Bếp Tết ngày còn có mẹ

Diệu Thông |

Sau rằm tháng Chạp, trời bao giờ cũng chuyển nắng ấm. Dưới màu nắng hanh vàng, không khí hơi khô và se lạnh, những người đàn ông trong gia đình sẽ tập trung lo việc chạp mồ, chạp mả, việc cúng kiếng ở nhà thờ họ, đình làng. Những người phụ nữ thì như con thoi, tấp cập đi chợ về chợ, thu vén cả thế giới vào căn bếp nhỏ luôn đỏ lửa lập lòe. Mùi bánh trái bắt đầu tỏa lên thơm tho và sực nức, đánh dấu sự quấn quýt của những ngày tháng đoàn viên.

Trong ký ức của tôi, Tết chưa bao giờ được tính từ thời khắc giao thừa, Tết đến trước đó cả tuần, chục ngày. Khi cha tôi bắt đầu rửa ráy cày bừa, hoàn tất việc gieo sạ. Khi bà tôi mỗi chiều đều thực hiện phương châm kiến tha lâu đầy tổ, cặm cụi ôm từng bó củi nhỏ chất đầy quanh hè bếp, chuẩn bị cho những đêm trường nấu và nướng bánh. Khi mẹ tôi bắt đầu rào rạt đổ mớ nếp cái hoa vàng để dành mùa trước ra thúng để giê bụi và sàng sảy, chờ đến giờ bung nổ, xay bột. Không khí sắm sanh, nấu nướng tượng hình cấp tập khiến lũ trẻ vốn ham chơi như chị em tôi không còn muốn chạy chơi xa, cứ chực chờ luẩn quẩn theo chân mẹ để được sai vặt.

Minh họa: L.N.D​
Minh họa: L.N.D​

Trong những công thức làm bánh Tết của người Quảng Trị, nhộn nhịp và hao sức nhất phải kể đến món bánh hộc. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này là nếp rang chín, bung thành hạt nổ, sau đó trộn với nước đường thắng đen, gừng tươi giã nhuyễn. Mặc dù thành phần đơn giản, nhưng để có được thành phẩm là những khuôn bánh chữ nhật chắc nịch là cả một quá trình. Còn nhớ, xóm tôi hồi đó khoảng chục gia đình nhưng chỉ được một khuôn bánh. Tết nhất nhiều việc nên cứ ba bốn nhà họp lại làm một đợt, xong xuôi lại nhường khuôn cho ba bốn hộ khác. Tuần tự thế mà tiếng lộc cộc lấn tới hẳn đêm ba mươi.

Xong món bánh hộc, những nhà trong xóm thường làm thêm món bánh in, bánh thuẫn, mẹ tôi lại có một món bánh độc quyền khác, không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ loại khuôn bánh nào, đó là món bánh gừng. Sở dĩ gọi là bánh gừng vì hình dáng của bánh được nắn thành hình như một củ gừng. Đây mới thực sự là một món bánh kỳ công, cần đến sự kiên nhẫn, khéo léo và chắt chiu của bàn tay phụ nữ. Đầu tiên mẹ chọn mớ nếp rặt hạt, chắc mẩy đem xay thành bột, sau đó trộn với hạt vừng theo tỉ lệ 2 phần vừng 1 phần bột nếp, giã nhuyễn một lần nữa để cho phần dầu vừng chảy ra quyện đều vào bột. Xong xuôi, mẹ xúc từng thìa hỗn hợp cho vào lá chuối đặt lên xửng hấp chín. Bột chín mẹ gỡ lá, nhồi nhuyễn như làm bánh bột lọc. Tiếp theo mẹ chia nhỏ thành từng viên bột bằng nhau, dùng chai thủy tinh dát mỏng rồi dùng mũi dao cắt thành từng hình chữ nhật, bắt đầu tỉa cánh, rồi nặn bột bánh thành hình củ gừng. Để nướng bánh, trước đó mẹ phải chuẩn bị hẳn một bếp than rực hồng. Bếp của mẹ cũng đơn giản thôi. 10 viên gạch chia thành hai hàng, đặt song song nhau, đặt lên trên một tấm lưới mắt cáo. Mẹ lần lượt đặt từng chiếc lên, chừng 5 phút lại lật trở một lần. Những ổ bánh gừng đạt yêu cầu khi cắn vào nghe giòn côm cốp, có vị bùi của bột nếp, béo ngậy của dầu vừng và tỏa ra mùi thơm ngọt ngạt ngào.

