Xa quê hương thân yêu, mang theo những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp, các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã nỗ lực không ngừng để vượt qua những trở ngại về văn hóa và ngôn ngữ, tự tin hòa nhập vào môi trường mới. Trên hành trình ấy, các em luôn nhận được sự sẻ chia, động viên, giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường, tập thể giảng viên, cán bộ và các sinh viên Việt Nam.
Những ngày đầu tiên cắp sách lên giảng đường, hầu hết lưu học sinh Lào đều chia sẻ: “Tiếng Việt chưa giỏi là một băn khoăn của chúng em. Tiếng Việt đã khó lại phải làm quen với việc nghe và phát âm theo giọng miền Trung làm cho chúng em gặp không ít khó khăn. Trước mắt, chúng em phải tập trung học tiếng Việt, bởi vì nếu không giỏi tiếng Việt thì sẽ không thể theo học chuyên ngành được”. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em, nhà trường, các khoa chuyên môn đã luôn gần gũi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp lưu học sinh Lào từng bước khắc phục khó khăn và thích nghi với môi trường học tập mới. Trong nhiều năm qua, nhà trường đã đạt được những thành tựu nổi bật từ đào tạo nền tảng ngôn ngữ, văn hóa đến đào tạo chuyên môn và các kỹ năng cho các em.
Bắt đầu từ năm 2006, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chính thức đào tạo hệ chính quy cho lưu học sinh Lào với các chuyên ngành Tin học ứng dụng, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam theo diện học bổng toàn phần của tỉnh Quảng Trị và đặt hàng của các tỉnh Savannakhet và Salavan. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo được trên 10 khóa tiếng Việt cho sinh viên Lào trước khi vào học chuyên ngành với tổng số 64 sinh viên đã tốt nghiệp và 10 sinh viên đang tiếp tục theo học tại trường.
Ngoài ra, trong 10 năm qua, nhà trường là đơn vị chịu trách nhiệm giảng dạy phần tiếng Việt cho học viên học chương trình Trung cấp lý luận chính trị -hành chính tại Trường Chính trị Lê Duẩn và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị. Từ năm 2008 đến này, nhà trường đã dạy tiếng Việt cho 11 khóa tại Trường Chính trị Lê Duẩn với tổng số 380 học viên chủ yếu đến từ hai tỉnh Savannakhet và Salavan và 5 khóa tại Trường Cao đẳng Y tế với tổng số 192 sinh viên. Năm 2016, trường hợp tác với Trường Trung cấp Luật Đồng Hới (Quảng Bình) và hoàn thành khóa đào tạo tiếng Việt cho 146 sinh viên trước khi các em vào học chuyên ngành.
Sau mỗi khóa học (khoảng 1 năm), sinh viên đã có thể thực hiện thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có thể giao tiếp tốt với người Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều sinh viên có triển vọng để tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã hướng dẫn thực tập giảng dạy tiếng Việt ở các trường Tiểu học tại thành phố Đông Hà cho 62 sinh viên Lào đang học khóa Sư phạm tiếng Việt tại các Trường Cao đẳng Sư phạm Savannakhet và Cao đẳng Sư phạm Salavan nhằm giúp các em hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và phương pháp sư phạm trong giảng dạy tiếng Việt.
Thời gian học tiếng Việt là giai đoạn có tính chất nền tảng và có ý nghĩa quyết định đối với các công tác khác trong quá trình học tập của sinh viên người nước ngoài. Nhận thức được điều này, nhà trường luôn chú trọng công tác đào tạo tiếng Việt cho sinh viên. Để có được một chương trình đào tạo có tính sáng tạo, phù hợp với các đối tượng, đảm bảo tính liên tục, phong phú, cân đối giữa phần lý thuyết và phần thực hành, nhà trường đã chủ động học hỏi kinh nghiệm từ rất nhiều trường khác trong nước.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tiếng Việt là những người vững về chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy; đa số giảng viên tham gia dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào đều ít nhiều biết tiếng Lào nên việc tương tác, trao đổi, chia sẻ giữa giảng viên và sinh viên rất thuận lợi. Công tác đào tạo tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên lựa chọn và theo học chuyên ngành.
