Đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật cho người lao động

Hoài Nam |

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức.

Đây chính là cầu nối để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 4.100 doanh nghiệp, trên 50 chi nhánh của các doanh nghiệp và 15 hợp tác xã đang hoạt động, sử dụng khoảng 55.000 lao động. Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Tính đến ngày 31/3/2021 có 286 doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) (trong đó có 275 doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập), tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, lao động chủ yếu làm việc theo thời vụ; số doanh nghiệp có tổ chức CĐCS chiếm tỉ lệ thấp nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các doanh nghiệp dân doanh. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật.

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người lao động về pháp luật lao động, công đoàn và các quy định pháp luật liên quan được nâng lên - Ảnh: H.N
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người lao động về pháp luật lao động, công đoàn và các quy định pháp luật liên quan được nâng lên - Ảnh: H.N

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan trên địa bàn từng bước đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo người lao động và người sử dụng lao động tham gia. Việc đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trước hết thể hiện ở khâu chọn lựa nội dung phù hợp, tập trung chủ yếu vào những nội dung pháp luật mới ban hành và những nội dung doanh nghiệp, người lao động còn vướng mắc như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, thang lương, bảng lương, tranh chấp lao động và lựa chọn phương thức phù hợp với từng đối tượng, điều kiện làm việc của công nhân, viên chức, lao động, nhất là công nhân, lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Với nhiều hình thức tuyên truyền như phát tài liệu, tờ rơi, gửi công văn, tập huấn, tuyên truyền lưu động, thi tìm hiểu pháp luật, sân chơi hỏi đáp pháp luật, hội thảo, đối thoại, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tư vấn pháp luật…, các nội dung pháp luật có liên quan được người lao động và sử dụng lao động tiếp nhận một cách đầy đủ, linh hoạt. Từ năm 2017- 2021, Sở LĐ, TB & XH đã soạn thảo 2.000 cuốn tài liệu tập huấn; ban hành trên 8.000 văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị định, thông tư mới; phát trên 620 quyển tài liệu, 5.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động. Cũng trong giai đoạn này, có 3.396 tin, bài về pháp luật lao động được đăng tải trên các website và phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm nội dung tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn giao thông...

Để người lao động được trực tiếp nghe, trao đổi và nắm bắt các quy định của pháp luật lao động, từ năm 2017-2021, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức 3 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong các khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 300 người tham gia. Tại hội nghị người lao động và các cuộc đối thoại (trên 15 hội nghị với hơn 1.000 người tham gia mỗi năm), Sở LĐ,TB&XH và các ngành, đoàn thể liên quan đã xem xét, trả lời thỏa đáng các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động.

Hằng năm, Sở LĐ,TB&XH gửi văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các nghị định, thông tư mới và văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, mức lương tối thiểu vùng cho trên 2.000 - 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động từ 50 -70 doanh nghiệp. Trong những năm qua, sở đã bồi dưỡng nâng cao kiến thức về pháp luật lao động và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 50 cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức chung của người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp về pháp luật lao động, công đoàn và các quy định pháp luật liên quan được nâng lên. Từ đó, người lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện tốt các nội quy, quy chế, nghĩa vụ đối với doanh nghiệp, đồng thời biết cách tự bảo vệ quyền lợi cá nhân mình. Về phía doanh nghiệp, số đơn vị ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, ban hành nội quy lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng. Trong những năm qua, số vụ tranh chấp lao động cá nhân xảy ra trên địa bàn tỉnh ít, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, thời gian tới, Sở LĐ, TB&XH tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Trước mắt tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012 và những nội dung doanh nghiệp, người lao động còn vướng mắc. Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Để bộ luật này sớm đi vào thực tiễn, yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, đoàn thể phải tích cực tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện đến mọi tầng lớp nhân dân, người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; sửa đổi, bổ sung nội dung tài liệu tuyên truyền có chiều sâu, phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức các hội nghị tập huấn để tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động. Phát huy vai trò của các cấp công đoàn và cán bộ công đoàn trong công tác tuyên truyền pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chế độ hỗ trợ người lao động nghỉ do giãn cách xã hội

PV |

Bà Dương Thị Trúc Ly làm việc tại công ty dịch vụ ăn uống tỉnh Bình Dương. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cửa hàng đóng cửa nên bà Ly bị thất nghiệp, đến nay chưa nhận được lương từ công ty. Bà Ly có hỏi nhưng công ty trả lời do địa phương áp dụng giãn cách xã hội nên chưa thể giải quyết được lương.

Cần giải pháp cấp bách hạn chế lao động bị thiếu hụt

Lê Sơn |

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, người lao động đã và đang trở về các tỉnh. Điều này gây thiếu hụt nguồn cung lao động cho các tỉnh/ khu công nghiệp khi chúng ta từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp.

'Chìa khóa' để doanh nghiệp thu hút người lao động quay lại làm việc

Thu Cúc |

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp (DN) phía Nam đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi, tạo thuận lợi để người lao động (NLĐ) yên tâm quay trở lại làm việc.

Giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động

Thu Cúc |

Bên cạnh các chính sách có tính chất bao phủ, lâu dài, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng các phương án rất cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cân đối nguồn lao động, phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. Bộ cũng đã tính đến phương án huy động lực lượng lao động từ các trường nghề, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ… Khi địa phương thiếu lực lượng lao động có thể huy động lực lượng sinh viên tham gia sản xuất với hình thức vừa học vừa làm, bảo đảm đúng các quy định về pháp luật việc làm.