Chuối Tân Long cần được trồng thâm canh

Mai Lâm |

Dù giá chuối tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 trên thị trường rất cao nhưng người dân xã Tân Long - “thủ phủ” chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn thất thu vì sản lượng, chất lượng chuối phục vụ tết giảm sút nghiêm trọng. Cây chuối đã phát triển hàng chục năm và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương nhưng đến nay loại cây trồng này vẫn sống dựa vào điều kiện tự nhiên, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.


Theo chị Võ Thị Diệu Mỹ, chủ một đại lý kinh doanh chuối ở xã Tân Long, thông thường một xe chuối người dân chở ra chợ bán có 8 buồng, một buồng chuối đẹp dùng để thờ cúng (chuối loại 1) có giá gốc tại chợ trên 1 triệu đồng. Nếu một xe toàn chuối đẹp thì mức giá dao động từ 9 - 10 triệu đồng nhưng nếu không được xếp vào loại chuối đẹp thì chỉ mua theo cân với giá thời điểm cao nhất từ 7.000 - 8.000 đồng/cân, một xe 8 buồng trọng lượng cao lắm khoảng 1 tạ thì cũng chỉ được 700.000 - 800.000 ngàn đồng.

Như vậy, giá trị giữa chuối loại 1 và chuối bán theo cân chênh lệch trên 12 lần. Trên thực tế, chuối mật mốc ở Tân Long nói riêng, huyện Hướng Hóa nói chung càng ngày càng ít chuối đẹp, chỉ chiếm tỉ lệ từ 10% - 12%. Chính vì thế, dù giá chuối phục vụ tết trên thị trường đợt vừa rồi tăng mạnh nhưng thu nhập người dân ở đây không tăng, thậm chí giảm so với trước đây.

Sản phẩm chuối mật mốc Tân Long ngày càng giảm sút về năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân - Ảnh: M.L
Sản phẩm chuối mật mốc Tân Long ngày càng giảm sút về năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân - Ảnh: M.L

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết trong tổng diện tích đất trồng chuối khoảng 2.110 ha của xã Tân Long có 660 ha chuối trồng tại địa phương, 350 ha được người dân thuê đất trồng tại các xã thuộc huyện Hướng Hóa như: Thuận, Hướng Lộc; còn lại 1.100 ha chuối người dân thuê đất trồng ở nước bạn Lào. Ông Đỗ Mĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long cho hay, sản lượng chuối phục vụ tết của địa phương trong những năm gần đây giảm mạnh, đặc biệt là từ sau đợt mưa lũ năm 2020 khiến hơn 680/1.010 ha cây chuối trồng tại địa phương bị gãy đổ, hư hỏng dẫn đến năng suất thấp; trong khi đó 1.100 ha chuối của người dân địa phương thuê đất trồng tại nước bạn Lào những năm gần đây cũng không thể sang thu hoạch được vì COVID-19. Thời hoàng kim, doanh thu từ cây chuối ở Tân Long trung bình đạt khoảng 85 tỉ đồng/năm. Người dân xã Tân Long xem việc trồng chuối là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả nhằm xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Vì thế, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã đều trồng chuối, hộ ít nhất thì vài trăm gốc còn hộ nhiều trồng khoảng 20 - 25 ha.

Tuy nhiên, một thực tế là hàng chục năm nay, cây chuối chủ yếu được trồng theo phương thức truyền thống, phát triển dựa vào tự nhiên chứ không được người dân chăm sóc. So sánh với mô hình trồng chuối của địa phương, ông Mĩnh kể về mô hình trồng chuối công nghệ cao mà ông có dịp tham quan trong đợt gần đây ở tỉnh Đăk Lăk. Với giống chuối mật mốc cấy mô cùng với kỹ thuật bài bản từ khâu làm đất, xuống giống, chế độ dinh dưỡng, nước… nên vườn chuối ông Mĩnh đến tham quan cho sản phẩm rất chất lượng. Tất cả chuối của vườn xuất ra thị trường đều là chuối loại 1 đúng dịp tết Nguyên đán nên lợi nhuận gấp hàng chục lần so với cách trồng chuối truyền thống của người dân Tân Long.

