Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 qua đi cũng là lúc những ngày nghỉ Tết vui vẻ, thoải mái bên gia đình, bạn bè của học sinh kết thúc. Sau khoảng thời gian dài vui Tết, đón xuân, đến nay các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy và học trở lại. Để các em đến trường với tâm thế nhẹ nhàng, có đủ sức khỏe và tinh thần hào hứng, các bậc phụ huynh đang tích cực cùng với nhà trường đồng hành với con, em mình quay trở lại nhịp học tập sau Tết.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn, học sinh toàn tỉnh được nghỉ 10 ngày từ 5-14/2. Với tâm lý nghỉ xả hơi, vui chơi cho thỏa thích nên từ những ngày cuối khép lại kỳ nghỉ Tết, nhiều trẻ mầm non có dấu hiệu không thích đi học trở lại. Thấu hiểu điều này cũng như nắm bắt tâm lý của con, chị Nguyễn Thị Lệ ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh sớm chuẩn bị tinh thần cũng như khơi gợi nhiều lý do tích cực để bé hứng khởi đến trường sau kỳ nghỉ Tết.
Chị Lệ kể: “Con gái tôi năm nay 5 tuổi và đang học mầm non. Từ tầm mồng 5 Tết, khi nghe ba mẹ nói ngày mai phải trở lại lớp, cháu quấy khóc và nói không đi học vì vẫn chưa chơi hết Tết. Rất may trước đó tôi đã khéo léo kể với con rằng cô giáo đã chuẩn bị nhiều món quà Tết, những trò chơi rất vui để chào đón các con trở lại trường.
Đồng thời, cũng giải thích cho con hiểu thời gian nhà trường cho nghỉ Tết đã hết, con phải tới lớp để tiếp tục học tập, hơn nữa tới lớp để gặp lại các bạn sẽ có nhiều niềm vui. Dần dần, con háo hức, còn giục mẹ nhanh đưa con tới lớp để nhận quà và vui chơi”.
Thực tế cho thấy, những chia sẻ nhẹ nhàng của ba mẹ là rất cần thiết để giúp trẻ lấy lại tâm lý, tinh thần thoải mái bắt nhịp với việc học sau kỳ nghỉ dài. Bởi trong Tết, thói quen thức khuya, dậy muộn, ăn uống đủ thứ bánh kẹo mà ít bị la mắng khiến nhiều trẻ cảm thấy uể oải, lười khi phải dậy đúng giờ để đi học sau Tết. Các em ở độ tuổi lớn hơn được đi chơi, gặp gỡ bạn bè và trải nghiệm nhiều hoạt động trong dịp Tết càng dễ khiến rơi vào tình trạng mất tập trung, quên nhiều kiến thức khi quay trở lại học tập.
Chị Trần Ngọc Ánh ở phường Đông Lễ, TP. Đông Hà chia sẻ: “Các con tôi đều học cấp 2, sau 10 ngày nghỉ Tết, khi cô giáo chủ nhiệm nhắn tin thời khóa biểu và lịch học trở lại thì cháu nào cũng có phần uể oải. Tuy nhiên, điều này nhanh chóng qua đi bởi vì trong Tết, tôi đã thường xuyên quan tâm đến thói quen sinh hoạt, ăn uống của con để đảm bảo sức khỏe cũng như sự cân bằng cho con khi trở lại trường. Thay vì thúc giục con làm bài tập hay mang sách vở ra, gia đình tôi khuyến khích con tham gia những hoạt động văn hóa, thể thao trong Tết, cho con đi chơi những lễ hội mang tính truyền thống dân tộc để học hỏi thêm nhiều điều. Sau đó mới nhắc nhở con dành một chút thời gian ôn lại bài vào mỗi buổi tối như thói quen thường ngày trong năm học. Ngoài ra, tôi cũng cho con được gặp gỡ bạn bè, đi thăm Tết họ hàng nội ngoại để tránh lạm dụng tivi, điện thoại. Từ mồng 4, gia đình đi ngủ sớm, dậy sớm để nhịp thời gian của các con trở lại như ngày thường. Tới nay, các con tôi đã đủ hứng khởi để đến lớp và nền nếp sinh hoạt, học tập cơ bản đã trở lại”.
Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống, sức khỏe của con, các bậc phụ huynh cũng nên chủ động nhắc nhở hoặc trực tiếp giúp con lập thời gian biểu chi tiết các hoạt động vui chơi, du lịch, học tập, ôn bài một cách khoa học từ trước kỳ nghỉ. Trong những ngày cuối kỳ nghỉ, ba mẹ không nên đưa các con đi chơi xa mà hãy dành thời gian cho con nghỉ ngơi, vui chơi tại nhà. Qua đó, giảm được không khí rạo rực vui chơi ngày Tết để các em sẵn sàng tâm thế quay trở lại học hành.
Một số học sinh ở miền núi, ở nhà phụ ba mẹ làm nương rẫy hay làm kinh tế trong kỳ nghỉ Tết cũng có rất nhiều lý do để trì hoãn việc trở lại cầm sách, vở đi học.
Anh Hồ Văn Hữu, ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho hay: “Dịp Tết này, con trai tôi năm nay học lớp 11 được nghỉ học nên ở nhà phụ giúp ba mẹ chăm sóc các em và đi làm thêm một số công việc để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nay đã hết kỳ nghỉ Tết, thấy con có vẻ vẫn còn muốn đi làm kiếm tiền, tôi đã khuyên nhủ, can ngăn rất nhiều. Vợ chồng tôi nói với con những gì đã được các thầy cô và các đoàn thể địa phương tuyên truyền, giúp con hiểu rằng giúp đỡ gia đình là rất tốt nhưng nhiệm vụ chính của học sinh là phải học tập; khi có kiến thức thì con làm việc kiếm tiền một cách nhẹ nhàng hơn. Đến nay, con tôi đã trở lại trường học tập và quyết tâm tốt nghiệp cấp 3 để đi học nghề”.
Ở mỗi độ tuổi, học sinh lại có những cách phản ứng, tâm lý khác nhau cho việc trở lại nhiệm vụ học tập sau Tết. Tuy nhiên, để mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và tích cực, hơn ai hết, các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh, sáng suốt động viên, đồng hành với con bằng nhiều cách, đảm bảo sức khỏe cho các con và tiếp thêm tinh thần năng lượng tràn trề nhất cho một năm mới, học kỳ mới với nhiều kết quả như mong đợi.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)