Sau thời gian học tiếng Việt, sinh viên người nước ngoài bắt đầu theo học các chuyên ngành khác nhau. Trong những năm qua, các chuyên ngành được sinh viên Lào theo học rất đa dạng, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội như: Tin học ứng dụng, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Sư phạm tiếng Anh…
Trong quá trình học chuyên ngành, sinh viên nước ngoài thường không tránh khỏi những khó khăn về tiếng Việt chuyên sâu. Biết được điều này, nhà trường và các khoa chuyên môn đã khắc phục bằng nhiều cách, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phối hợp với sinh viên Việt Nam hoặc sinh viên các khóa trước, bố trí các em làm nhiệm vụ trợ giảng, giúp cho sinh viên khóa sau trong việc tiếp nhận kiến thức. Một mô hình đem lại nhiều hiệu quả trong công tác đào tạo chuyên ngành là việc thành lập các nhóm học tập, các câu lạc bộ có cả sinh viên nước ngoài và sinh viên Việt Nam để các em hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu giáo trình, tài liệu và tiếp nhận bài giảng của giảng viên. Mô hình này vừa giúp cho sinh viên nước ngoài hiểu hơn về tiếng Việt vừa tạo được tâm lý tự tin, sự thân thiện giữa các sinh viên.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ học tập của các sinh viên. Nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, thay đổi hình thức truyền thụ, bố trí giảng viên phụ đạo cho sinh viên…Nhờ đó, công tác đào tạo, giảng dạy sinh viên nói chung và với sinh viên nước ngoài nói riêng của trường vẫn đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch năm học. Bên cạnh hoạt động giảng dạy, nhiều giảng viên đã hướng dẫn cho sinh viên tập làm bài tập lớn, làm tiểu luận…
Đây được xem là bước đầu cho sinh viên làm quen với công tác nghiên cứu khoa học. Với tinh thần đam mê nghiên cứu và học hỏi, các lưu học sinh đã có những công trình nghiên cứu đầu tiên về một số vấn đề mà các em quan tâm. Trong năm học 2020-2021, có 3 nhóm sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của giảng viên đã đăng ký và hoàn thành 3 tiểu luận về: Hệ thống giếng cổ tại Gio LinhQuảng Trị; Lễ hội Ariêuping của đồng bào vùng cao Quảng Trị và lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn-Quảng Trị. Nhiều sinh viên có ý định sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề này khi có điều kiện học tập ở các bậc cao hơn.
Song song với công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cũng được nhà trường hết sức quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm nhà trường đều cử những giảng viên có kinh nghiệm tham gia bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên các trường Cao đẳng Sư phạm Savannakhet và Cao đẳng Sư phạm Salavan nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp dạy học, đáp ứng tốt hơn công tác đổi mới dạy học theo hướng tích cực, hiện đại ở các trường. Tính đến nay đã có 7 lớp bồi dưỡng được hoàn thành với sự tham gia của 118 cán bộ, giảng viên từ bậc mầm non đến cao đẳng.
Trong thời gian học tập tại trường, sinh viên nước ngoài luôn được nhà trường quan tâm trong việc tổ chức, hướng dẫn các kỹ năng mềm và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao. Chương trình thực tập, thực tế đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Tùy theo đặc trưng của từng ngành, từng bộ môn, giảng viên sẽ thiết kế chương trình giảng dạy có sự lồng ghép giữa các hình thức học tập, trong đó chú trọng phần học tập trải nghiệm. Sinh viên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam được đi thực tế tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, được nghe các diễn giả thuyết trình nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa của Việt Nam và Quảng Trị. Sinh viên ngành Tin học ứng dụng, ngành Sư phạm tiếng Anh được bố trí thực tập tại các đơn vị có uy tín nhằm giúp sinh viên tích lũy được nhiều kiến thức thực tế bổ ích.
Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi giao lưu về thể dục-thể thao nhân các ngày lễ lớn trong năm. Tại các hoạt động này, sinh viên nước ngoài luôn được tham gia và thể hiện khả năng của mình. Các ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam và tết Bunpimay của các bộ tộc Lào cũng được nhà trường phối hợp với các tổ chức, ban ngành trong tỉnh quan tâm. Đây là dịp để sinh viên có được môi trường giao lưu, học hỏi hướng tới sự phát triển toàn diện để trở thành những đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói rằng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã và đang khẳng định vai trò của mình trong công tác đào tạo sinh viên nước ngoài bên cạnh đào tạo sinh viên trong nước. Việc chú trọng đào tạo sinh viên Lào là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Lào cũng như với các tỉnh trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)