Bộ Y tế đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Đó là một trong những ý kiến đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” sáng 21/8.
Đây không phải lần đầu cơ quan của Bộ Y tế đề cập đến vấn đề công nhận liệt sĩ cho nhân viên y tế tử vong trong chống dịch COVID-19.
Ngay thời điểm dịch đang nóng bỏng, nhiều chuyên gia về pháp chế y tế đã đánh giá các chính sách thời điểm đó đủ để xét phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho 3 y bác sĩ mắc COVID-19 và tử vong trong quá trình chống dịch. Song hơn 1 năm đã trôi qua, đề nghị này vẫn vướng và "giậm chân tại chỗ". Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, hiện có ít nhất 10 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên) tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch.
Tại hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nêu ra thực trạng: nguồn nhân lực ngành Y tế đang có “xu hướng dịch chuyển từ công sang tư, bỏ việc”. Từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022, có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gồm 8.692 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 775 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Trong số này có 2.989 bác sĩ, 2.907 điều dưỡng, 561 kỹ thuật y và 3.010 viên chức y tế khác.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế, chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo, cũng như với các ngành, lĩnh vực khác chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua.
Về lâu dài, tình trạng này sẽ tác động đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống y tế và bảo đảm công bằng của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh.
Do đó theo đại diện Bộ Y tế, Chính phủ cần có chính sách, quy định nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y như: hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, Đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 liên quan tới việc tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn, bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế...
(Nguồn: Tổng hợp/Phụ nữ mới)