Hệ thống camera phạt nguội được nhiều tỉnh, thành trong cả nước áp dụng từ lâu, bước đầu phát huy hiệu quả trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Tại Quảng Trị, hệ thống này được triển khai từ giữa tháng 12/2023, gồm 100 camera lắp đặt tại 74 điểm trọng yếu ở TP. Đông Hà và một số địa phương khác của tỉnh, trong đó có 58 camera zoom quay quét 360 độ, 31 camera tại các nút giao đèn tín hiệu, 3 camera giám sát tốc độ...
Ngay từ khi biết về thông tin này, nhiều người dân đã đồng tình ủng hộ. Chủ đề phạt nguội trở nên “nóng” trong những cuộc cà phê, tụ họp... Ai cũng chia sẻ thông tin để nhắc nhở nhau tuân thủ luật khi tham gia giao thông. Hệ thống camera phạt nguội chủ yếu tập trung vào các lỗi vi phạm tốc độ, đèn tín hiệu giao thông, đè vạch, lấn làn...
Những lỗi này trước đây vẫn gặp nhan nhãn giữa đường, thậm chí còn được xem là những “lỗi nhỏ” vì khá phổ biến. Nhưng khi hệ thống camera chính thức đi vào hoạt động thì khác, chỉ cần hành vi vi phạm lọt vào “mắt thần” thì chắc chắn sẽ có trong danh sách được cập nhật trên trang web của cơ quan công an, đăng kiểm...
Trên thực tế, từ ngày TP. Đông Hà triển khai phạt nguội qua hệ thống camera giám sát, một số lỗi như vượt đèn đỏ (nhất là cố vượt ở những giây sau cùng của đèn xanh), đè vạch, lấn làn... giảm đi trông thấy. Nhiều người tự ý thức được việc đi chậm lại, kiên nhẫn chờ đợi hoặc đi đúng phần đường quy định để đảm bảo an toàn giao thông. Sức mạnh của việc “phạt nguội” không thua kém gì “phạt nóng”, thậm chí còn lớn hơn vì hệ thống camera được coi là “mắt thần” có mặt trên nhiều tuyến đường chính của TP. Đông Hà và một số địa phương trong tỉnh.
Giống hầu hết các cơ chế giám sát khác, về mặt hình thức, hệ thống camera sinh ra để xử lý sai phạm nhưng về mặt bản chất nó cũng có chức năng ngăn chặn mong muốn sai phạm từ đầu. Thêm một điều quan trọng khác, đó là mỗi khi lọt vào “danh sách phạt nguội” được công khai trên hệ thống thì không thể tác động để xin xỏ, điều mà “phạt nóng” có thể làm được.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Đông Hà, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 4/3/2024, hệ thống camera đã phát hiện 1.005 trường hợp vi phạm, trong đó có 900 trường hợp vi phạm tốc độ; 105 trường hợp vi phạm đèn tín hiệu giao thông. Hiện đã có 28 trường hợp đến nộp phạt.
Từ ngày triển khai, việc tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh trở thành thói quen của không ít người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thói quen này là nhiều người dân vẫn chưa tự tin vào việc điều khiển xe ô tô tham gia giao thông.
Nguyên nhân dẫn đến sự chưa tự tin là do trong thời gian học lái xe, một số người không nắm vững lý thuyết, chỉ học tủ để thi cho qua; cũng có người thi xong một thời gian khá lâu mới mua được xe nên chút kiến thức ít ỏi học được rơi rớt dần. Vì thế khi tham gia giao thông, việc đọc và hiểu biển báo trên đường đối với nhiều người rất khó khăn. Điều này liên quan đến chất lượng đào tạo lái xe cũng như ý thức của người học.
Chương trình đào tạo lái xe hiện nay chưa theo kịp với sự phát triển mới về công nghệ ô tô, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh... chưa giúp học viên có cái nhìn thực tế, hiểu biết được tình huống giao thông cụ thể, chi tiết, từ đó nâng cao phản xạ và kỹ năng khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông.
Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tuy có cải tiến, nâng cao cả về chất lượng và số lượng các câu hỏi nhưng thực tế vẫn có nhiều lái xe ra đường tay lái còn non; không hiểu quy tắc giao thông, biển báo hiệu giao thông... dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Bên cạnh ý kiến đồng thuận và tuân thủ nghiêm quy định, nhiều người tham gia giao thông vẫn còn quan điểm chỉ chấp hành ở những tuyến đường có gắn camera, còn ở những tuyến đường khác thì “vi phạm chút cũng chẳng sao”.
Một số trường hợp vi phạm quy định dừng đỗ tại các ngã ba, ngã tư có đèn giao thông, kéo người khác vi phạm theo. Vì một số tuyến đường của TP. Đông Hà rất hẹp, nếu xe đậu dọc lề đường ở khu vực này thì xe sau khi di chuyển buộc phải đè lên vạch liền. Tình trạng này khá phổ biến khiến nhiều người rất bức xúc.
Người tham gia giao thông cần biết rằng, ngoài hệ thống camera giám sát, lực lượng cảnh sát giao thông còn tiếp nhận nguồn cung cấp video vi phạm từ người dân để xử lý phạt nguội. Những người cung cấp sẽ được bảo mật thông tin; thông tin vi phạm cũng sẽ được xác minh kỹ lưỡng, nếu đúng và đầy đủ các yếu tố sẽ xử lý và công khai kết quả “phạt nguội”.
Thời gian qua, từ một số video, hình ảnh do người dân cung cấp, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Trị đã xử lý một số trường hợp thanh thiếu niên chạy xe lạng lách, bốc đầu xe.
“Phạt nóng” hay “phạt nguội” chỉ là hình thức. Khi nào ý thức tham gia giao thông được hình thành một cách tự nguyện thì hình thức xử phạt nào cũng giống nhau. Đương nhiên, để hình thành được ý thức tham gia giao thông là cả một quá trình, trong đó cần chú trọng đến công tác giáo dục cho học sinh từ nhỏ. Bản thân người lớn cũng phải tự học, tự rèn để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng như trở thành tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)