“Người dân trong đó tuân thủ đúng quy trình đất trồng chuối chỉ đúng 2 năm, thu hoạch xong 2 lứa thì chuyển qua loại cây trồng khác để đất nghỉ ngơi chứ không phải trồng một cây chuối, cứ để cây mẹ đẻ cây con rồi thành cả bụi chuối, thu hoạch hết năm này đến năm khác nên cây bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm giảm. Chuối ở Tân Long nói riêng, Hướng Hóa nói chung chủ yếu trồng đất rẫy, nhờ đất đai, khí hậu phù hợp mà gần hai chục năm nay cây chuối mật mốc bám rễ và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương chứ chưa được đầu tư thâm canh bền vững”, ông Mĩnh thông tin thêm.

Địa bàn trồng chuối mật móc nhiều ở huyện Hướng Hóa tập trung ở các xã: Tân Long, Thuận, Thanh, Tân Thành, Hướng Lộc, thị trấn Lao Bảo… với diện tích khoảng 3.200 ha. Ngoài thị trường nội địa, lựa chọn một số sản phẩm chuối đẹp chủ yếu vào dịp rằm hằng tháng, lễ, Tết để thờ cúng thì sản phẩm chuối Hướng Hóa chủ yếu xuất khẩu Trung Quốc theo dạng chuối cân nên giá trị kinh tế bấp bênh.

Tháng 8/2018, Hội Nông dân huyện được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 cho sản phẩm chuối Hướng Hóa. Các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này là Hội Nông dân các xã: Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Lộc và thị trấn Lao Bảo. Tuy nhiên, với cách trồng chuối chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên như hiện nay thì thương hiệu chuối mật mốc ở Tân Long nói riêng, huyện Hướng Hóa nói chung khó phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Ông Mĩnh cho hay: Tân Long là địa phương chiếm đến 50% diện tích chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa, trước tình trạng cây chuối ngày càng thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm sút như hiện nay, Hội Nông dân xã đang hướng tới thay đổi phương thức sản xuất cho người trồng. Hiện trên địa bàn xã có một hộ nông dân sau khi tham quan, học tập mô hình trồng chuối ở Tây Nguyên về đang bắt đầu cải tạo đất, trồng thử nghiệm 100 gốc chuối theo hình thức thâm canh, có bón phân, tưới nước theo kỹ thuật để rút kinh nghiệm trước khi phổ biến áp dụng cho người trồng chuối trên địa bàn. Hy vọng đây sẽ là tiền đề để thay đổi tư duy, hướng canh tác của người dân địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông

Kăn Sương |

Trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) hiện có khoảng trên 50 ha chuối lùn bản địa, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân địa phương. Loại chuối này khi chín thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và có vị đặc trưng nên ngoài các thương lái thu mua về bán lại, một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thu mua để tạo ra các sản phẩm sạch như chuối sấy dẻo, sấy lạnh, kẹo chuối…Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu bán cho thương lái ngoài địa phương đến thu mua nên đầu ra không ổn định, thường bị ép giá.

Chuối sấy dẻo, sản phẩm đặc trưng của miền núi Quảng Trị

Trường Sơn |

Sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Nhà máy Chế biến nông lâm sản Toàn Cầu tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã chế biến sản phẩm chuối sấy dẻo bằng công nghệ hiện đại, tạo nên thương hiệu đặc trưng của miền núi Quảng Trị.

Những lợi ích từ việc ăn chuối trước khi đi ngủ

Hạ Mây |

Chuối là một trong những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng mà bạn nên thêm vào chế độ ăn hàng ngày. Ăn chuối vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Nông dân Việt “khóc ròng” với vườn chuối bên... Lào

Nguyễn Phúc |

Bỏ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để thuê đất trồng chuối ở nước bạn Lào, nay COVID-19 bùng phát, ngành chức năng siết chặt đường biên khiến nhiều nông dân ở các xã vùng biên huyện Hướng Hóa bó gối, khóc ròng vì chuối không thể hái, bị hỏng hoặc bị trộm khoắng sạch...