“Chữa lành” bằng tình yêu thương

Quang Hiệp |

Từ Hàn Quốc, một nhóm tình nguyện viên gồm 9 bạn trẻ đã đến Quảng Trị để cắt tóc, làm đẹp cho các phụ huynh, trẻ em khuyết tật. Tuy giản dị nhưng hành động ấm áp của họ đã góp phần sưởi ấm trái tim, giúp xoa dịu nỗi đau của những người không may mắn.


Trải nghiệm đáng quý trong đời

Bà Thái Thị Gái, trú tại thôn Trung Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, lặng nhìn mình trong gương và rơm rớm nước mắt. Ở tuổi 59, chuyện đẹp xấu đối với bà không còn quan trọng. Thế nhưng lần này cảm xúc của bà rất lạ. Bởi, sau rất nhiều năm, bà mới lại được làm tóc, trang điểm một cách cẩn thận, chu đáo. Đặc biệt hơn, những người làm đẹp cho bà đều đến từ Hàn Quốc, một đất nước xa xôi mà người phụ nữ luống tuổi như bà chỉ biết qua ti vi. “Thời còn trẻ, tôi cũng làm tóc, tô son, điểm phấn... Thế nhưng, gần 15 năm qua, tôi xao nhãng dần với việc chăm sóc bản thân, làm đẹp cho mình”, bà Gái kể.

Việc làm ý nghĩa của các tình nguyện viên Hàn Quốc đã mang lại nụ cười trên gương mặt các em thơ - Ảnh: NVCC
Việc làm ý nghĩa của các tình nguyện viên Hàn Quốc đã mang lại nụ cười trên gương mặt các em thơ - Ảnh: NVCC

Dấu mốc 15 năm gắn với thời điểm con trai út của bà Gái chào đời. Sau khi sinh ra, bà Gái phát hiện những dấu hiệu lạ của con. Thế nhưng, tin cháu mắc bệnh đao vẫn làm trái tim người mẹ này vụn vỡ. Không thể chấp nhận sự thật, bà Gái cùng chồng đã ôm con gõ cửa cầu cứu khắp nơi. Thế nhưng đến đâu ông bà cũng nhận được cái lắc đầu. Đến lúc gia đình khánh kiệt, hai người nông dân mới đành đưa con về nhà. “Tôi vốn vất vả từ nhỏ nên cực mấy cũng chịu được. Vì vậy, chuyện chăm người con không may mắn này không phải là việc quá sức. Thế nhưng, vết thương trong lòng tôi cứ đau mãi. Tôi thương cho sự thiệt thòi và lo lắng về tương lai của con”, bà Gái bộc bạch.

Cũng như bà Gái, 28 bà mẹ và 14 em nhỏ khuyết tật ở huyện Hải Lăng đến với chương trình giao lưu chữa lành do Tổ chức Medipeace phối hợp với Hội Y tế thôn bản tổ chức đều có những nỗi đau riêng. Đứng trước nỗi đau, mỗi người đều chọn cho mình một cách đối mặt khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn họ gặp nhau ở điểm chung là tạm gác lại, thậm chí bỏ bê chuyện chăm sóc sức khỏe và vẻ bề ngoài của mình. Thế nên, khi được các tình nguyện viên Hàn Quốc làm tóc, trang điểm và lựa chọn cho những bộ áo quần mới, lòng ai cũng trào dâng cảm xúc. Họ nghĩ, mình không thể để nỗi buồn “gặm nhấm” tinh thần và thể xác thêm nữa.

Trực tiếp tham gia hoạt động, chị Phan Thị Liên, Chủ tịch Hội Y tế thôn bản tỉnh không khỏi rưng rưng trước cảm xúc chân thực của những người trong cuộc. 18 năm gắn bó với hội, chị Liên hiểu khá rõ tâm tư, tình cảm của phụ huynh, trẻ em khuyết tật. Chị biết, đôi khi chỉ một hành động quan tâm dù là rất nhỏ cũng đủ sưởi ấm trái tim họ.

Vì thế, khi Tổ chức Medipeace chia sẻ về ý tưởng, kế hoạch tổ chức chương trình, dẫu công việc bận rộn nhưng chị Liên cùng các cán bộ hội khác vẫn thu xếp thời gian tham gia và nỗ lực vận động phụ huynh, trẻ khuyết tật đến dự.

Các tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm với phụ huynh, trẻ khuyết tật tham gia chương trình giao lưu - Ảnh: NVCC
Các tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm với phụ huynh, trẻ khuyết tật tham gia chương trình giao lưu - Ảnh: NVCC

“Công sức của chúng tôi bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Chúng tôi hạnh phúc khi thấy niềm vui trên môi 65 phụ huynh và nhiều trẻ khuyết tật ở 3 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh. Ai cũng bảo, đây là trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời họ”, chị Liên nói.

