Cần sớm đầu tư công trình nước sạch cho một số vùng nông thôn, miền núi

Hà Vân An |

Một trong những tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh cũng như cả nước khó đạt được là môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó nước sạch là vấn đề đáng quan tâm để đảm bảo sức khỏe cho người dân. 

Những năm qua, nhờ sự huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nước sạch trên địa bàn đưa lại hiệu quả thiết thực, từng bước đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế và yêu cầu chất lượng nước thì hiện nay vẫn còn một số địa phương nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị có 201 công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn do thôn, hợp tác xã quản lý với tổng công suất khai thác khoảng 6.500 m3 /ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 32.000 hộ dân. Trong quá trình sử dụng, nhiều nơi (nhất là ở vùng núi) chưa chú trọng công tác bảo vệ, giữ gìn, không duy tu bảo dưỡng nên công trình đã bị hư hỏng, người dân trong vùng có công trình nước vẫn không có nước sạch để dùng. Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi chưa có công trình nước tập trung, người dân tự đào, khoan giếng để dùng. Chất lượng nước phụ thuộc vào tự nhiên nên mặc dù đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu nước hợp vệ sinh nhưng nước vẫn không đảm bảo chất lượng. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 94,67%, nhưng chỉ có 57,14% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia (tỉ lệ này ở tiêu chí các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đạt trên 70% số hộ).

Công trình nước ở Cam Thủy, Cam Lộ - Ảnh: H.V.A
Công trình nước ở Cam Thủy, Cam Lộ - Ảnh: H.V.A

Xã Gio Hải, huyện Gio Linh có 6 thôn (trong đó có 2 thôn mới sáp nhập từ xã Gio Thành cũ) nhưng đã có 4 thôn ven biển có nguồn nước chưa hợp vệ sinh do nhiễm phèn và nhiễm mặn. Người dân trong xã tự khoan giếng để lấy nước nhưng phần lớn nước từ các giếng khoan bơm lên đều phải qua bể lọc, lắng. Các bể lọc cũng do người dân tự xây dựng bằng phương pháp truyền thống là cho thấm lắng qua các lớp đất, đá nên không xử lý được hoàn toàn chất phèn, mặn. Chỉ cần tích nước đã lọc sau 1 - 2 ngày là lượng phèn đọng lại rất nhiều, có nơi nước còn bị đổi màu. Thế nhưng người dân ở các thôn ven biển xã Gio Hải vẫn phải sử dụng nguồn nước này từ trước tới nay nên rất lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Lưỡng, một người dân xã Gio Hải cho biết: “Gia đình tôi dùng nước giếng khoan nhiễm phèn này từ trước đến nay. Nước đun sôi mà lúc nào cũng có mùi khó chịu nhưng cũng phải sử dụng vì không có nguồn nước nào khác. Tôi mong cấp trên đầu tư cho người dân công trình nước để có nước sạch sử dụng chứ dùng nước này lâu ngày sinh nhiều bệnh tật lắm”.

Nhiều năm nay, người dân xã Gio Hải đã có nhiều kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết nên rất mong có một nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh để sử dụng. Chủ tịch UBND xã Gio Hải Trần Viết Nam cho biết: “Hiện nay, tình trạng nước bị nhiễm phèn ở một số thôn của xã vẫn chưa được giải quyết do chưa được đầu tư các công trình cấp nước hay xử lý nước. Người dân ở các thôn này rất mong chờ nguồn nước sạch. Vì thế, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư xây dựng cho người dân công trình nước sạch. Hoặc các dự án đã được phê duyệt rồi thì cần đẩy nhanh thực hiện để người dân sớm được hưởng lợi”.

Không chỉ vùng biển, vùng sâu, vùng xa đang gặp khó khăn về nguồn nước sạch mà ngay cả một số nơi vùng đô thị hay vùng đồng bằng sát đô thị như xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong)… có thôn người dân vẫn thiếu nước sạch để sử dụng. Người dân đã thực hiện các biện pháp xử lý nhưng do từng hộ dân không đủ năng lực và kiến thức xử lý nước nên chất lượng nước không đạt yêu cầu, buộc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn từ trước tới nay.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là đến năm 2025 toàn tỉnh có 97,5% số hộ vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình nước, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm thì các cấp, các ngành, đơn vị cần quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn để xây dựng công trình nước sạch cho người dân, trước mắt là nguồn nước hợp vệ sinh, sau đó dần tiến tới đảm bảo quy chuẩn quốc gia, tăng tỉ lệ người dân được sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn bằng và cao hơn quy định đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặt khác, các địa phương, các ngành cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền định hướng để làm thay đổi nhận thức của người dân từ sử dụng nước được phục vụ sang sử dụng nước dịch vụ. Có như vậy vừa nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho người dân, bảo vệ công trình nước công cộng, vừa có nguồn vốn xã hội hóa để tái đầu tư công trình nước mới hay duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhằm tăng độ bền cho công trình.

Để giải quyết vấn đề này một cách căn bản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy cho biết, những giải pháp cần tiến hành đồng bộ và tích cực là xây dựng cụ thể, rõ ràng mô hình tổ chức hoạt động các cơ quan, đơn vị có chức năng cung cấp nước sạch sinh hoạt. Đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân. Tăng cường rà soát các dự án, kiểm tra, khảo sát thực tế để quyết định đầu tư các chương trình, dự án nước sạch cho có hiệu quả. Một điều quan trọng nữa là nâng cao ý thức của người dân cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn các công trình nước để sử dụng bền lâu”.

Từ thực tiễn về sử dụng các công trình nước đã đầu tư và nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nơi chưa có công trình nước, trong giai đoạn 2021 - 2025, một số địa phương cần bố trí kế hoạch nguồn vốn đầu tư công có hạng mục đầu tư cho nước sạch. Nhưng giải pháp trước tiên phải duy tu bảo dưỡng các công trình đang hoạt động để tăng cường công suất và kiểm soát được chất lượng nước. Đồng thời, các công trình, dự án nước đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn thì cần xây dựng quy mô công trình phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bố trí thời gian đầu tư hợp lý nhằm sớm đưa dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đi vào hoạt động. Đối với công trình xây mới cần đầu tư các công trình cấp nước với quy mô lớn trên 500 m3/ ngày, đêm và sử dụng các công nghệ xử lý nước hiện đại để người dân khi sử dụng dễ vận hành và kiểm soát được chất lượng nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bàn giao hệ thống nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Trang - Nguyên Đồng |

Ngày 12/10/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch tại thôn Thúc, xã Vĩnh Ô. Tham dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng.

Chủ động nguồn nước sạch với mô hình xử lý và trữ nước an toàn

Trường Sơn |

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam - Chương trình vùng Hướng Hóa đã phối hợp với Trạm Y tế xã Hướng Lập triển khai, kích hoạt mô hình xử lý và trữ nước an toàn tại thôn Cù Bai (Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) thông qua phương pháp xử lý nước bằng hình thức xây dựng bể lọc hộ gia đình.

Miễn, giảm mức thu giá nước sạch cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19

Q.H |

Ngày 16/8/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định về việc miễn, giảm mức thu giá nước sinh hoạt nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.

Điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19

PV |

Ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 5257/VPCP-KTTH về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.