Thêm cơ hội để ngành du lịch tiếp tục phát triển

Thanh Lê |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Đề án về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, đề án hướng tới mục tiêu nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn, nâng tỉ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, sớm đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. 


Mục tiêu cụ thể là trong giai đoạn 2022- 2030, các khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch tỉ lệ 1/2000 nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch. Phấn đấu thu hút, hỗ trợ được 10 khu, điểm du lịch cộng đồng do các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 khu du lịch cộng đồng, sinh thái, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch Klu (huyện Đakrông) và khu du lịch hệ thống giếng cổ Gio An (huyện Gio Linh) 

Đoàn cựu chiến binh thăm di tích Khu lưu niệm thành lập Trung đoàn 6 tại thôn Tà Lang, xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: PV
Đoàn cựu chiến binh thăm di tích Khu lưu niệm thành lập Trung đoàn 6 tại thôn Tà Lang, xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: PV 

Đẩy mạnh liên kết đầu tư khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể nhằm phát triển du lịch từ 1-2 khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh (trước mắt là Di tích Địa đạo Vịnh Mốc). Hỗ trợ các doanh nghiệp đưa được 244.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú ít nhất 1 đêm tại Quảng Trị. Đào tạo, bồi dưỡng cho 1.120 học viên nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ cho khoảng 180 doanh nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch.

Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, ngành du lịch của tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khẳng định vị trí của du lịch Quảng Trị trong vùng Bắc Trung Bộ cũng như cả nước. Có được những kết quả đó là do tỉnh đã sớm xác định tiềm năng, lợi thế phát triển, vai trò, vị trí của ngành du lịch và tạo điều kiện để du lịch dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành những định hướng để phát triển ngành du lịch, đặc biệt ưu tiên công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển các khu điểm du lịch có tiềm năng. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng giao thông đã có những sự đầu tư lớn, đặc biệt là các tuyến đường bộ đã được khai thác hiệu quả, đã có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động du lịch trên địa bàn…Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang từng bước được xây dựng đồng bộ hơn, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý du lịch ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn. Nhận thức về phát triển kinh tế du lịch trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên một bước… Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Quảng Trị đã được đẩy mạnh và ngày càng có tính chuyên nghiệp cao. Đặc biệt với sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Trị đã tham gia tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá trong thời gian qua. Thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, làm cho hoạt động đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh khá sôi động, nhất là các khu du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt. Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa không ngừng tăng lên.

Theo đề án, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được tỉnh triển khai trong thời gian tới. Về chính sách chung, tỉnh sẽ khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức, nhất là các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chuyên nghiệp triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch; liên kết đầu tư khai thác phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, doanh nghiệp, tổ chức được cung cấp miễn phí thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh; quy hoạch ngành, nghề đầu tư, quy hoạch sử dụng đất; tiếp cận quỹ đất khi nghiên cứu, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Được hỗ trợ, tư vấn miễn phí về thủ tục thành lập doanh nghiệp; hồ sơ các thủ tục hành chính về: Đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính khác khi có nhu cầu. Được hỗ trợ tư vấn miễn phí về pháp lý; hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đầu tư và quá trình hoạt động kinh doanh du lịch.

Song song với các chính sách hỗ trợ chung, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch tỉ lệ 1/2000; hỗ trợ nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ đầu tư các khu du lịch cộng đồng, sinh thái. Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các khu di tích lịch sử, văn hóa khi liên kết khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể nhằm phát triển du lịch; hỗ trợ liên kết, hợp tác đưa du khách đến Quảng Trị; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch. Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch. Về kinh phí, từ năm 2022-2030, ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí khoảng 72,55 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo quy định.

Để triển khai thực hiện Đề án về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong thực hiện các nội dung của đề án. Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch, cụ thể hóa các điều kiện, nội dung hỗ trợ của từng chính sách; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện đề án...

Cùng với đó, giao các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai thực hiện đề án. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, lồng ghép có hiệu quả vào nhiệm vụ chuyên môn và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cơ quan, đơn vị. Hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ký kết chương trình phối hợp triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Nguyễn Vinh |

Ngày 18/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2022- 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự lễ.

Khảo sát đầu tư du lịch khai thác hệ thống giếng cổ tại Gio An

Trần Thị Mỹ Ngọc |

Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái những năm gần đây đã và đang được UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng gắn với khai thác hệ thống giếng cổ tại xã Gio An, huyện Gio Linh đã được đầu tư ở một số hạng mục như: Hệ thống đường kết nối liên thôn, liên xã, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, điểm quét mã QR… đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch.

“Miền Viên Thảo”- mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch

Bích Liên |

Năm nay 34 tuổi, từng trải qua nhiều công việc, ngành nghề khác nhau song cuối cùng, chị Đinh Thị Thu Thảo ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lại “bén duyên” với nghề làm vườn. 

Bộ Văn hóa đề xuất phương án mở cửa du lịch quốc tế và nội địa từ 15/3

Thanh Mai |

Yêu cầu được Bộ Văn hóa đặt ra là xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch.

Khởi nghiệp thành công nhờ làm du lịch

Trần Tuyền |

Mặc dù chị Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1989) và anh Phạm Hữu Phương (sinh năm 1985) đều là cử nhân đại học, song đôi vợ chồng trẻ này khiến nhiều người từ ngạc nhiên đến trầm trồ thán phục khi quyết định bỏ công việc văn phòng để về quê làm nông nghiệp, dịch vụ du lịch và thành công.