Cơn lốc Lan đột biến Làm vỡ nhiều giấc mộng đổi đời siêu tốc

Trần Ngọc - Huy Phương |

Đua nhau dốc tiền đầu tư vào lan đột biến tiền tỷ mà không hiểu kĩ về lan, không quan tâm tới giá trị thật, chỉ hòng làm ăn chộp giật, nếu không tỉnh táo mà lao vào, nhiều người dễ bị sa bẫy, thua lỗ, vỡ nợ...

Lan đột biến làm dậy sóng thị trường cây cảnh khi thời gian vừa qua được công bố bán với nhiều mức giá “khủng” từ vài tỷ tới vài chục tỷ, thậm chí mấy trăm tỷ đồng. “Khoác” trên mình cái tên mĩ miều như Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Hồng Á Hậu,  Hồng Minh Châu, Hồng Yên Thủy, Mắt Trâu, Mày Ngài,… những mầm lan đột biến bé tí xíu mà có giá tiền tỷ vẫn được được rao bán sôi động.

 

Trên các trang mạng xã hội, dân buôn vẫn rầm rộ livestreams về các vụ giao dịch lan đột biến, tiền mệnh giá cao xếp cả dãy dài khiến người xem không khỏi "nhức mắt". Người ham tiền thì hùn vốn đầu tư, giới chơi lan lâu năm thì lắc đầu ngán ngẩm, còn người trồng lan thì thấp thỏm lo âu.

Gần đây, lan đột biến (hay còn gọi là lan var) khiến thị trường “lên đồng” với những vụ chuyển nhượng tiền tỷ, thậm chí là vài chục, vài trăm tỷ đồng. Điển hình là vụ mua bán "khủng" nhất từ trước tới nay ở Quảng Ninh: 250 tỷ đồng cây lan Ngọc Sơn Cước, 20,5 tỷ đồng cây lá non Pleiku và 18 tỷ đồng cây lá non Cờ Đỏ.

Anh Trường, một người chơi lan lâu năm ngán ngẩm nói: “Không hiểu bao người lao đầu vào lan đột biến họ nghĩ gì khi bỏ tiền tỷ chỉ để mua 1 đoạn cây vài cm. Cây không may chết là cả gia tài coi như chôn theo xác lan. Nếu cây sống được thì chỉ cần một khoảng thời gian vài tháng là cây mẹ đẻ ra cây con. Mà nếu đã ươm được ra kie để bán nhiều như thế thì còn gì là hiếm, là quý nữa”.

 

Chia sẻ về câu chuyện lan đột biến, ông Tạ Công Thực, Chủ tịch Hội Nhà vườn hoa lan Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội), mong muốn cây lan được nhà nước công nhận như một sản phẩm hàng hóa, có tính pháp lý, và các thông tin giao dịch minh bạch, đóng thuế theo quy định.

“Thông tin về thị trường lan càng minh bạch, sáng tỏ thì những người làm nghề như anh em chúng tôi ở Đông La và anh em ở các tỉnh bạn an tâm làm nghề để cống hiến nhiều sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn. Và cũng để anh em đỡ thấp thỏm, bị tâm trạng mỗi lúc có biến động. Mong muốn của chúng tôi là được làm minh bạch, sáng tỏ các giao dịch, người thật việc thật chứ không thổi giá hoặc lôi kéo. Chỉ có những người đam mê chơi thì họ tự nguyện thôi. Khi thông tin rõ ràng minh bạch thì người chơi đỡ bị hoang mang”, ông Thực bày tỏ.

 

Cơn sốt lan đột biến ở thời điểm hiện tại thực sự đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn vì rất nhiều người lao vào đầu tư, mua bán. Có những đối tượng đánh bóng, tạo cơn sốt trên thị trường bằng cách đưa vài trường hợp giàu nhờ đầu tư mua đi bán lại lan đột biến mà kiếm lời tiền tỷ trong nháy mắt để kích thích lòng tham, mong muốn đổi đời một cách siêu tốc, bất chấp rủi ro.

Chị D., chủ một nhà vườn lan quy mô lớn tại Hà Nội cho hay, giá hoa lan biến động mạnh khiến người trồng lo lắng. “Nếu dân tình cứ đổ xô mua bán lan đột biến và đẩy giá lên cao thì những loài lan thông thường lại ít được chú ý, tiêu thụ bị chậm lại. Tôi chỉ mong thị trường sớm ổn định để sản xuất và kinh doanh bền vững, phục vụ tốt cho người yêu hoa”, chị D. tâm sự.

 

Những con số lớn đến khó tin trong các giao dịch mua bán lan đột biến làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ "bong bóng" ngày càng hiện hữu, cũng giống như “bong bóng” hoa tulip vỡ vụn đã từng xảy ra tại Hà Lan cách đây mấy thế kỷ.

Hồi đó, hoa tulip cũng giống như lan đột biến tại Việt Nam hiện nay, giá hoa tulip lên đến cả triệu đô (mấy chục tỷ đồng), hút nhà đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau đó giá hoa càng ngày càng lao dốc, cho đến thời điểm loài hoa này đã không bán được vì giá quá cao và hoa cũng quá nhiều bởi người người trồng hoa tulip, nhà nhà có hoa tulip. Đến giờ thì hoa tulip trở thành hàng “bình dân”, giá thậm chí chỉ 1 USD/cây.

 

Ở Việt Nam hiện nay, các giao dịch lan đột biến lại được đẩy khắp các mạng xã hội, kéo theo rất nhiều người lao vào trồng, đầu tư, mua bán, lừa đảo... Chính quyền tại một số địa phương đã lên tiếng cảnh báo người dân và đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp bán lan đột biến giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua.

Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán lan đột biến. Theo đó, hiện nay trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống hoa lan đột biến, trong đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người chơi sinh vật cảnh trên cả nước, các địa phương cần khuyến cáo hội viên cẩn trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi về chủng loại lan var này.

Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, cây lan đột biến chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức được lưu hành trên thị trường.

Ở góc độ nghiên cứu, GS-TS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội, cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 35.000 loài lan, trong đó Việt Nam có khoảng hơn 1.000 loài. Lan đột biến vốn rất quý hiếm.

Tuy nhiên, theo GS-TS Trần Duy Quý, việc các giao dịch hoa lan đột biến được đẩy lên tới hàng chục tỷ đồng là không bình thường. "Với những người ít am hiểu về lan, không thạo kỹ thuật thì không nên mua bán lan đột biến theo cảm tính vì việc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro và việc chăm sóc, nhân giống các loại lan đột biến thường rất khó", GS-TS Trần Duy Quý cảnh báo.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đức Nhuận, Bí thư Đảng ủy xã Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) – một những các địa phương có nhiều hộ trồng lan và nhân giống lan đột biến cho biết, nhờ cây lan mà cuộc sống của nhiều gia đình trong xã được cải thiện. Quy mô trồng lan của các nhà vườn trong địa bàn xã ngày càng được mở rộng. Nhưng với các giao dịch lan đột biến với giá trị cao như thời gian gần đây thì địa phương chưa được báo cáo cụ thể.

Ông Nhuận lo ngại rằng, một ngày nào đó giá lan đột biến rớt thê thảm thì bà con trong xã cũng có thể bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi có nhiều người đi vay mượn để đầu tư. Nếu không bán được, hay bán quá rẻ thì sẽ ngập trong nợ nần, có khi phải bán nhà đi để trả nợ.

“Hiện tại, chúng tôi cũng không thể cấm bà con trồng hay mua bán lan đột biến. Nó cũng chỉ như một sản phẩm nông nghiệp người dân sản xuất ra và có người mua thì bán, không ai ép buộc ai cả. Nên về mặt chính quyền, chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền để bà con nắm được những rủi ro trong vấn đề này. Bên cạnh đó, là tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ trồng lan trong đia phương xem có giao dịch lớn hay không và đó là thật hay giả...”, ông Nhuận nói.

 

Ông Nhuận cũng cho biết, chính quyền địa phương phối hợp với quỹ tín dụng của xã để thắt chặt việc vay vốn, xác minh hồ sơ vay chặt chẽ, nghiêm túc để tránh hậu quả không hay.

Theo ông Nhuận, hiện tại ở địa phương có nghe là có giao dịch nhưng họ không thông báo với chính quyền nên không thể biết cụ thể như thế nào. Chính quyền đã cắt cử lực lượng đi kiểm tra cả ngày lẫn đêm nhưng rất khó để nắm chính xác số lượng và giá trị của các giao dịch. Và nhiều chủ vườn tổ chức giao dịch ở ngoài địa bàn địa phương quản lý nên càng khó

Vẫn biết là có nhiều rủi ro và mạo hiểm, nhưng việc mua bán lan đột biến thời gian qua ở Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị. Các giao dịch vẫn diễn ra ở khắp các tỉnh thành và cũng đã có nhiều người là nạn nhân từ việc này.

Tuy nhiên, vì cái lợi quá hấp dẫn ngay trước mắt và giấc mộng “đổi đời” siêu tốc mà nhiều người vẫn bất chấp rủi ro đã được cảnh báo mà đi vay, kêu gọi các nguồn tiền để lao vào trồng, đầu tư, mua bán và thậm chí là lừa đảo... gây mất an ninh trật tự xã hội.

Để hạn chế những rủi ro và thiệt hại cho người dân trước sức hấp dẫn vô cùng to lớn từ việc buôn bán lan đột biến, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có cảnh báo từ rất sớm và khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.

Đồng thời, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo người tiêu dùng. 

Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo về quản lý thuế đối với lan đột biến, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ. Bởi hầu hết các giao dịch, mua bán lan đột biến với giá trị "trên trời" đều rất mập mờ thông tin về người bán, người mua và giá trị thực của lan đột biến chưa được kiểm chứng. 

Các địa phương, tỉnh thành đã tích cực tuyên truyền, đồng thời, siết chặt việc quản lý việc trồng, nhân giống hay giao dịch lan trên địa bàn để tránh những rủi ro đáng tiếc.

(Nguồn: VOV.VN)

Công an Hưng Yên cảnh báo chiêu trò lừa đảo mua bán lan đột biến

Đình Trường |

Ngày 10.4, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, công an tỉnh Hưng Yên đã đưa ra cảnh báo tới người dân, tránh bị lợi dung vào các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chủ vườn lan var Đất Mỏ lên tiếng về vụ giao dịch lan đột biến gần 300 tỷ đồng

Thanh Mai |

Theo thỏa thuận, vườn lan var Đất Mỏ cung ứng cho bên mua 5.000 giống cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trong vòng một năm.

Hầu hết các giao dịch lan đột biến tiền tỷ là ảo

ANH MINH |

Nếu không sớm ngăn chặn sẽ dẫn đến tình trạng vỡ “bong bóng”, vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các vi phạm sẽ gây bất ổn.

Ngành thuế sẽ quản lý thu đối với kinh doanh lan đột biến

Nguyễn Thùy Dương |

Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết hiện tại, ngành thuế chưa thu thuế được bất kỳ giao dịch lan đột biến nào, nhưng thời gian tới sẽ kiên quyết rà soát tất cả các hoạt động kinh doanh lan.