Doanh nghiệp, tổ chức tư nhân có thể tham gia mua vaccine phòng COVID-19

PV |

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Để có nguồn vaccine nhanh nhất cho Việt Nam, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng Covid-19.

Như PNVN đã phản ánh, ngày 3/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2021. Tại phiên họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định, tổng thể chúng ta đã kiểm soát được tình hình, mặc dù cục bộ có một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch. Tiếp tục nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc", lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thực hiện nghiêm túc phương châm "5K + vaccine" và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine (bao gồm mua vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, tổ chức tiêm). Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là đột phá; phòng ngự là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 3 KHÔNG, đó là: "Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm".

Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều

Tại buổi họp báo, trả lời về cơ chế cho doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân tham gia mua vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Để có nguồn vaccine nhanh nhất cho Việt Nam, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Có 2 cách để các doanh nghiệp tham gia mua vaccine: Huy động tiền đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 hoặc doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn tin cậy.

Về việc kiểm soát chất lượng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, do vaccine được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù. Cụ thể: Chất lượng vaccine được nhà sản xuất đảm bảo nhưng phản ứng và hiệu quả còn cần được tiếp tục theo dõi.

Mặt khác, có những loại vaccine được bảo quản trong điều kiện rất ngặt nghèo, ví dụ có loại vaccine bảo quản nhiệt độ âm 75 độ C. Đặc biệt, do được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vaccine khi về Việt Nam có một số nội dung chưa kiểm định được. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng vaccine không thực hiện theo những tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận những vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận hoặc do một số nước châu Âu, Mỹ, Nga chứng nhận. "Chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian, để có thể kiểm soát được quá trình bảo quản vaccine khi vận chuyển về", ông Trương Quốc Cường nói.

Hàng trăm nghìn công nhân trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh TTXVN
Hàng trăm nghìn công nhân trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh TTXVN

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vaccine này. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, khi nhập khẩu, Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất vì họ yêu cầu chúng ta phải ký thỏa thuận trong miễn trách nhiệm khi sử dụng vaccine trong trường hợp có sự cố xảy ra. Thêm vào đó, các công ty đều thỏa thuận với chúng ta phải chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ. Tiến độ cung ứng vaccine hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất bởi cung chưa đủ cầu.

"Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. Hiện nay, chúng ta đã mua được 170 triệu liều vaccine nhưng phải chấp nhận khả năng không được giao hàng đúng tiến độ", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm.

Số dư của Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 hiện có gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào Quỹ.

Sắp tới, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine. Đồng thời làm việc với UBTƯ MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan để ủng hộ Quỹ vaccine bằng nhiều hình thức, góp phần đảm bảo đủ nguồn kinh phí mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)

TAGS

Thử nghiệm miếng dán vaccine ngừa COVID-19 cho kết quả ấn tượng

Hoàng Linh |

Tiến sỹ Muller khẳng định miếng dán ngừa COVID-19 khi đặt lên da sẽ giúp tạo ra phản ứng miễn dịch ngay lập tức và mạnh hơn nhiều so với phương pháp tiêm thông thường.

Hướng tới mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng dịch năm nay

P.V |

Theo Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều), tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải có vaccine “càng sớm càng tốt.”

100% tình nguyện viên thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam đều sinh kháng thể

Thanh Mai |

Nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu sẵn sàng các khâu chuẩn bị nguyên liệu, các quy trình để có thể đưa vào sản xuất khi được Bộ Y tế phê duyệt.

Vaccine của Thái Lan sẵn sàng cho thử nghiệm trên người

Ngọc Hà |

Vaccine ChulaCov19, do Tiến sỹ Kiat Ruxrungtham thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển, sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên trong tháng này.