“Cần câu” tiếp sức đến trường cho học sinh vùng khó

Ngọc Trang |

Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai nhiều cách làm hay, thiết thực, phù hợp nhằm huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ các điều kiện cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn đến trường học tập tốt hơn. Trong đó, mô hình hỗ trợ con giống cho học sinh là một cách làm hay, hiện đang được các trường học trên địa bàn các xã vùng khó duy trì và nhân rộng.


Gia đình em Hồ Thị Hồng, học sinh lớp 6A, Trường THCS Thuận thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù học lực khá nhưng Hồng có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng vì điều kiện sống của gia đình quá khó khăn, em thường phải phụ mẹ lên rẫy sản xuất. Năm học 2023 - 2024, được sự hỗ trợ của Dự án Plan, nhà trường xét để hỗ trợ cho em 2 con dê giống.

Bằng những nguyên vật liệu đơn giản dễ kiếm, cùng với tôn và lưới được hỗ trợ, gia đình em xây dựng chuồng trại nuôi dê theo hướng dẫn của dự án. Ngoài giờ đi học, Hồng có nhiệm vụ đi cắt cỏ cho dê, chăn dê ở xung quanh đồi gần nhà. Sau chưa đầy nửa năm chăm sóc, dê giống được hỗ trợ đã sinh thêm được 2 dê con. “Em rất vui vì dê đã sinh con, phát triển tốt. Em sẽ tranh thủ thời gian chăm sóc dê cẩn thận để sau này có nguồn kinh phí đi học”, Hồng chia sẻ.

Gia đình em Hồ Thị Hồng chăm sóc tốt đàn dê được hỗ trợ -Ảnh: N.T
Gia đình em Hồ Thị Hồng chăm sóc tốt đàn dê được hỗ trợ -Ảnh: N.T

Cũng như Hồng, em Hồ Thị Vinh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Thuận được nhà trường xét hỗ trợ 2 con dê giống. Bố Vinh mất chưa đầy 1 năm, để lại 3 anh em đang tuổi ăn, tuổi học cho người mẹ ốm yếu bệnh tật. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, Vinh rất lo sợ phải nghỉ học giữa chừng. Được hỗ trợ dê, em rất phấn khởi, phụ mẹ làm chuồng để chăn nuôi.

Ngoài giờ học, Vinh chăm chỉ cắt cỏ, kiếm thức ăn về cho dê. Đến nay, dê giống đã sinh được 2 dê con. Vinh phấn khởi nói: “Đàn dê ngày càng phát triển tốt, gia đình em đỡ lo lắng vì có được nguồn kinh phí cho ăn học trong tương lai gần của em. Em hứa sẽ học hành chăm chỉ để không phụ lòng mẹ, thầy, cô giáo và nhà tài trợ”.

Hướng Hóa có 60 đơn vị trường học, trong đó 50% là trường học vùng đồng bào DTTS. Làm thế nào để duy trì sĩ số, hạn chế học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng học tập cho học sinh vùng khó luôn là điều trăn trở của ngành giáo dục huyện. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ học sinh vùng đồng bào DTTS nghỉ học giữa chừng.

Với hướng hỗ trợ bền vững cho học sinh vùng khó duy trì việc học, Phòng giáo dục và Đào tạo huyện đã tăng cường công tác xã hội hoá, phối hợp với các dự án phi chính phủ để hỗ trợ học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn bằng các mô hình chăn nuôi, bước đầu chọn dê và dúi má đào làm con giống chủ yếu để xây dựng mô hình.

Hình thức hỗ trợ ban đầu là 2 con dê giống hoặc 2 con dúi má đào cho 1 hộ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đó có tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập. Ngoài ra, hỗ trợ tiền mua tôn và lưới để làm chuồng. Tổng kinh phí đầu tư các mô hình điểm nuôi dê và dúi má đào gần 70 triệu đồng. Sau 1 năm, hộ gia đình này sẽ được hưởng lợi từ đàn dê con được sinh sản, còn dê giống ban đầu thì xoay vòng qua hộ khác.

Trong thời gian đầu làm thí điểm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Trường THCS Thuận và Trường Tiểu học & THCS Xy phối hợp với Dự án Plan triển khai thực hiện. Nhà trường chủ động rà soát, xét chọn học sinh đáp ứng các tiêu chí bắt buộc như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình thiếu điều kiện sản xuất, có ý thức học tập tốt, có thành tích học tập khá trở lên...

Kiểm tra cụ thể điều kiện của gia đình để xây dựng chuồng trại đảm bảo mô hình. Sau đó, tiến hành họp phụ huynh để thống nhất cách thức xây dựng mô hình, hướng dẫn làm chuồng trại, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi và ký cam kết trách nhiệm của gia đình học sinh về việc đảm nhận mô hình.

Qua thời gian đầu làm thí điểm, các mô hình chăn nuôi được giáo viên phối hợp với dự án kiểm tra thường xuyên, qua đó, kịp thời tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, đảm bảo chuồng trại, kiến thức phòng dịch bệnh... Học sinh cũng như gia đình phấn khởi, chăm sóc vật nuôi cẩn thận. Nhờ đó, sau 3 tháng thực hiện, 8 mô hình điểm chăn nuôi dê sinh sản phát triển thuận lợi, dê sinh trưởng tốt, đã sinh sản thêm, nâng tổng số đàn dê từ 12 con lên 22 con.

Bên cạnh đó, Trường Tiểu học và THCS Xy triển khai thí điểm thêm 3 mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan, mỗi mô hình 2 con giống hỗ trợ học sinh người DTTS của trường có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Các mô hình này góp phần đáng kể vào việc cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thêm điều kiện để đến trường. Đồng thời, giúp học sinh được hỗ trợ tìm hiểu về quá trình lao động sản xuất của cộng đồng, biết quý trọng sức lao động.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: “Mô hình hỗ trợ sản xuất cho gia đình học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn mặc dù quy mô nhỏ nhưng ý nghĩa rất thiết thực, sẽ tạo cho các em và gia đình có được “cần câu” để phát triển kinh tế gia đình, tạo động lực cho các em yên tâm hơn để đến trường chuyên cần, học tập tốt.

Các mô hình cũng nhằm giúp học sinh có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình GDPT 2018. Mô hình còn góp phần gắn kết trách nhiệm giữa gia đình và nhà trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để nhân rộng các mô hình này, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thạc sĩ trẻ nuôi khát vọng làm giàu cho mình, cho quê hương

Quang Đăng |

Sở hữu tấm bằng thạc sĩ sau bao năm nỗ lực đèn sách, nhiều cơ hội mở ra đối với Phan Đức Phước (sinh năm 1995), trú tại Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Thế nhưng, gác lại những tính toán thiệt hơn, anh Phước đã quyết định trở về quê để thực hiện điều ấp ủ từ lâu là làm giàu cho mình và cho quê hương.

Đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa bão

Trần Anh Min |

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 có nhiều nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật và diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, trong đó có thiệt hại về chăn nuôi trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương đã sớm chỉ đạo người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi khi có bão lụt.

Triển vọng từ mô hình nuôi bò 3B

Lê An |

Nhằm khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ năm 2023, mô hình nuôi giống bò hướng thịt 3B đã được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Qua đánh giá bước đầu, giống bò khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, bò phát triển tốt, ít dịch bệnh, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân.

Nhân rộng mô hình chăn nuôi dê địa phương

Sỹ Hoàng |

Đakrông (Quảng Trị) là huyện miền núi có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê địa phương sinh sản cũng như thương phẩm.