Những đợt lũ khủng khiếp tràn qua, cuộc sống của người dân đang yên ổn bỗng trở nên khốn khó do không có nơi tránh lũ an toàn cho người và tài sản. Nhiều gia đình chạy lũ trở về bị “trắng tay” sau những cơn đại hồng thủy. Nhưng giữa cảnh cơ cực đó, có những gia đình bảo vệ được tính mạng và tài sản của mình mà không cần di dời nhờ vào những ngôi nhà tránh lũ.
Nhờ vào ngôi nhà phòng, chống bão lũ mà 3 mẹ con gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nơi tránh trú an toàn giữa mênh mông biển nước trong những đợt lũ lớn vừa qua. Năm 2015, gia đình chị Nguyệt được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay 15 triệu đồng và được Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng để xây nhà ở đảm bảo điều kiện tránh được bão, lũ. Nhà chị Nguyệt ở nơi heo hút rìa làng, đợt lũ vừa qua, nhà chị như bị cô lập với làng nhưng nhờ có nhà tránh lũ, chị Nguyệt đã kê được toàn bộ tài sản lên gác trên.
Những ngày nước dâng cao, mọi sinh hoạt gia đình đều diễn ra trên căn gác khô ráo và an toàn. Chị Nguyệt cho biết: “Nhà tôi ở chỗ thấp lại xa làng, nước lũ lên nhanh đội ứng cứu cũng khó mà cứu hộ được, may nhờ nhà có căn gác nên 3 mẹ con và tài sản của gia đình được an toàn tuyệt đối. Tôi thấy có căn nhà này, khỏi cần di dời khi có bão lũ vì nếu gặp bão thì trú ở tầng trệt đã có mái kiên cố, còn nếu bị lũ thì lên gác trên, rất an tâm”.
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tránh bão, lũ được thực hiện theo Quyết định 48/2014/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi có chủ trương, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các biện pháp để thực hiện như: Tổ chức tuyên truyền đến các cấp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và người dân biết để thực hiện; Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện khảo sát, lập nhu cầu vốn, báo cáo lên cấp trên để có vốn hỗ trợ kịp thời cho người dân đủ điều kiện vay vốn làm nhà. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội nên hầu hết hộ nghèo ở vùng ngập lụt có nhu cầu vay vốn làm nhà tránh bão lũ đều được hỗ trợ kịp thời.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Trị Phan Văn Pháp cho biết: “Quảng Trị là vùng thường xuyên bị bão lũ nên ngay sau khi có chủ trương chính sách hỗ trợ và cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với lãi suất thấp thì hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai kịp thời để giải ngân sớm cho người nghèo nhằm giúp hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương khi bị thiên tai. Thực tế trong những năm qua, những ngôi nhà tránh bão, lũ phát huy được hiệu quả rất tốt, đã cải thiện được cơ bản điều kiện nhà ở cho hộ nghèo và kết hợp được nhiều công năng, giúp người nghèo ổn định được cuộc sống. Điều này còn góp phần giúp các hộ nghèo tránh bị nghèo hơn hoặc tái nghèo vì thiên tai”.
Sau 6 năm triển khai, chính sách này đã thể hiện tính ưu việt, mang lại hữu ích lớn cho người nghèo. Tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng được 1.439 nhà phòng, tránh bão, lũ với tổng vốn cho vay 21.585 triệu đồng. Mặc dù được đầu tư vốn không nhiều, chỉ khoảng 50- 60 triệu đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ và cho vay 27 triệu đồng) nhưng những ngôi nhà tránh bão lũ cho người nghèo được xây dựng khá vững chắc, đảm bảo được “3 cứng” là móng cứng, khung cứng và tường cứng nên an toàn cho người dân tránh cả bão và lũ lụt. Có được ngôi nhà này, dù không rộng lắm nhưng người dân vẫn bình yên sống tại chỗ, không cần phải di dời khi có bão lũ.
Chính sách cho vay hỗ trợ đầu tư xây nhà phòng, tránh bão, lũ cho hộ nghèo ở miền Trung theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ sắp kết thúc. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, những ngôi nhà vượt lũ một lần nữa chứng minh tính hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, xã hội của một chính sách đúng đắn. Do đó, trong điều kiện bão, lũ ngày càng phức tạp, khó lường và gây hậu quả nghiêm trọng thì trong thời gian tới, chính sách này cần tiếp tục được kéo dài và nhân rộng không chỉ cho đối tượng hộ nghèo mà còn cho nhiều đối tượng chính sách khác, trong đó có các hộ cận nghèo, đồng thời tăng mức cho vay và mức hỗ trợ tùy theo từng đối tượng. Hiện tại, mức cho vay 15 triệu đồng và hỗ trợ 12 triệu đồng cho 1 hộ nghèo xây nhà phòng, tránh bão, lũ là quá thấp so với nhu cầu vốn hiện nay. Để làm được nhà người nghèo phải huy động thêm các nguồn vốn khác, nhưng khả năng này của người nghèo rất hạn chế. Do đó, nhiều hộ nghèo mặc dù đúng đối tượng được hỗ trợ nhưng họ vẫn không tham gia xây nhà phòng, tránh bão, lũ vì không có khả năng đầu tư thêm vốn.
Chính sách hỗ trợ người nghèo xây nhà phòng, tránh bão, lũ của Nhà nước mang tính nhân văn và có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn. Trong thời gian tới, bên cạnh việc đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện, tranh thủ thời hạn chưa kết thúc chương trình, chính quyền địa phương các cấp cần kịp thời rà soát, xét duyệt, xác nhận đúng đối tượng thụ hưởng để Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ sở giải ngân nhanh nguồn vốn này theo đúng quy định. Tăng cường vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ giúp người nghèo có thêm kinh phí để họ xây được nhà, thêm một chỗ dựa vững chắc để họ vươn lên thoát nghèo bền vững, không bị tổn thương trước thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để không chỉ người nghèo mà tất cả các tầng lớp nhân dân thấy rõ, ý thức được sự cấp thiết phải xây dựng nhà tránh bão, lũ để cuộc sống được an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay, từ đó người dân có sự đầu tư đúng mức cho ngôi nhà để an cư, lạc nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)