Đầu tư chống xói lở bờ sông để ổn định đời sống người dân

Trần Cát Linh |

Tỉnh Quảng Trị không có nhiều sông ngòi, nhưng do đặc điểm địa hình nên hệ thống sông trên địa bàn tỉnh thường dốc và ngắn. 

Do đó, lưu lượng nước chảy mạnh, nhất là vào mùa mưa lũ làm cho bờ các dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi diện tích đất đai, xâm lấn vào các làng mạc, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống hai bên sông, hệ thống giao thông, đê kè thủy lợi… Nhằm tiếp tục khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, ngày 12/5/ 2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp các đoạn sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị có phần lớn diện tích đất tự nhiên là vùng gò đồi, miền núi và vùng cát ven biển, đất sản xuất lúa và hoa màu không nhiều. Đại bộ phận dân cư sống tập trung ở vùng ven sông, suối với nghề sản xuất chính là nông nghiệp, ngư nghiệp, làng mạc có mật độ dân cư cao. Vì thế, việc thay đổi dòng chảy và xâm thực xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các dòng sông gây ảnh hưởng rất lớn đến phần đông dân cư sống ven sông. Người dân vùng bị ảnh hưởng luôn sống trong thấp thỏm lo âu sợ mất nhà cửa, mất đất ở và đất sản xuất; cộng đồng thiệt hại về công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất và đường sá giao thông đi lại… mỗi khi mùa lũ về.

Tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng gây mất đất sản xuất và nhà cửa của người dân - Ảnh : T.C.L
Tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng gây mất đất sản xuất và nhà cửa của người dân - Ảnh : T.C.L

Từ trước đến nay, hằng năm tỉnh cũng đã đầu tư kinh phí cho việc xây dựng đê kè chống xói lở bờ sông. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của trung ương nên việc đầu tư quy mô còn nhỏ, hiệu quả khắc phục xói lở nhiều nơi còn thấp. Hơn nữa, do tình hình lũ lụt những năm gần đây thường xảy ra với cường độ mạnh, lượng nước nhiều, tập trung trong thời gian ngắn nên sức tàn phá của nước lũ rất lớn. Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và theo chiều hướng ngày càng cực đoan, trái quy luật, trong khi bờ các con sông là đất cát pha, nền đất có kết cấu yếu nên xói lở bờ sông là điều không tránh khỏi và xảy ra mạnh, các điểm xói lở bờ sông ngày càng nhiều hơn, ngay cả nơi có công trình chống xói lở bờ sông thì cũng nhanh xuống cấp. Mặt khác, sự xói lở bờ sông một phần cũng do hoạt động khai thác cát, sỏi bừa bãi của con người diễn ra khắp nơi làm biến đổi dòng chảy của các con sông. Tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn làm cho lũ quét ngày càng mạnh hơn. Vì thế, xói lở bờ sông không còn diễn biến tự nhiên như trước mà rất bất thường như một hiện tượng thiên tai, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Đây cũng là vấn đề bức xúc hiện nay.

Bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ trước đây thường xảy ra sạt lở, nhưng sau đợt lũ lớn năm 2020, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn, đã có thêm hơn 3 km bờ sông bị sạt lở nặng, xâm thực bờ từ 15 - 25 m. Các đoạn sạt lở tập trung nhiều ở các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Thành, Cam Hiếu… Lũ cũng làm hư hỏng nặng hệ thống kè bảo vệ bờ sông Hiếu. Anh Phan Ngọc Thảo ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ cho biết: “Mấy năm trước sông có sạt lở nhưng chưa năm nào sạt lở nhiều như năm ngoái. Đất sản xuất, nhà cửa, công trình giao thông ven nhiều đoạn sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người dân rất lo lắng”.

