Tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến việc luân chuyển giáo viên vùng đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi nhằm tạo sự công bằng và phát huy cao nhất sự cống hiến của cán bộ, giáo viên cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tuy có nhiều cố gắng nhưng câu chuyện luân chuyển vẫn khiến nhiều người băn khoăn về tính chủ động, phù hợp và công bằng.
Cứ bắt đầu bước vào năm học mới thì câu chuyện luân chuyển giáo viên lại được nhiều người quan tâm. Hơn 15 năm trước, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 2512/2004/QĐ-UBND, ngày 17/8/2004, về việc ban hành Đề án luân chuyển giáo viên vùng đặc biệt khó nhằm tạo sự công bằng và phát huy cao nhất sự cống hiến của cán bộ, giáo viên cho ngành GD&ĐT. Đề án này áp dụng cho việc điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế nhà nước của ngành GD&ĐT Quảng Trị công tác lâu năm ở các xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn đến công tác ở vùng thuận lợi và luân chuyển cán bộ, giáo viên từ vùng thuận lợi đến làm nghĩa vụ ở vùng khó.
Mục tiêu của đề án là luân chuyển cán bộ, giáo viên để điều hòa số lượng, chất lượng đội ngũ trong phạm vi toàn tỉnh nhằm thực hiện sự công bằng xã hội và đề cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong công tác. Có thể nói đây là chính sách khá phù hợp với đặc thù ngành GD&ĐT, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhiều người.
Đến ngày 19/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 2962/QĐ-UBND về việc “Ban hành quy chế điều động giáo viên, nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ nơi thừa sang nơi thiếu trên địa bàn tỉnh”, trong đó thời hạn điều động đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn là 2 năm với nữ, 3 năm với nam (thay vì trước đó 3 năm với nữ, 5 năm với nam).
Tiếp tục, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh có Quyết định 3735/QĐ-UBND về việc “Ban hành quy chế điều động giáo viên, nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ nơi thừa sang nơi thiếu trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, thời hạn điều động đến công tác tại các địa phương khác trong tỉnh là 1 năm. Việc luân chuyển này được áp dụng cho các giáo viên được tuyển dụng trước năm 2008.
Thực hiện chính sách này, năm học 2020-2021 đối với khối trực thuộc Sở GD&ĐT có 11 trường hợp công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đăng ký luân chuyển, trong đó huyện Hướng Hóa 2 trường hợp, huyện Đakrông 9 trường hợp. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 7 trường hợp được luân chuyển, 4 trường hợp không luân chuyển được vì nơi các giáo viên xin về không có biên chế. Năm học 2021- 2022, có 8 trường hợp từ vùng đặc biệt khó khăn đủ các tiêu chuẩn xin luân chuyển, cuối cùng không có trường hợp nào thực hiện được vì vùng thuận lợi không có biên chế.
Năm 2022-2023, có 7 trường hợp xin luân chuyển từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi đang được Sở GD&ĐT trình Sở Nội vụ thẩm định, kết quả cuối cùng có được luân chuyển không thì vẫn phải đợi. Việc tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện chính sách luân chuyển vừa đáp ứng được nguyện vọng của những người đã công tác ở miền núi lâu năm, vừa tạo điều kiện để giáo viên hợp lý hóa gia đình, an tâm công tác lâu dài và nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, chính sách trên chỉ mới đề cập đến luân chuyển cán bộ, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn. Còn việc luân chuyển cán bộ, giáo viên công tác ở thành phố, thị xã và các thị trấn vẫn là câu chuyện khiến nhiều người quan tâm. Có thể, các cơ sở giáo dục ở đô thị luôn đủ biên chế giáo viên nên không thể nhận thêm người. Song cần phải công bằng hơn với các giáo viên công tác trước năm 2008 ở vùng đặc biệt khó khăn.
Do vậy, ngành GD&ĐT và chính quyền địa phương cần có chính sách vận động giáo viên có thời gian công tác quá lâu tại một trường ở thành phố, các đô thị trong tỉnh luân chuyển để chia sẻ khó khăn với giáo viên vùng đặc biệt khó. Khi đó mới có “chỗ trống” để tiếp nhận được các giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn về công tác. Đặc thù của ngành GD&ĐT có lực lượng lao động hơn 13.000 người với mấy trăm đơn vị trường học nên cần phải có những đột phá về luân chuyển, điều động phù hợp hơn nữa để các giáo viên luôn cảm thấy được chia sẻ.
Cô giáo K. A. là giáo viên dạy môn tiếng Anh gần 10 năm ở một trường THPT thuộc huyện Cam Lộ. Cách đây 3 năm, cô nhận quyết định điều động lên dạy học ở huyện miền núi Đakrông 2 năm. Xong thời gian điều động nhưng trường cũ vẫn thừa biên chế nên cô viết đơn xin ở lại thêm 3 năm. Bây giờ đang là năm thứ 4 cô thực hiện công việc dạy học ở huyện miền núi này. Cô hy vọng xong 5 năm sẽ được trở về trường cũ hoặc về thành phố Đông Hà, nơi gia đình đang sinh sống. Trên thực tế, những trường hợp như cô A. không phải là ít.
Mặc dù ngành GD&ĐT cũng như chính quyền các địa phương có nhiều cố gắng với công tác luân chuyển, điều hòa giáo viên trong biên chế, cố gắng phù hợp hơn với từng địa bàn, từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các huyện, thị, thành phố có rất nhiều giáo viên công tác hơn 20 năm tại một trường hoặc có luân chuyển thì cũng đi đến các trường “top đầu” với nhau.
Việc làm này tạo ra nhiều dư luận trong xã hội. Họ đều là giáo viên công lập như nhau nên ai cũng mong muốn được công tác ở các trường có điều kiện tốt nhất. Các địa phương tuy cố gắng phát triển kinh tế-xã hội nhưng chưa đồng đều, vùng đô thị năng động hơn nông thôn nên các trường nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác dạy và học, kéo theo giáo viên công tác tại nông thôn và vùng đặc biệt khó khăn thường gặp nhiều trở ngại hơn.
Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học và tạo sự công bằng, đồng thuận trong xã hội, ngành GD&ĐT cũng như chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc luân chuyển giáo viên của các trường một cách phù hợp nhất về lý và tình, tránh tình trạng có giáo viên suốt đời chỉ dạy “trường điểm”.
Chủ động, sáng tạo trong luân chuyển giáo viên biên chế cũng là động lực để giáo viên tự đào tạo nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, phù hợp yêu cầu đòi hỏi của môi trường công tác mới. Có thực hiện điều này một cách khách quan thì mới tạo động lực, giúp giáo viên an tâm công tác để cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành GD&ĐT cũng như xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)