Theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, việc cách ly trường hợp F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly, trong đó có việc giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung.
Liên quan đến áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, chiều 30/6, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, việc cách ly trường hợp F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly, trong đó có việc giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung của địa phương. Việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đã đề ra như trong điều kiện nhà riêng, có phòng và khu vệ sinh khép kín.
Hiện, các quy định về điều kiện cách ly trường hợp F1 tại nhà đã được Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ. Theo đó, trường hợp F1 sẽ cách ly tại nhà trong điều kiện nhà riêng, có phòng và khu vệ sinh khép kín. Trong thời gian cách ly, trường hợp F1 phải tuân thủ Thông điệp 5K, cập nhật sức khỏe thường xuyên, không tiếp xúc với người trong nhà (trừ trường hợp trẻ nhỏ và người già cần người chăm sóc), không dùng điều hòa trung tâm, thường xuyên lau khử khuẩn trong phòng…
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người thuộc trường hợp F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Bên cạnh đó, việc cách ly tại nhà cũng có một số khó khăn như hiện đã xuất hiện biến chủng virus mới, có cả các đặc tính biến chủng được phát hiện tại Ấn Độ và Anh có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch sẽ làm lây lan cho người ở cùng và lây lan ra cộng đồng.
Mặt khác, việc cách ly trường hợp F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng.
Địa phương cần đặc biệt lưu ý ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ, người cách ly không tuân thủ quy định tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly, nguy cơ lây nhiễm rất cao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý.
Ngay từ tháng 3/2020, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà. Đó là Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19” áp dụng cho những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F2); Công văn số 3588/CV-BCĐ ngày 2/7/2020 cách ly tổ bay và phi công trên các chuyến bay chở hàng và các chuyến bay chở khách từ Việt Nam đến các nước, không chở khách trên chuyến bay về. Trong đó, các đối tượng này thực hiện cách ly tập trung 7 ngày sau đó tiếp tục về cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Cùng với đó là Công văn số 897/BYT-MT ngày 7/2/2021 về cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi là F1 tại nhà. Trong đó, cho phép trẻ em dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà riêng; trẻ em dưới 15 tuổi được phép cách ly tại nhà sau khi cách ly y tế tập trung 7 ngày và xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần. Nhà riêng để cách ly phải đáp ứng điều kiện cách ly tương tự như nhà cách ly F1 đang thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 2787/QĐ-BCĐ ngày 5/6/2021 về việc “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp,” trong đó có hướng dẫn về cách ly công nhân là F1 tại nhà ở/nhà trọ trong khu vực phong tỏa khi số lượng F1 tại khu nhà trọ, khu dân cư đông và vượt quá năng lực cách ly của các cơ sở cách ly tập trung.
(Nguồn: TTXVN)