Chông chênh giảng đường

Hải An |

 

Thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh...

Vượt lên phận nghèo

Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng Hoàng Nguyên Trang (SN 2004), ở thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Trang thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với tổng số điểm 25,52 và hiện đang là sinh viên năm thứ Nhất ngành công nghệ kỹ thuật hóa học.

Nhiều năm nay, mẹ của Trang bị thoái hóa cột sống rất nặng nên không thể làm việc gì ngoài nội trợ. Bố của Trang bị u thận quản nhưng vẫn nén từng cơn đau, gắng gượng theo nghề cắt tóc mưu sinh. Từ khi đang học THCS, sau những buổi đến trường, Trang thường đảm đương rất nhiều công việc phụ giúp bố mẹ. Từ trồng rau, chăn nuôi, nấu nướng, em đều làm thuần thục và chẳng bao giờ than vãn khó nhọc.

Hoàng Nguyên Trang chăm chỉ học tập - Ảnh: NVCC
Hoàng Nguyên Trang chăm chỉ học tập - Ảnh: NVCC

“Nhà em chẳng có nguồn thu nào đáng kể, chỉ dựa vào mấy con gà, tiền cắt tóc hằng ngày của bố để chi phí cho cuộc sống sinh hoạt. Vừa qua, để có tiền cho em theo học đại học, bố mẹ đã chạy đôn chạy đáo vay mượn từ nhiều nguồn mới gom lại đủ. Nhiều đêm trong phòng trọ trống vắng, nỗi nhớ bố mẹ lại ùa về khiến nước mắt em tuôn rơi. Em tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lại sự kỳ vọng của bố mẹ và ước mong sau này ra trường, kiếm được công việc ổn định để chăm lo cho bố mẹ, trả hết số nợ đã vay”, Trang bộc bạch.

Ở môi trường đô thị, công việc làm thêm dành cho sinh viên khá nhiều nên Trang không mấy lo lắng trong tìm kiếm việc làm. Điều Trang lo lắng nhất là sức khỏe của bố mẹ ngày càng xấu đi và lo sợ việc học của mình có thể phải dừng lại giữa chừng...

Mong được tiếp sức

“Nhận giấy báo trúng tuyển rồi vào nhập học ngành quản trị khách sạn (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) mà em cứ rối bời với tâm trạng nửa vui, nửa buồn. Vui vì em đã thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường để tiếp tục con đường học tập. Buồn bởi hoàn cảnh khánh kiệt của gia đình em, không biết rồi đây có chu cấp được cho em trong những năm học đại học…”, em Lê Thị Kim Ngân (SN 2004) ở thôn Văn Vận, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng chia sẻ.

Với Lê Thị Kim Ngân học tập chính là con đường ngắn nhất để đi đến thành công - Ảnh: NVCC
Với Lê Thị Kim Ngân học tập chính là con đường ngắn nhất để đi đến thành công - Ảnh: NVCC

Biến cố của gia đình Ngân bắt đầu từ năm 2019, khi ba em là ông Lê Hữu Thành (50 tuổi) đi khám bệnh thì phát hiện bị bệnh gai cột sống, thoát vị đĩa đệm. Và đến bây giờ, ông Lê Hữu Thành không làm được việc nặng, chỉ ở nhà phụ vợ làm công việc lặt vặt trong nhà. Mẹ em là bà Nguyễn Thị Thảo (46 tuổi) dù sức khỏe yếu vẫn trở thành “trụ cột” của cả gia đình với nghề làm thuê các công việc khi có người gọi làm.

“Hơn ai hết, em hiểu rằng, học tập chính là con đường giúp em có tương lai tươi sáng hơn. Và niềm vui đã đến khi em trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Bây giờ, em luôn cầu mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp em và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ những tấm lòng nhân ái”, Ngân cho biết.

Quyết vượt qua nghịch cảnh

Đối với bạn bè cùng trang lứa, việc trúng tuyển vào ngành kiến trúc (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) là niềm vui mừng thì em Nguyễn Thành Đạt ở Khu phố 7, Phường 3, thị xã Quảng Trị khi vào nhập học lại mang theo bao nỗi âu lo, bởi hoàn cảnh của gia đình Đạt quá khó khăn, rất có thể em phải bỏ dở giấc mơ giảng đường.

