Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tham gia hỗ trợ, đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Trong ngày 4/6, Việt Nam ghi nhận thêm 224 ca mắc mới gồm 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh (Tây Ninh 4 ca, Kiên Giang 1 ca).
Trong nước tiếp tục ghi nhận thêm 219 ca mắc mới, trong đó tại Bắc Giang 141 ca, Bắc Ninh 47 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 26 ca, Hà Nội 4 ca, Thái Bình 1 ca.
Trong số các ca ghi nhận trong nước có 212 ca mắc mới phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.
Tính đến 18 giờ ngày 4/6, Việt Nam có tổng cộng 6.744 ca ghi nhận trong nước và 1.543 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.174 ca.
Có 13 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay là 1.543.672 mẫu cho 3.118.542 lượt người.
Trong ngày 4/6, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông tin về ca tử vong thứ 51 ở nước ta do liên quan đến dịch COVID-19. Đó là bệnh nhân 3153 (nam, 63 tuổi), có địa chỉ huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Bệnh nhân tử vong sáng sớm ngày 4/6 sau hơn 1 tháng được chăm sóc và điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không đáp ứng điều trị, tiến triển nặng dần.
Nguyên nhân là do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, gù vẹo cột sống.
Theo số liệu báo cáo của Tiểu ban điều trị COVID-19, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 4/6, cả nước có 8.266 bệnh nhân mắc bệnh, trong số đó 3.344 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện, chiếm 40,5%. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 tử vong đến nay là 51 trường hợp, chiếm 0,62%. Hiện còn lại 4871 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, chiếm 58,93%.
Từ ngày 27/4 đến nay có 5.298 ca mắc, trong đó có 4.756 ca đang điều trị (88,11%); khỏi bệnh và ra viện 626 ca (11,6%), 16 ca tử vong (0,3%).
Hiện có 129 bệnh nhân tiên lượng nặng; 125 bệnh nhân nặng thở oxy gọng kính; 26 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập, 26 bệnh nhân nguy kịch thở máy xâm nhập và 7 bệnh nhân nguy kịch phải chạy ECMO.
Tiêm vaccine vẫn phải thực hiện nghiêm 5K
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang diễn ra chiều tối 4/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 lưu ý tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung dập ổ dịch ở huyện Thuận Thành nhanh nhất. Bên cạnh đó, đối với công tác cách ly, các địa điểm đã khoanh vùng, cách ly y tế phải được kiểm soát nghiêm ngặt, giãn cách triệt để, không để “ngoài chặt, trong lỏng,” gây lây nhiễm chéo; xử lý dứt điểm những nơi có nguy cơ cao.
Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã cho hoạt động trở lại theo hình thức công nhân ăn, ở tại nhà máy, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ trong vòng 2 tuần để sàng lọc các ca nghi ngờ.
Những ngày qua, tỉnh Bắc Giang đã sử dụng hệ thống tổng đài gọi điện tự động, thăm hỏi sức khỏe của người dân, hỗ trợ y tế và xét nghiệm cho 536 trường hợp, Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh đưa hệ thống này vào sử dụng nhằm hỗ trợ tầm soát những trường hợp nguy cơ.
Trên tinh thần “an toàn mới cho quay trở lại sản xuất,” Phó Thủ tướng lưu ý 2 địa phương, các doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn trong sản xuất; cố gắng không kéo dài quá 2 tuần việc công nhân tạm thời ăn, ở tại nhà máy; phải có phương án sắp xếp chỗ ở của công nhân gắn với bố trí ca kíp bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý những người đã tiêm vaccine vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K do sau khi tiêm khoảng 2 tuần, cơ thể mới có kháng thể.
Về xét nghiệm tầm soát cộng đồng, Phó Thủ tướng cho biết cần kết hợp lấy mẫu ngẫu nhiên ở các khu có nguy cơ thông qua khai báo y tế, tổng đài gọi điện thoại tự động chăm sóc sức khỏe nhân dân… để lựa chọn khu vực lấy mẫu tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường nguồn lực phòng, chống dịch
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 846/QĐ-TTg bổ sung 48,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Y tế để mua 5 xe xét nghiệm lưu động phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tham gia hỗ trợ, đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Sự kiện ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 dự kiến diễn ra ngày 5/6, tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội, đại diện người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tham dự sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt này.
Ngày 4/6, tại cuộc gặp gỡ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đóng góp ý kiến và ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Chính phủ muốn huy động toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, vaccine là một trong những biện pháp căn cơ để chống dịch, do đó Chính phủ hoan nghênh mọi cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia để Việt Nam có vaccine sớm nhất, tiêm an toàn cho nhiều người dân nhất, sớm có miễn dịch trong cộng đồng để quay lại cuộc sống bình thường...
Ngày 4/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Johnson & Johnson trao đổi về vấn đề nhập khẩu, cung ứng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, cũng như chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine của hãng tại Việt Nam.
Phía Johnson & Johnson cam kết sau cuộc làm việc với Bộ Y tế, sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng vaccine của Johnson & Johnson qua cơ chế COVAX, để Việt Nam có vaccine của Johnson & Johnson sớm nhất.
Đồng thời phía Johnson & Jonhson cũng cho biết đã có kế hoạch để nộp hồ sơ đăng ký vaccine Jonhson & Jonhson tại Việt Nam. Hãng sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Bộ Y tế cũng vừa ban hành Quyết định số 2763/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với vaccine COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS- CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate).
Theo quyết định này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải phối hợp với Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế về xây dựng kế hoạch kiểm định; cung cấp mẫu thử, nguyên vật liệu, hóa chất thử nghiệm và các vấn đề liên quan khác cho việc kiểm định các lô vaccine COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated trước khi đưa ra sử dụng.
Viện hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated cho các cơ sở tiêm chủng; phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai quản trị rủi ro đối với vaccine COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated trong suốt quá trình lưu hành tại Việt Nam.
Dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm dần
Mặc dù số ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn được ghi nhận mỗi ngày nhưng dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng chững lại và giảm dần.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Thành phố vào ngày 4/6.
Đánh giá về đà tăng chung của dịch bệnh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng số ca mắc đang có dấu hiệu giảm xuống. Nếu như trước ngày 1/6 ghi nhận hơn 50 ca/ngày thì nay đã giảm xuống còn 26 ca/ngày. Đặc biệt tại 2 địa phương áp dụng Chỉ thị 16 là phường Thạnh Lộc (Quận 12) và Quận Gò Vấp, số ca mắc cũng đang chững lại, đời sống người dân trong bối cảnh giãn cách cũng đã đi vào ổn định. Đây là tín hiệu đáng mừng, chúng ta đã truy vết khoanh vùng kịp thời phát hiện các trường hợp tiếp xúc.
Trong thời gian tới, có thể có những ca F1 đã được cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng những trường hợp này không còn nguy cơ lây lan ra cộng đồng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên có vấn đề đáng lưu ý là: trung bình mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm khoảng 30 ca F0, trung bình mỗi F0 có khoảng 20 trường hợp F1. Vì thế mỗi ngày Thành phố sẽ có khoảng 600 người thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung. Do đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Trí Dũng kiến nghị ngoài việc mở rộng các khu cách ly tập trung lớn, Thành phố cần nâng công suất khu cách ly tập trung ở mỗi quận, huyện lên ít nhất 200 giường bệnh và có thể tăng thêm nữa.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cũng cho biết việc cách ly F1 đang là thách thức lớn của địa phương này. Hiện thành phố Thủ Đức đã có 817 trường hợp cách ly tập trung, trong khi công suất dự kiến tối đa 1.200 chỗ.
(Nguồn: TTXVN)