Trong trường hợp vợ hoặc chồng một mình đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì quyền sở hữu của người còn lại không bị ảnh hưởng.
Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, nhà đất do vợ chồng tạo lập nên trong thời kỳ hôn nhân, do công sức đóng góp của cả hai vợ chồng nên được xác định là tài sản chung. Một mình vợ hoặc chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu của người còn lại.
Nếu xảy ra tranh chấp, bên nào muốn được pháp luật công nhận tài sản riêng của mình thì bắt buộc phải chứng minh. Nếu không, tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ, chồng.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31.12.2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
(Nguồn: LĐO)