Giữ gìn bài thuốc hay, cây thuốc quý của người Vân Kiều, Pa Kô

Tây Long |

Nơi bản làng vùng cao Hướng Hóa, một số thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô đã và đang thầm lặng gìn giữ nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý. Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với ông TRƯƠNG ĐÌNH Ý, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Đông y tỉnh, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hướng Hóa.

- Thưa ông! Được biết, ở các huyện miền núi của tỉnh có nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý được bà con người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô gìn giữ. Ông có thể chia sẻ thông tin này với mọi người?

- Huyện miền núi Hướng Hóa hội tụ 3 dân tộc anh em: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô. Phần lớn những bài thuốc hay, cây thuốc quý ở mảnh đất này do bà con người Vân Kiều, Pa Kô nắm giữ. Xưa kia, người Vân Kiều, Pa Kô sống du canh, du cư. Trên hành trình kiếm đất, bà con thường chọn những nơi xa xôi, hẻo lánh để định cư. Vì đường sá cách trở, xa trạm y tế, người dân địa phương gặp nhiều khó khăn mỗi khi đau ốm. Từ đó, dân bản đã tìm tòi những bài thuốc hay, cây thuốc quý để chữa trị bệnh.

Tại huyện Hướng Hóa, hầu như ở bản làng nào cũng có những thầy thuốc có thể chữa nhiều loại bệnh như xơ gan, vàng da, đau răng, đau dạ dày… và giúp những người bị rắn cắn, gãy tay chân, hở khớp háng… được bà con tin tưởng.

Lãnh đạo Hội Đông y huyện Hướng Hóa trao giấy khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn các cây thuốc quý, bài thuốc hay - Ảnh: Q.H
Lãnh đạo Hội Đông y huyện Hướng Hóa trao giấy khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn các cây thuốc quý, bài thuốc hay - Ảnh: Q.H

- Việc gìn giữ, bảo tồn các bài thuốc hay, cây thuốc quý được dân bản thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Thấy ý nghĩa của việc chữa bệnh giúp người, một số nam, nữ thanh niên người Vân Kiều, Pa Kô đã tìm kiếm, xin các thầy thuốc của bản học nghề. Tuy nhiên, số lượng ấy không nhiều. Phần lớn các bài thuốc hay của người Vân Kiều, Pa Kô được giữ gìn, phát huy dưới hình thức cha truyền, con nối. Đáng tiếc là một số thầy thuốc không có người nối bước hoặc chưa kịp truyền lại những bài thuốc hay cho con cháu.

Vì thế, một số bài thuốc dần mất đi. Về các cây thuốc quý, bà con vùng cao chủ yếu lấy từ núi cao, rừng sâu. Việc đưa cây thuốc về nhân trồng vẫn chưa được chú trọng. Vì thế, có một số cây thuốc quý đã cạn kiệt. Nhiều năm gắn bó với công việc, từng nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông của Bộ Y tế, tôi rất trăn trở trước thực trạng này.

- Như ông chia sẻ, việc gìn giữ các bài thuốc hay, cây thuốc quý của người Vân Kiều, Pa Kô chủ yếu được thực hiện dưới hình thức “cha truyền con nối”. Vậy, Hội Đông y huyện Hướng Hóa đã có giải pháp gì để những bài thuốc hay, cây thuốc quý không bị mất đi?

- Thời gian qua, với sự đoàn kết, thống nhất cao, cán bộ, hội viên Hội Đông y huyện Hướng Hóa luôn nắm bắt, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 24 CT/TW ngày 4/7/2008 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Hội đã vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để gìn giữ, bảo tồn, phát triển những bài thuốc hay, cây thuốc quý. Chúng tôi sắp xếp thời gian về từng bản làng để tìm gặp các thầy thuốc; sưu tầm những bài thuốc hay; tìm kiếm cây thuốc quý…

Từ sự vận động của cán bộ hội, một số thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô đã đưa những cây thuốc quý từ rừng về để trồng và nhân giống. Không dừng lại ở đó, hội đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho cán bộ, hội viên, thầy thuốc ở các bản làng. Chúng tôi cũng đã vận động, tạo điều kiện cho con em một số thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô vào Hội Đông y huyện để học tập, rồi gửi đến các trường để theo học chuyên sâu.

