Bỗng thấy mình như trôi giữa quê hương

Yên Mã Sơn |

Thuở ấy nắng hanh vàng, xuân đang về trên lưng chừng đồi khi lốm đốm hoa mận nở. Chị quẩy gánh ra đi, gọi với vào nhà trong thật to như để mẹ nghe: “Đi bán hoa xuân, em có đi cùng chị không?”. Nghe chị nói, mẹ thế nào cũng cho mình đi theo, chạy lon ton trên con đường làng cỏ non mơn mởn để rao bán: “Hoa giấy đây, ai mua hoa giấy”…

Làng nghề làm hoa giấy nằm bên bờ sông Hãn, làng bên cạnh là làng hoa tươi. Mỗi độ xuân thì, có lẽ cái không khí tết hiện rõ nhất là ở hai làng này. Vì hoa là sản phẩm không thể thiếu của năm ba ngày tết.
 
 Hoa giấy. Ảnh: Thiên Sơn

Chẳng biết hoa giấy làng Dương có từ thời nào, riêng tôi biết thì cái nghề cắt gián này lại hiện hữu trong nhà tôi đã từ lâu. Từ đời ông cố, ông nội đã có. Cứ độ đầu tháng Chạp là ba tôi bắt tay vào làm, tre thì sẵn ở làng, giấy thì mua từ chợ tỉnh, cứ thế hì hục làm quên thời gian cho đến cuối tháng. Cả nhà ngổn ngang tre, giấy, bột dán từ đó cho đến lúc cúng mâm tất niên vào chiều ba mươi. Mẹ luôn bảo mỗi năm chỉ có một lần, cả năm làm ruộng tôi không nhúng tay, giờ việc cắt gián rất vừa sức nên phải tập trung mà làm. Vài chục năm sau, đến đời tôi thể nào cũng giữ được cái nghề làm hoa giấy thời vụ này.

Mỗi mùa xuân tôi luôn mơ mình được lên phố, trong trí tưởng tượng, ở đó mùa xuân sẽ rất đẹp, nhộn nhịp và ồn ào. Thế nên khi chị đi bán rong hoa giấy trên phố, tôi ao ước được đi theo để ngắm phố. “Mua đi bà con ơi, hoa giấy để mãi vẫn tươi”. Đó là câu chị tôi bảo phải hô vừa đủ to, truyền cảm để rao bán hàng. Hoặc là “Ai hoa giấy không?”. Nghe lui nghe lại chán òm. Lúc nào mỏi chân tôi dừng lại, nũng nịu không chịu đi. Chị quay lại dọa: “Mai ở nhà nhé”. Nghe ở nhà là tôi cố lê cái chân mỏi nhừ mà chạy bên chị. Chị cười: “Lát nữa chị mua cho cái kẹo mút, vừa đi vừa mút sẽ hết mỏi chân”. Nghe vậy tôi khoái lắm, rao thật to: “Ai hoa giấy khôông…”. Chị cú vào đầu tôi: “Mày giỏi nịnh, hèn gì mẹ lúc này cũng cu út, cu út. Đến nỗi hái được trái na thối, đã bảo thối rồi không ăn được mà mẹ vẫn cu út, cho cu út”. Tôi cười hì hì, ai bảo em giỏi nhất nhà, không việc gì không làm được. Chị tôi cười, vừa cười vừa rao: “Hoa giấy làng Dương không?”…

 
 Ảnh: Duy Hùng

Nắng nhẹ và có mưa bay, người người ngược xuôi mang những niềm vui về tổ ấm của mình. Còn chị em tôi lại rao bán chút hương sắc để góp chung cho cái bộ mặt tết đó được hoàn hảo. Đường về mỏi nhừ cả chân, chị đọc thơ của ai đó nghe hay lạ: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…”.

Sợ nhất là những ngày giáp tết, hoa giấy người ta đặt mua nhiều, mẹ lại “chôn” chân tôi ở nhà để phụ việc. Lúc đó tôi lại nhớ để hồn mình trên phố theo tiếng rao của chị cả.

Chiều 30 tết, những tờ giấy màu, những que tre gác lại. Cái nào còn dùng được để dành cho năm sau. Mâm cơm tất niên đầm ấm, vui vầy. Chị hai kể thành tích bán hoa giấy của tôi. Nào là thằng này có giọng rao hàng vừa trầm vừa ấm, ai nghe cũng muốn mua. Nhưng lại có cái tội là hay kêu ca mỏi chân, không muốn đi mà ăn kẹo mút thì hết mỏi, chạy như điên. Còn tôi mách ba mẹ chị đọc thơ hay lắm. Chị hay đọc câu: “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Nghe xong chị lườm tôi. Còn mẹ thì gõ vào đầu: “Cha mày, con nít biết gì. Lo mà ăn nhiều cho mau lớn”.

Ảnh: Phan Tân Lâm
Ảnh: Phan Tân Lâm

Tiếng cười nói kéo dài vào hoàng hôn cuối năm. Ngoài xa kia tiếng trâu bò róng theo bước chân người lùa về đón đêm trừ tịch.

Sáng mồng Một, vừa bước chân xuống nhà, chị hai kể đêm qua ngủ cứ nghe thằng út nói mớ: “Ai giấy không, ai giấy không…” Cả nhà cười vang. Ba bảo thằng này nối gót nghề này được.

Nhiều mùa xuân đi qua, những cái tết xa học xa nhà, xa tiếng rao hoa giấy. Chị đã lấy chồng, mẹ già không đủ sức gánh bán rong. Chiều qua phố nghe ai rao hoa giấy. Bỗng thấy mình như trôi giữa quê hương.

TAGS

Nặng lòng với quê hương Quảng Trị

Trúc Phương |

Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hoa (có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, Quảng Trị) vẫn luôn tất bật với công việc kinh doanh cùng các dự án, hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng của mình. Suốt nhiều năm sinh sống và làm việc trên mảnh đất Quảng Trị, bà chưa một ngày ngừng suy nghĩ cho sự phát triển của quê hương.

Đam mê lưu giữ hình ảnh quê hương

Ngọc Trang |

Với niềm đam mê nhiếp ảnh và yêu thiên nhiên, thế giới xung quanh, anh Nguyễn Bôn ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi và công sức để ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương. Việc làm của chàng trai trẻ này được nhiều người biết đến và cảm mến vì anh đã góp phần lưu giữ, quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Hướng Hóa rộng rãi ra bên ngoài.

Tận tâm vì quê hương

Đan Tâm |

Trong đề cương chi tiết về các nhân vật của tập ký mà tôi cố công chuẩn bị từ nhiều năm trước mang tựa đề: “Những người sống quanh tôi” dự tính xuất bản ít lâu nữa có phác thảo chân dung của những người anh, người bạn mà tôi gần gũi, tâm đắc. 

Lao Bảo: Khám phá, quảng bá hình ảnh quê hương bằng xe đạp gia đình

Dương Xuân |

Ngày 13/9/2020, tại khách sạn Sê Pôn, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), nhóm xe đạp Family Lao Bảo ra mắt hoạt động.