Ngày 22/3/2024, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp (DN) có thành tích nộp thuế xuất sắc năm 2023 với sự tham gia của 64 DN tiêu biểu. Sự kiện này củng cố niềm tin của cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh bởi không chỉ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự mà còn vì những cam kết mạnh mẽ từ phía chính quyền để “tiếp sức” cho DN phát triển.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến biểu dương, ghi nhận nỗ lực của cộng đồng DN trong sản xuất, kinh doanh và tiếp tục khẳng định, tỉnh luôn coi DN là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành công của DN chính là thành công của tỉnh.
Do vậy, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, tạo môi trường thuận lợi nhất để DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển. Nhất là cải cách hành chính (CCHC) một cách mạnh mẽ, công khai, minh bạch nhằm phục vụ nhanh, có chất lượng và hiệu quả nhất; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, xử lý triệt để các vấn đề tồn đọng, kéo dài...
Cam kết này của lãnh đạo UBND tỉnh không chỉ khẳng định dấu ấn đậm nét, đóng góp to lớn của cộng đồng DN đối với sự phát triển của địa phương, là sự chia sẻ, “tiếp sức” cho DN vượt qua những khó khăn đang gặp phải mà còn tiếp tục cụ thể hóa, quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị 35-CT/TU ngày 11/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thực tế những năm qua cho thấy, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực, mặc dù vậy so với yêu cầu thực tiễn, lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thể hiện rõ nhất là các chỉ số về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều có tình trạng năm sau tụt thứ hạng so với năm trước.
Đơn cử như chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 xếp thứ 34, năm 2021 xếp thứ 46, năm 2022 xếp thứ 55/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 xếp thứ 41, năm 2021 xếp thứ 41, năm 2022 xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố...
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này là nhiều DN chưa đánh giá cao công tác CCHC trên địa bàn. Như chi phí thời gian để DN thực hiện các quy định của Nhà nước còn nhiều; tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo vẫn còn diễn ra; khi giải quyết thủ tục hành chính có cán bộ biết mà không nói, không hướng dẫn cụ thể và đầy đủ, “biến” việc đơn giản thành việc phức tạp... Cùng với đó là tâm lý sợ trách nhiệm, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 5.000 DN đang hoạt động, trong đó có không ít DN đang phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, chưa từng có tiền lệ, số DN tạm ngừng hoạt động, bên bờ vực giải thể tăng.
Hơn lúc nào hết, cần nhanh chóng, quyết liệt cụ thể hóa những cam kết bằng hành động, giải pháp cụ thể, sát thực và hiệu quả để củng cố niềm tin của DN; khơi dậy tinh thần, tâm huyết đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân. Đây chính là giải pháp then chốt để “về đích” các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)