- Được biết, trong những nỗ lực của mình, mới đây, Hội Đông y huyện Hướng Hóa đã tổ chức hội thảo: “Bài thuốc hay, cây thuốc quý, bài thuốc tâm đắc của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô”. Hội thảo đã mang lại những tín hiệu đáng mừng gì, thưa ông?

- Từ trước đến nay, cán bộ, hội viên Hội Đông y huyện Hướng Hóa luôn nỗ lực tìm cách bảo tồn, thừa kế và phát triển những bài thuốc hay, cây thuốc quý trong Nhân dân, đặc biệt là các thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô. Đó cũng chính là động lực thôi thúc một số cán bộ, hội viên đóng góp kinh phí tổ chức hội thảo này.

Tham gia hội thảo, thầy thuốc ở nhiều bản làng như các ông: Hồ Xuân Hương, Hồ Văn Han, Hồ Văn Ai, Hồ Văn Tuôn, Hồ Văn Rây… đã chia sẻ những bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm từ đời ông, đời cha để lại. Qua ghi nhận, những chia sẻ của các thầy thuốc tuy đơn giản, mộc mạc nhưng rất thực tiễn, gợi mở nhiều điều cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Sau hội thảo, các thầy thuốc của bản làng được những lương y, bác sĩ giỏi gợi mở thêm về y lý trong cách chẩn đoán bệnh theo lục phủ ngũ tạng và phân tích giá trị của một số cây thuốc theo khoa học. Từ đây, các thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô có thêm kiến thức, kỹ năng và hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị của những bài thuốc hay, cây thuốc quý.

- Đề nghị ông cho biết thời gian tới, Hội Đông y huyện Hướng Hóa sẽ làm gì để gìn giữ, phát huy giá trị các bài thuốc hay, cây thuốc quý của người Vân Kiều, Pa Kô?

- Mỗi bài thuốc hay, cây thuốc quý của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô là một cơ hội cho những người mắc bệnh. Vì thế, bảo tồn, phát huy chúng nghĩa là nhân lên cơ hội cho mình và mọi người. Tôi nghĩ, đây không phải là trách nhiệm riêng của một tổ chức, cá nhân mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Với trách nhiệm của mình, Hội Đông y huyện Hướng Hóa sẽ nỗ lực phát triển thêm cơ sở hội ở các xã vùng bản. Cùng với đó, chúng tôi sẽ mời các thầy thuốc đang hành nghề khám chữa bệnh vào hội. Một điều chắc chắn là Hội Đông y huyện sẽ vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn nữa để đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển đông y kết hợp tây y trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; xây dựng nền y dược học cổ truyền khoa học và đại chúng; xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn, trong sáng về y đức…

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị, hội thảo thu hút sự tham gia không chỉ của cán bộ, hội viên mà còn của thầy thuốc ở các bản và người dân địa phương.

Qua ghi nhận của chúng tôi, một số thầy thuốc người Vân Kiều, Pa Kô đã phát hiện, sử dụng các loại cây, vị thuốc có tác dụng tốt, hiệu quả chữa trị bệnh cao, thường được gọi theo tiếng địa phương nên ít người biết tới. Vì thế, ngành chuyên môn, các nhà nghiên cứu cần khảo sát, tìm hiểu, đánh giá một cách toàn diện về các loại cây, vị thuốc này để bảo tồn, phát triển.

Để Hội Đông y huyện Hướng Hóa làm tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng là đơn vị 2 lần được nhận cờ “Điển hình tiên tiến xuất sắc và xuất sắc toàn diện 10 năm” của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đơn vị liên quan.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hướng đến xây dựng trường học không khói thuốc

T.L |

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày trên thế giới có từ 80.000 - 100.000 thanh, thiếu niên bắt đầu hút thuốc lá.

Lần đầu tiên nông dân Quảng Trị được tập huấn sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật

Phan Việt Toàn |

Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc mở 2 lớp tập huấn hướng dẫn, đào tạo mô hình sử dụng máy bay không người lái (UAV) HLD18 phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa trong tháng 9/2022.

Vụ thuốc Tamiflu, truy tố nguyên Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang

An Ly |

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho nhóm lãnh đạo Công ty Dược Cửu Long chiếm đoạt 3,8 triệu USD ngân sách Nhà nước.

Một người phụ nữ bị nhồi máu phổi vì uống 15 viên thuốc tránh thai khẩn cấp mỗi tháng

Thanh Mai |

Khi khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai loại Levonorgestrel 10 năm nay, thường uống 12-15 viên/tháng.