Càng cận Tết, gian bếp nhỏ càng cấp tập. Mẹ lộn vào lộn ra, hết làm bánh lại muối dưa. Trước đó, lựa những ngày được nắng, mẹ đã khéo hong giòn mớ củ kiệu, hành tím, mớ đu đủ, cà rốt khía hoa đẹp mắt. Sẵn hũ nước mắm ngon, mẹ chờ cho mớ rau củ héo giòn là cho gọn vào hũ, cất kỹ vào góc chạn, chờ ngày mang ra ăn kèm với bánh chưng, bánh tét.

Những ngày Tết khi còn có mẹ, dù nghèo khó nhưng vẫn đầy đủ theo một cách riêng. Từ những rau trái vườn nhà, từ những chắt chiu của mùa màng vụ trước, mẹ sẽ đắp đổi để sắm sanh, nấu nướng đủ thứ. Món dành cho lễ cúng gia tiên, tiễn ông công ông táo; món làm quà biếu bên nội bên ngoại, món dành cho con cho chồng, món đãi khách, mẹ sắp đặt đâu ra đấy. Mẹ bận rộn lo cho người khác suốt cả chục ngày, chỉ dành cho mình một chút thảnh thơi vào buổi chiều tắm lá cuối năm. Tôi cũng được mẹ chăm chút kỹ trong khoảnh khắc này. Bên cạnh nồi lá xông bốc hơi nghi ngút, tôi bắt đầu trùm lên mình chiếc chăn vải cũ, hít hà làn hơi nóng đậm mùi tinh dầu thơm tho ngan ngát, cảm nhận sự khoan khoái lần lượt lấn chiếm từng chân tơ kẽ tóc. Bên ngoài, tiếng mẹ đâu đó dội lại tha thiết, ngập tràn yêu thương...

Những mùa Tết cũ trôi qua, ngôi nhà xưa nay không còn mẹ. Biết tìm đâu một không gian sum họp, nơi từng có sức mạnh đoàn viên đủ để níu kéo bước chân trở về của những đứa trẻ mục đồng ham chơi. Biết làm sao để hoài nhớ nguyên vẹn hương thơm ngọt ấm dịu dàng tỏa ra từ những mẻ bánh trái trong gian bếp nhỏ ngày xưa, biết làm sao để lòng người đừng dần trở nên bình thường mỗi năm một lần khi chạm vào Tết?

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bến xe, ga tàu đìu hiu sau kỳ nghỉ Tết

Lâm Thanh |

Khác với mọi năm, năm nay hành khách đi lại trong những ngày sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu giảm mạnh. Bến xe, ga tàu đều vắng vẻ người qua lại. 

Quảng Trị: Phát động Tết trồng cây đầu Xuân Tân Sửu

Tiến Nhất |

Ngày 17/2, tại thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã diễn ra Tết trồng cây đầu Xuân Tân Sửu 2021 nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống, phòng chống thiên tai, thích ứng với biên đổi khí hậu,...

Tết của lính biên phòng

Nguyễn Minh Đức |

Đón tết Nguyên đán Tân Sửu xa gia đình và người thân nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã gác lại tình cảm riêng tư, luôn giữ chắc tay súng, đảm bảo bình yên nơi biên cương Tổ quốc để Nhân dân vui tết, đón xuân. Sự hy sinh thầm lặng và những việc làm cao cả của những người lính biên phòng thật đáng trân trọng, tô thắm thêm phẩm chất, hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tết Tân Sửu - 2021 diễn ra an toàn, lành mạnh

Lê Minh |

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, từ 10 - 16/2/2021 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mồng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu), tình hình vui Tết, đón xuân trong Nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Trị diễn ra an toàn, lành mạnh.