Canh giữ rừng những ngày xuân

Hiếu Giang |

Trong những ngày tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng kiểm lâm, cán bộ khu bảo tồn, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh vẫn luôn thường trực 24/24 giờ, bám sát địa bàn để sẵn sàng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.


Với những cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) - những người làm nhiệm vụ giữ rừng - Tết cũng là thời gian cao điểm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm để bảo vệ rừng và thường trực phòng, chống cháy rừng. Bởi đây là cao điểm của mùa khô ở 7 xã (gồm Triệu Nguyên, Ba Lòng, Đakrông, Tà Long, Húc Nghì, Ba Nang, A Bung) do đơn vị quản lý. Đồng thời, các đối tượng xấu cũng thường lợi dụng những ngày Tết để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Anh Hồ Văn Dũng, thành viên Tổ bảo vệ rừng Tà Long, Tiểu khu 701A - Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cho biết, dù không tận hưởng trọn vẹn không khí đầm ấm những ngày Tết bên gia đình và người thân để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng nhưng anh và các thành viên trong tổ luôn nhận được sự động viên của gia đình, anh em đồng nghiệp nên cảm thấy ấm lòng.

Cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông nghỉ chân trên đường tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: H.G
Cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông nghỉ chân trên đường tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: H.G

Anh Dũng chia sẻ: “Những ngày Tết cũng trùng với cao điểm mùa khô nắng, nên chúng tôi vẫn trực theo ca 24/24 giờ ở các chốt. Các thành viên còn lại thì vẫn đều đặn tuần tra bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các hành vi săn bắt động vật hoang dã cũng như đảm bảo công tác PCCCR tốt hơn”.

Dù trải qua nhiều vất vả, hiểm nguy như trèo đèo, lội suối, băng rừng và có thể đối mặt với đối tượng lâm tặc nguy hiểm... nhưng bảo vệ màu xanh của những cánh rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những cán bộ, người giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Qua đó, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, để những cánh rừng góp phần mang đến cuộc sống ấm no cho người dân.

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có diện tích hơn 37.600 ha. Đây được xem là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu quý hiếm.

Ngoài ra, đơn vị đang được giao quản lý thêm Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại với diện tích tự nhiên 5.237,4 ha. Chính vì vậy, việc duy trì các tổ tuần tra ở những điểm rừng trọng yếu, đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm luôn được coi trọng.

Trước đó, lực lượng bảo vệ rừng cũng đã phối hợp với các địa phương mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét tại các khu vực giáp ranh, khu vực có nguy cơ cao xảy ra các hành vi vi phạm. Trên địa bàn đơn vị quản lý có hơn 90% dân số trong vùng đệm là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, việc mưu sinh dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên nên ít nhiều gây áp lực lên công tác bảo vệ rừng.

Vì thế những năm qua, nhiệm vụ mà Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đặc biệt quan tâm là công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng và PCCCR. Theo đó, những năm qua đơn vị đã tổ chức hàng trăm lượt họp thôn để tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng cho hàng nghìn lượt người; tổ chức trên 50 đợt tuyên truyền lưu động, cấp phát hàng nghìn ấn phẩm, áp phích có nội dung tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, nên ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, nhận thức về hoạt động bảo tồn ngày càng được nâng lên rõ rệt, mức độ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn ngày càng giảm.

Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông Hồ Viết Thắng cho biết: “Thời gian qua, Ban Quản lý khu bảo tồn đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các khu vực trọng yếu.

Trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại tất cả 12 điểm chốt, chúng tôi đều bố trí lực lượng nhận khoán, bảo vệ rừng trực 24/24 giờ để nắm thông tin và tuần tra bảo vệ rừng”. Cùng với việc tổ chức quán triệt cho toàn lực lượng thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ, PCCCR, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tăng cường lực lượng, duy trì hoạt động 26 chốt, trạm, bố trí lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ rừng.

Thêm một mùa xuân mới đã về. Trong không khí vui tươi đón một mùa xuân mới, với những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng nói chung và cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông nói riêng, dường như những tất bật, bộn bề, niềm hân hoan trong mùa xuân được dồn hết vào việc quyết tâm gìn giữ màu xanh cho quê hương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hoa tớ dày khoe sắc đẹp lộng lẫy nơi núi rừng Mù Cang Chải

Lê Phú |

Ghé thăm Mù Cang Chải (Yên Bái) vào những ngày sát Tết nguyên đán, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sắc hồng rực rỡ của hoa tớ dày (hay còn gọi là hoa đào rừng).

Thăm rừng phong hương mùa thay lá

Lê Trường |

Những ngày đầu năm mới, khi thời tiết giao mùa cũng là lúc rừng cây phong hương (hay còn gọi là sau sau) ở huyện miền núi Hướng Hóa “trở mình” thay màu lá. Sắc màu rực rỡ của rừng sau sau đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, khám phá và trải nghiệm ở Hướng Hóa. Qua lăng kính nhiều người, những sắc màu ấy hiện lên như bức tranh mang vẻ đẹp thơ mộng, tựa góc “trời Âu” ngay ở miền Tây Quảng Trị.

Hoa rừng xuống phố hút khách Thủ đô chơi Tết sớm

Hoàng Toàn |

Các loại lê rừng, mận từ các tỉnh vùng cao mang theo vẻ đẹp hoang dã bày bán nhộn nhịp khắp các tuyến đường Hà Nội phục vụ khách chơi Tết sớm.

Cam Lộ: Tiếp tục chuyển đổi 5 ha đất rừng sang trồng mít Indonesia

Anh Vũ |

Nhằm chuyển đổi cơ cấu trồng để nâng cao thu nhập cho người dân, sau khi trồng thử nghiệm thành công 2 ha mít Indonesia tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, hiện nay huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiếp tục cho chuyển đổi thêm 5 ha đất trồng rừng để mở rộng trồng loại cây này.