Đây là yêu cầu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trong chuyến kiểm tra tình hình thiệt hại mưa lũ ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong ngày 2/4.
Thiệt hại rất nghiêm trọng
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hải Lăng, tính đến 11 giờ ngày 2/4, mực nước các sông trên địa bàn huyện vẫn đang dâng cao làm ngập hầu hết các tuyến đê bao vùng trũng. Các tuyến đường liên thôn, xã ở Hải Lâm, Hải Phong và các khu dân cư tại các Càng đã chìm ngập, không đi lại được. Có hơn 809 hộ dân bị ngập từ 0,1 m - 0,3 m tập trung ở các xã: Hải Lâm, Hải Thượng, Hải Chánh; đã tổ chức di dời 2 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét tại xã Hải Chánh đến nơi an toàn. Toàn huyện có 6.370 ha lúa, hơn 1.541 ha hoa màu và 115 ha thủy sản bị ngập nặng.
Tính đến 10 giờ ngày 2/4, huyện Triệu Phong có 2.082 ha lúa bị ngập úng, đổ ngã thiệt hại từ 30% trở lên; 652,17 ha ngô, lạc, cây rau màu các loại bị ngập úng, đổ ngã thiệt hại từ 30 – 70 %; 10 lồng cá bị thiệt hại trên 70%; 11 ha nuôi cá trên địa bàn xã Triệu Ái bị ngập hoàn toàn... Bên cạnh đó, có 2 nhà dân bị tốc mái, trong đó 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nặng; 5 trạm bơm trên địa bàn xã Triệu Ái bị ngập nước.
Phải nỗ lực hạn chế thấp nhất thiệt hại
Kiểm tra tình tình thực tế tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng động viên, chia sẻ những thiệt hại nghiêm trọng mà người dân gánh chịu. Đồng thời, khẳng định UBND tỉnh cùng các địa phương sẽ nỗ lực để nhanh chóng khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra và sớm xây dựng phương án khôi phục sản xuất để Nhân dân ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với mưa lũ của các địa phương. Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương của huyện Hải Lăng, Triệu Phong phải nỗ lực cao nhất để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trước mắt, yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện Hải Lăng và Triệu Phong cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia kết hợp kinh nghiệm của người dân để đưa ra cách khắc phục hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng gia cố hệ thống đê bao, cống, đắp đập hạn chế nước tràn vào các vùng lúa, hoa màu chưa ngập úng. Tiếp tục thực hiện công tác kiểm đếm thiệt hại do mưa lũ gây ra. Xây dựng các phương án di dời, sơ tán dân khi cần thiết. Đặc biệt, giao ngành nông nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để khắc phục thiệt hại và tổ chức khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống của Nhân dân.
Khi nước rút phải lập tức huy động nhân lực, thiết bị máy móc, nhiên liệu, giải pháp kỹ thuật để tiêu úng cứu lúa, hoa màu có khả năng phục hồi được. Đồng thời phải tính toán đến vấn đề an ninh lương thực; nắm bắt nhanh những khó khăn của người dân để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)