Bắc một nhịp cầu

Chuyện trò về chương trình giao lưu đầy ý nghĩa vừa được tổ chức vào đầu tháng 4/2024, chị Lê Thị Ngọc Ánh, Quản lý dự án tại Tổ chức Medipeace Việt Nam đã chia sẻ những lời rất tâm huyết. Chị Ánh cho biết, từ năm 2009, Medipeace đã triển khai một số hoạt động tình nguyện tại Quảng Trị. Những hoạt động nhỏ lẻ nhưng không kém phần ý nghĩa buổi đầu đã đặt nền móng cho các dự án lớn của tổ chức về sau.

Tiếp nối những thành công, năm 2022, Medipeace cho ra đời Dự án “Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà mẹ có trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Trị”. Trong khuôn khổ dự án, những hoạt động “chữa lành” cho phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ có con bị khuyết tật được xem là phần không thể thiếu.

Miệt mài với các hoạt động của Dự án “Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà mẹ có trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Trị” đã hơn 2 năm, chị Ngọc Ánh hiểu vết thương lòng của phụ huynh thường rất khó lành. Cuộc sống khó khăn càng khiến những vết thương đó kéo dài dai dẳng.

Vì thế, ngoài những hoạt động lớn, được lên kế hoạch, lịch trình bài bản, cán bộ dự án còn chú trọng tổ chức các chương trình giao lưu “chữa lành”. Để thực hiện những hoạt động này, cán bộ, nhân viên tổ chức đã tình nguyện bắc một nhịp cầu để đưa tình nguyện viên Hàn Quốc đến với phụ huynh và trẻ khuyết tật khó khăn ở Quảng Trị.

Theo chị Ngọc Ánh, khi nghe về ý tưởng của chương trình và nhận được đề nghị đến từ Medipeace, một số chủ tiệm cắt tóc, làm đẹp ở Hàn Quốc và các tình nguyện viên đã nhiệt tình đăng ký tham gia. Vượt mọi rào cản về khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, văn hóa..., 9 tình nguyện viên đã dành trọn 2 ngày để gặp gỡ, giao lưu và chăm sóc, làm đẹp cho những khách hàng đặc biệt bằng cả trái tim.

Các tình nguyện viên Hàn Quốc làm tóc cho phụ huynh trẻ khuyết tật - Ảnh: NVCC
Các tình nguyện viên Hàn Quốc làm tóc cho phụ huynh trẻ khuyết tật - Ảnh: NVCC

Ai cũng hạnh phúc khi thấy phụ huynh, trẻ em khuyết tật tham gia chương trình đều có sự đổi thay về ngoại hình. Từ xa lạ, mọi người dường như gắn kết hơn. Cùng với nhau, họ ghi lại những hình ảnh đáng nhớ với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Không chỉ giúp các phụ huynh, trẻ khuyết tật chăm sóc ngoại hình, các tình nguyện viên tham dự chương trình giao lưu còn dành khá nhiều thời gian để hướng dẫn những bà mẹ cách cắt tóc, làm đẹp cho trẻ.

Thông qua thông dịch viên, họ gửi gắm thông điệp: “Tất cả mọi người đều xứng đáng được làm đẹp. Chúng ta sẽ đẹp hơn khi biết cách chăm sóc cho mình cũng như người thân. Vì vậy, đừng để nỗi đau mãi nhấn chìm mình”.

Cùng với những lời nhắn gửi ấy, cuối buổi giao lưu ở huyện Hải Lăng, các tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc đã tặng lại cho các phụ huynh những dụng cụ cắt tóc mà mình mang theo. Họ hẹn gặp lại nhau bằng những cái ôm, bắt tay xiết chặt. Giây phút ấy dường như cả người cho, lẫn người nhận đều cảm thấy ấm áp trong lòng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)


Người trẻ có cần được “chữa lành”?

Nam Phương |

Chưa bao giờ, cụm từ “chữa lành” (healing) lại trở nên phổ biến đến thế. Từ ti vi, mạng xã hội cho đến trong đời sống, đâu đâu người ta cũng nói về những câu chuyện gắn với chủ đề “hót” này như: tình yêu “chữa lành”; chuyến đi “chữa lành”... thậm chí là em bé “chữa lành”. Vậy “chữa lành” là gì và vì sao nhiều người, đặc biệt là thế hệ GenZ lại nhắc nhiều đến khái niệm này như vậy?

Hơn 19 tỉ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Tú Linh |

Ngày 17/4, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Quảng Trị phối hợp Tổ chức Children of Vietnam (Hoa Kỳ) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện các chương trình/dự án hỗ trợ tại tỉnh giai đoạn 2024 - 2028.

Sức trẻ trong cải cách hành chính

Tây Long |

Thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ vai trò của mình, tuổi trẻ Quảng Trị đã xung kích vào cuộc với nhiều việc làm cụ thể.

Người mắc bệnh tim mạch tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa

Thủy Ngọc |

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số ca tử vong vì ung thư hằng năm (khoảng 115.000 người). Đáng bàn là hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa nhưng rất nhiều người vẫn chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh lý này.