Ba của em là ông Nguyễn Hữu Đổng (59 tuổi) cách đây 10 năm bị chấn thương sọ não trong một vụ tai nạn giao thông. Mặc dù gia đình đã tìm mọi cách để cứu chữa, nhưng đến bây giờ ông Đổng bị liệt nửa người phải nằm liệt giường. Mẹ của em là bà Lê Thị Vương (54 tuổi) trở thành “trụ cột” gia đình với nghề giữ xe ở chợ thị xã Quảng Trị để có thu nhập trang trải cho cuộc sống vốn khó nghèo, túng thiếu và nuôi các con ăn học.

Nguyễn Thành Đạt khi vào nhập học mang theo bao nỗi âu lo - Ảnh: NVCC
Nguyễn Thành Đạt khi vào nhập học mang theo bao nỗi âu lo - Ảnh: NVCC

“Vào nhập học gần 2 tháng, nhưng đến giờ em vẫn lo lắng lắm. Bởi gia cảnh túng thiếu, khánh kiệt như gia đình em khó mà lo được cho em học đại học trong thời gian tới. Em luôn khao khát có thể học xong đại học rồi kiếm việc làm ổn định để phụ giúp mẹ chăm sóc ba em. Không biết liệu ước mơ đó của em có trở thành sự thật…”, Nguyễn Thành Đạt ngậm ngùi cho biết.

Ước mơ của Thảo

Nhập học ngành Quản trị kinh doanh (Học viện Hàng không Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh), nhưng em Trần Phương Thảo ở thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong vẫn còn canh cánh nỗi lo không thể theo học do hoàn cảnh gia đình quá túng quẩn.

Trần Phương Thảo vẫn còn canh cánh nỗi lo không thể theo học do hoàn cảnh gia đình quá túng quẩn - Ảnh: NVCC
Trần Phương Thảo vẫn còn canh cánh nỗi lo không thể theo học do hoàn cảnh gia đình quá túng quẩn - Ảnh: NVCC

Phương Thảo cho biết, ba em là ông Trần Văn Hiệt (44 tuổi) trước đây đi làm thuê cho các hộ nuôi tôm để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Khoảng tháng 6/2022, ông Hiệt bị lìa khớp gối trong một vụ tai nạn giao thông đến bây giờ không đi lại được. Mẹ em là bà Hoàng Thị Thuyết (38 tuổi) làm nghề bán rau ở chợ chắt chiu từng đồng tiền lẻ để lo cho cuộc sống gia đình.

Bà Thuyết nói: “Dù phải sống trong gia cảnh thiếu thốn, nhưng các con tôi đều chăm ngoan, học giỏi nên tôi vui mừng lắm. Từ ngày cháu Thảo nhận được kết quả trúng tuyển rồi khăn gói vào nhập học ở Học viện Hàng không Việt Nam, tôi cứ luẩn quẩn với nỗi lo không biết lấy tiền đâu nuôi con ăn học trong quãng thời gian sắp tới”.

“Đến bây giờ, ước mơ cháy bỏng của em là được tiếp tục học ngành mà em yêu thích. Nhưng đó, cũng chỉ là ước mơ, không biết em có thực hiện được hay không… Bởi hoàn cảnh nghèo khó của gia đình em hiện tại không biết lấy đâu ra tiền để đắp đổi suốt 4 năm học tới”, Phương Thảo chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải vì sao tỷ lệ người nhập học đại học thấp

PV |

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, có một thực tế rất đáng rất trăn trở khi so sánh tỉ lệ người theo học đại học, tức là toàn bộ sinh viên đang học đại học so với người trong tuổi học đại học (thường là từ 18 - 23 tuổi) của Việt Nam đang thấp so với khu vực và trên thế giới.

Nghiên cứu điều chỉnh quy trình tuyển sinh Đại học đơn giản, gọn nhẹ

PV |

Nhiều chuyên gia đánh giá bên cạnh việc sớm ban hành quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa, gọn nhẹ hơn.

Giảng đường thắm tình hữu nghị

Thanh Đoàn |

Xa quê hương thân yêu, mang theo những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp, các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã nỗ lực không ngừng để vượt qua những trở ngại về văn hóa và ngôn ngữ, tự tin hòa nhập vào môi trường mới. Trên hành trình ấy, các em luôn nhận được sự sẻ chia, động viên, giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường, tập thể giảng viên, cán bộ và các sinh viên Việt Nam.

Vượt lên nghịch cảnh để đến giảng đường

Sỹ Hoàng |

Không đầu hàng trước nghịch cảnh để cố gắng hoàn thành ước mơ đến với giảng đường là điểm chung của các tân sinh viên Quảng Trị được xét nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2021. (Bài tiếp theo)