. Đây là chương trình liên kết du lịch 5 tỉnh miền Trung lần đầu tiên được tổ chức nhằm cung cấp thông tin chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các chương trình kích cầu và phương án đón khách du lịch trong điều kiện bình thường mới. Là cơ hội cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của 5 địa phương, trong đó có Quảng Trị gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thông tin, liên kết, hợp tác với các công ty lữ hành tại Thủ đô Hà Nội. Một khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho thấy với khách du lịch nội địa, nhu cầu du lịch biển vẫn ở mức cao (67%), nhu cầu khám phá thiên nhiên (48%), nghỉ dưỡng núi là nhu cầu mới và tăng so với trước COVID-19. Xu hướng du lịch mới này nằm trọn trong lợi thế về sản phẩm và điểm đến của 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng.
Vì thế, việc xúc tiến khai thác cũng như xây dựng mối liên kết, hợp tác để tạo thành một điểm đến liên vùng độc đáo, đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch như trên đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)