Đó là bà Lê Thị Dưỡng (SN 1966, trú tại thôn Long Giang, xã Tân Long, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Với đôi quang gánh cùng dáng người dẻo dai, bà mưu sinh trên chính quê hương này bằng nghề đi bán bánh dạo.
Một gánh nuôi cả gia đình
Từ lâu, người dân ở xã Tân Thành, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã quen thuộc hình ảnh người phụ nữ với đôi quang gánh đi khắp mọi nẻo đường bán bánh bèo. Đi tới đâu, tiếng rao “Bèo gói không?” vang tới đó. Hình ảnh này in đậm trong tâm trí người dân thị trấn biên ải Lao Bảo. Đến nỗi, có những người tinh tế, chỉ cần nghe tiếng rao từ xa của người phụ nữ này đi qua là biết mấy giờ, trưa hay sớm.
Hôm nào cũng thế, bà Dưỡng xuất phát từ nhà lúc 8h sáng. Xe máy của người thân chở lên địa điểm giáp ranh giữa xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo rồi bắt đầu đi bộ. Đó là thời điểm khởi đầu một hành trình đi bộ với đôi quang gánh kẽo kẹt cho đến cuối ngày. “Ai bánh bèo gói không?”. Tiếng rao trầm ấm như muốn át đi tiếng trong gió, tiếng xe cộ trên đường. Rồi những ai đói lòng sẽ vẫy bà lại. Ngồi vào vỉa hè, lề đường và phục vụ các thượng đế bằng những dĩa bánh bèo hay bánh gói thơm ngon. Bánh bèo, bánh nậm cho đến bành gói đều nằm trên đôi quang gánh vốn chật chội trên vai bà.
Một chiều bên vỉa hè, tay vừa bỏ bánh cho khách thoăn thoắt, bà Dưỡng kể cho chúng tôi nghe về cái nghề bán rong của mình. Bà cho biết làm nghề này từ lúc mới lấy chồng. Quê chồng ở làng Phù Lưu, Triệu Long (Triệu Phong) vốn có nghề làm bánh bèo nổi tiếng. Lấy chồng được mẹ chồng dạy cách làm bánh để mưu sinh qua ngày. Khi lên kinh tế mới ở xã Tân Long, bà mang theo cái nghề truyền thống và theo đuổi từ đó đến giờ. Đến nay đã có 33 năm, trải qua bao nắng mưa, cực nhọc nhưng vẫn trung thành với nghề. Theo bà Dưỡng, nhờ bán bánh bèo mà nuôi được 4 người con học hành tử tế. Từ học nghề mưu sinh cho đến học chữ đi dạy, đến lúc êm bề gia thất. Tất cả đều nhờ đôi quang gánh nhỏ nhoi ấy.
Hoàn cảnh này, bất giác tôi nhớ đến người vợ của Tú Xương vào thời thực dân nửa Phong Kiến: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”. Dù ở đâu, thời đại nào, trên đất nước này vẫn có những người phụ nữ đảm đang, hi sinh vì chồng con và quên đi phận cơ cực của mình. Điều đó thật đáng trân trọng.
Hàng ngày đi giữa nắng mưa và bao nguy hiểm rập rình vì xe cộ. Nặng nhọc thế nhưng lợi nhuận không đáng là bao. Với thu nhập chừng 200 ngàn đồng/ngày, bà Dưỡng cho mình là người may mắn khi mưu sinh bằng nghề truyền thống của gia đình và có đủ sức khoẻ để làm điều đó.
Đi bộ 3 vòng trái đất
Bà Dưỡng cho biết: “22 tuổi quẩy gánh ra đi. Đến nay là 33 năm trong nghề. Chưa một ngày nghĩ mình phải bỏ nghề vì đôi chân mỏi. Luôn chung thuỷ với đôi quang gánh như một số phận mà ông trời đã gán”. Theo bà Dưỡng, mỗi ngày trừ việc đi xe máy từ nhà lên chỗ bán đầu tiên khoảng 6 cây. Còn lại là đi bộ khắp các ngõ xóm lớn nhỏ với quãng đường hơn 10 cây số. Tôi đem con số này nhân với 30 ngày rồi nhân với 12 tháng. Cuối cùng nhân với 33 năm. Con số cuối cùng là gần 120 ngàn kilomet. Một con số khủng khiếp, quá sức tưởng tượng của con người bình thường. Nếu đem con số này so với chu vi trái đất đoạn lớn nhất – đường xích đạo thì người phụ nữ này đã đi… 3 vòng trái đất.
Ngày nắng như ngày mưa, bà Dưỡng vẫn từng ấy vật dụng, từng ấy cây số vẫn đi về khoan thai giữa cuộc đời. “Mỗi năm tôi thay khoảng 5 đôi triêng giống. Hàng hoá tuy không nặng nhưng mưa nắng cũng hao mòn, xuống cấp”, bà Dưỡng cho hay. Thế đó, đòn gánh, triêng giống cũng không chịu nổi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhìn chiếc đòn gánh phía áp vai đã nhẵn bóng mới hay sức người quá lớn. Chiếc vai, nơi đặt lên “sự kiêu hãnh” suốt hơn 30 năm ròng rã ấy khiến ai nghĩ đến cũng gợi lên sự thán phục, trân trọng.
“Trừ ngày đau ốm, mỗi năm tôi chỉ nghỉ được vài ngày. Ngày nào nghỉ là thấy trong người khó chịu. Ngày nào nghỉ là thấy đôi chân… mỏi”, bà tâm sự và cười hiền lành.
Tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn gánh xa dần, tiếng rao “bèo gói không” xa dần. Những bước chân khoan thai ấy còn in hình trên những con đường thân quen. Còn đi mãi cho đến khi đôi chân không còn biết mỏi…