Thận yếu thể hiện qua 5 dấu hiệu thay đổi trong cơ thể nhưng không phải ai cũng nắm rõ.
Cơ thể chúng ta thường gửi tín hiệu khi có điều gì đó không ổn và khi nói đến thận, việc chú ý đến những dấu hiệu này rất quan trọng. Thận, cơ quan hình hạt đậu nằm ở phần lưng dưới, đóng vai trò quan trọng trong việc lọc chất thải và duy trì sự cân bằng chất lỏng lành mạnh trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng thường bị bỏ qua cho đến khi có vấn đề sức khỏe phát sinh. Thế nên các chuyên gia khuyến cáo, đừng đợi đến khi có điều gì đó thực sự tồi tệ xảy ra mới chạy đến bệnh viện.
5 dấu hiệu cảnh báo thận đang có vấn đề mà bạn không nên bỏ qua
1. Thay đổi thói quen đi tiểu
Một trong những dấu hiệu sớm nhất chứng tỏ thận có vấn đề là sự thay đổi rõ rệt trong thói quen đi tiểu. Nếu bạn thấy mình đi vệ sinh thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm, hoặc nước tiểu của bạn có màu sẫm hoặc nhạt hơn bình thường, bạn nên chú ý sức khỏe thận.
Những thay đổi về màu sắc và tần suất nước tiểu có thể biểu thị các vấn đề về chức năng thận, tuyệt đối không được bỏ qua.
2. Mệt mỏi kéo dài
Cảm thấy mệt mỏi là "một phần của cuộc sống", nhưng tình trạng mệt mỏi dai dẳng không thuyên giảm khi nghỉ ngơi có thể là một dấu hiệu đáng báo động ở thận.
Thận sản xuất ra một loại hormone gọi là erythropoietin, kích thích sản xuất hồng cầu. Nếu thận của bạn gặp khó khăn, nó có thể dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi. Nếu mức năng lượng vẫn ở mức thấp, mặc dù bạn có giấc ngủ ngon, sức khỏe thận của bạn cũng đang không thực sự ổn.
3. Có hiện tượng sưng, giữ nước
Thận điều chỉnh sự cân bằng chất điện giải và chất lỏng trong cơ thể. Khi thận yếu, chất lỏng dư thừa có thể tích tụ, dẫn đến sưng tấy ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc thậm chí là mặt. Sự sưng tấy này, được gọi là phù nề, là dấu hiệu phổ biến của các vấn đề về thận. Bỏ qua triệu chứng này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề, gây ra các biến chứng nặng hơn của bệnh thận.
4. Đau lưng không rõ nguyên nhân
Trong khi đau lưng là triệu chứng phổ biến, cảm giác khó chịu dai dẳng và không giải thích được ở vùng lưng dưới có thể là dấu hiệu của bệnh thận.
Thận nằm ở hai bên cột sống và đau ở khu vực này có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm, nhiễm trùng hoặc có sự hiện diện của sỏi thận. Đừng bỏ qua cơn đau lưng đang diễn ra - đó có thể là do sức khỏe thận của bạn đang cần được chú ý.
5. Huyết áp cao
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Nếu chúng không hoạt động tối ưu, nó có thể dẫn đến tăng huyết áp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo, cứ 3 người Mỹ trưởng thành thì có một người bị huyết áp cao, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc thêm bệnh thận ở nhóm người này.
Do đó, hãy theo dõi và quản lý huyết áp thường xuyên vì đây là điều cần thiết cho sức khỏe thận.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh thận có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.
4 thói quen giúp dưỡng thận, phòng tránh bệnh thận hiệu quả
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), để dưỡng thận cũng như phòng tránh bệnh thận, mọi người nên chú ý duy trì một số thói quen lành mạnh:
1. Ăn uống lành mạnh
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây tươi, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo. Ăn uống lành mạnh, cắt giảm muối và đường bổ sung... Khi đi mua hàng đừng quên đọc nhãn thực phẩm để lựa chọn...
Đây là kế hoạch lâu dài giúp dưỡng thận, thận khỏe mạnh cũng như đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, tránh bệnh tật đáng tiếc.
2. Hoạt động thể chất
Thường xuyên hoạt động thể chất, tăng cường vận động, đảm bảo tập luyện 30 phút mỗi ngày sẽ giúp thận khỏe mạnh.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp bạn duy trì lối sống lành mạnh, năng động. Nó không chỉ nuôi dưỡng thận mà tốt cho tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể bạn.
3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Cân nặng phù hợp với độ tuổi sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh hơn, giữ gìn sức khỏe nội tạng, trong đó có thận. Do đó, muốn thận khỏe mạnh, hãy chú ý duy trì cân nặng hợp lý.
4. Kiểm soát bệnh tiểu đường, tim mạch và huyết áp cao
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc bệnh tim, hãy bảo vệ thận khỏi tổn thương bằng cách giữ chỉ số đường huyết ở mức gần với mục tiêu của mình nhất có thể.
Ngoài ra cần chú ý giữ chỉ số đường huyết, cholesterol gần với mục tiêu của bạn. Dùng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo cơ thể luôn hoạt động tốt nhất.
(Nguồn: Phụ nữ mới)