Đợt lũ lụt năm 2020 làm cho các con sông trên địa bàn tỉnh xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 105 km, trong đó xói lở đặc biệt nguy hiểm gần 18 km, xói lở nguy hiểm hơn 48 km, sạt lở bình thường hơn 39 km. Tình trạng xói lở bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống của 2.364 hộ tại 72 thôn, bản, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, hiện có gần 600 hộ đang sống trong vùng nguy hiểm, nhà ở chỉ cách mép sông từ 15 - 20 m, trong khi bờ sông vẫn tiếp tục bị xói lở.

Một trong những phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai hiện nay là “né tránh và thích nghi”. Cho nên những giải pháp cơ bản bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Ngoài việc xây dựng quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất phù hợp đảm bảo phát triển bền vững và các giải pháp phi công trình khác được xem là căn cơ và ít tốn kém thì các địa phương còn chú trọng các giải pháp công trình như đầu tư xây dựng hệ thống đê điều, kè chống xói lở bờ sông…

Bằng nguồn vốn trung ương hỗ trợ, tỉnh đầu tư 95 tỉ đồng để thực hiện dự án xây dựng kè chống xói lở khẩn cấp các đoạn sông trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của dự án là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân sinh sống, làm việc trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của xói lở bờ sông; bảo vệ các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhà cửa, đất đai của Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, chủ động phòng, chống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định đời sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án đầu tư nâng cấp đê, kè bờ sông trong phạm vi sạt lở với tổng chiều dài khoảng 7 km thuộc các huyện: Gio Linh khoảng 1,7 km; Cam Lộ khoảng 1,45 km; Đakrông khoảng 1,3 km; Triệu Phong khoảng 1,05 km; thị xã Quảng Trị khoảng 0,7 km và Vĩnh Linh khoảng 0,8 km. Dự án triển khai thực hiện trong 4 năm từ năm 2022 - 2025.

Dự án có ý nghĩa thiết thực và được đầu tư kịp thời. Tuy nhiên, so với thực trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn thì sự đầu tư này là quá ít ỏi (chỉ bằng 10,6% so với thực tế chiều dài các đoạn sông bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng sau trận lũ lụt lớn năm 2020), trong khi nhu cầu ổn định cuộc sống của người dân là cấp thiết. Nguồn vốn đầu tư đã ít lại kéo dài trong nhiều năm nên tác dụng khắc phục chống xói lở là không cao. Thiết nghĩ, xây dựng công trình phòng, chống xói lở bờ sông là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu. Khi tình hình sản xuất và đời sống của người dân còn bị đe dọa bởi tình trạng lở đất thì cuộc sống khó yên ổn. Các công trình đầu tư của nhà nước trong vùng thường xuyên bị sạt lở cũng bị đe dọa. Vì thế, bên cạnh mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế, thì việc đầu tư bảo vệ các bờ sông, bảo vệ đất đai và đời sống cho người dân và công trình của nhà nước cũng cần được ưu tiên mới đảm bảo được an sinh xã hội. Đó cũng là đầu tư bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ

PV |

Từ ngày 7-8/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông khu vực Bắc Trung Bộ.

Phòng chống Bão số 1; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Gia Hân |

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-TW chỉ đạo ứng phó Bão số 1 và mưa lớn dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất.

Hơn 100ha rừng bị sạt lở tại vùng núi Hướng Hóa sớm được phủ xanh

Thiên Sơn |

Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện niền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), có 2 xã Hướng Phùng và Hướng Sơn bị sạt lở nghiêm trọng với hơn 100ha rừng. Nhằm khắc phục và phủ xanh các điểm sạt lở, UBND huyện Hướng Hóa đã phối hợp  với Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và Công ty TNHH Giải trí và đào tạo Đại Nghĩa tiến hành phát động lễ trồng rừng năm 2021.

Cận cảnh bờ sông Sê Pôn bị sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ

Thiên Sơn |

Sau đợt mưa lũ vừa qua, dọc sông Sê Pôn biên giới Việt – Lào (Hướng Hóa, Quảng Trị), xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân nơi đây.