Cần mở rộng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế

PV |

Để thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế tuyến cơ sở, trong những năm qua TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các trạm y tế không đủ thuốc cần thiết cho công tác khám chữa bệnh khiến cho người dân vẫn chưa “mặn mà” khi đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

Có đủ bác sĩ, đủ trang thiết bị nhưng lại thiếu thuốc

Trạm Y tế Phường 5, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) được chuyển đổi theo nguyên lý y học gia đình từ giữa năm 2019 và được trang bị khá đầy đủ thiết bị như siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… nhưng vì thiếu nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế nên người dân đến khám rất ít. Có những tháng, tại Trạm Y tế này chỉ có khoảng 50 bệnh nhân đến khám.

Đại diện Trạm Y tế Phường 5, Quận 3 cho biết, thời gian đầu khi chuyển đổi theo nguyên lý y học gia đình, lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại trạm tăng nhiều. Tuy nhiên, do thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế nên người dân đến khám giảm dần và khi người dân đến khám, trạm cũng hướng dẫn bệnh nhân lên thẳng tuyến trên. Theo vị này, để người dân đến khám tại trạm y tế, việc cấp thuốc và mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế, đặc biệt là bệnh nhân mãn tính rất quan trọng.

Trạm Y tế Phường 22, quận Bình Thạnh là một trong 35 trạm y tế trên địa bàn thành phố đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, Trạm Y tế Phường 22, quận Bình Thạnh được đầu tư thêm các máy móc trang thiết bị hiện đại như máy chụp X-quang, siêu âm, điện tâm đồ, máy kéo giãn cột sống, xung điện, máy xét nghiệm...
 
 
Bên cạnh đó, Trạm Y tế Phường 22 đã được Trung tâm y tế quận Bình Thạnh bố trí cho 6 bác sĩ, gồm 2 bác sĩ cố định, 2 bác sĩ tăng cường tuyến quận và 2 bác sĩ trẻ Phạm Ngọc Thạnh tham gia khám chữa bệnh. Song song đó, trạm còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn, tư vấn, hội chẩn từ xa của bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện chuyên khoa nhi…

Bà Ngô Thị Minh Thu, Trưởng Trạm Y tế Phường 22, quận Bình Thạnh cho biết, khi chuyển đổi thành trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình từ tháng 4/2022, lượt thăm khám của trạm lên đến 50 - 70 bệnh nhân/ngày, đa phần là những người bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường … Trước đây, những bệnh nhân có bệnh này thường thăm khám tại tuyến trên. Tuy nhiên, để thu hút người dân đến trạm y tế khám nhiều, bà Minh Thu cho rằng cần phải mở rộng thêm danh mục thuốc BHYT cho tuyến trạm từ hạng 4 lên hạng 3.

Theo bác sĩ Phạm Thị Phương Chi, Trưởng trạm y tế Phường 3, Quận 6, hiện nay tại trạm y tế thiếu rất nhiều các thuốc BHYT cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh mãn tính. Rất nhiều người bệnh mãn tính như tăng huyết, áp đái tháo đường, hen phế quản… khi đến trạm y tế khám bệnh đều mong trạm y tế có đủ các loại thuốc như đang nhận ở bệnh viện để họ không phải lên tuyến trên điều trị, có như vậy không phải vừa đi xa, vừa tốn thời gian xếp hàng chờ đợi…

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả tại tuyến trạm y tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, tại Thông tư số 30/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hcó 324 loại, trong đó danh mục thuốc cho các bệnh mạn tính không lây có khoảng 50 loại.

Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 40 loại thuốc được Hội đồng chuyên môn của ngành y tế Thành phố đánh giá là rất cần thiết. Do đó, khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện tuyến quận, huyện, người dân có nhu cầu muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị ngoại trú tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn thì không có đủ các loại thuốc điều trị ngoại trú theo chỉ định điều trị của bệnh viện, điều này buộc người bệnh phải tiếp tục đến khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện.

80% người bệnh mãn tính sẵn sàng đến trạm y tế khám nếu đủ thuốc

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, cụ thể như: Triển khai các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế để chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; triển khai thí điểm chương trình đào tạo thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế để cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ mới tốt nghiệp... Các hoạt động này bước đầu đã tạo thêm niềm tin và an tâm công tác cho nhân viên y tế cơ sở, thu hút người dân đến với trạm y tế để chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Tuy nhiên, một khó khăn thực tế vẫn đang diễn ra tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố là không có đủ các loại thuốc thông thường và cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh các bệnh phổ biến cho người dân cư trú trên địa bàn, nhất là các thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho người dân chưa hài lòng khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có khảo sát nhanh về ý kiến của người dân khi đến tái khám tại các bệnh viện để nhận thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm, kết quả cho thấy có đến 80% người bệnh sẵn sàng đến với trạm y tế phường, xã thay vì đến bệnh viện nếu các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc điều trị ngoại trú như bệnh viện.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước những mong đợi chính đáng của người dân, Sở Y tế đã trình UBND Thành phố, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cho phép Thành phố được triển khai thí điểm mở rộng danh mục cho y tế cơ sở, cụ thể là mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở được quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT. Trong đó, được bổ sung 50 loại thuốc có danh mục thuốc của tuyến 3 theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT (các bệnh viện tuyến huyện) trong điều trị các bệnh không lây (tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh xương khớp mạn tính, đái tháo đường, hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính).

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hò Chí Minh sẽ sớm trình UBND Thành phố và Bộ Y tế cho phép Thành phố thí điểm mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương. Bởi bên cạnh 129 hoạt chất theo quy định, còn nhiều thuốc thiết yếu khác rất cần cho y tế cơ sở nhưng do nhu cầu ít nên khó tiến hành đấu thầu riêng lẻ, đặc biệt là 50 loại thuốc điều trị các bệnh không lây đang được BHXH thanh toán cho các bệnh viện.

(Nguồn: Ngày nay)

TAGS

Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã A Vao

Kim Quy - Xuân Diện |

Thực hiện chỉ đạo của Ban Quân – Dân y Quân khu về việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong 2 ngày 25, 26/10/2022, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cử đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Ban Quân y và Bệnh xá 20A, Phòng Hậu cần tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tư vấn sức khỏe cho người dân xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị).

2 hình thức hỗ trợ thuốc miễn phí cho người bệnh

Tuệ Văn |

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh.

Bất ngờ vụ xả súng ở trường học Thái Lan khiến 38 người chết: Nghi phạm vụ uống "thuốc điên" trước khi gây án

Thanh Mai |

Mẹ nghi phạm cho biết con trai bà vẻ căng thẳng sau khi rời tòa án. Nghi phạm đã uống một số loại thuốc và bắt đầu bị hoang tưởng.

Giữ gìn bài thuốc hay, cây thuốc quý của người Vân Kiều, Pa Kô

Tây Long |

Nơi bản làng vùng cao Hướng Hóa, một số thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô đã và đang thầm lặng gìn giữ nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý. Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với ông TRƯƠNG ĐÌNH Ý, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Đông y tỉnh, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hướng Hóa.