Để mùi hương mãi tỏa hương

Võ Khánh Linh |

Với khát vọng và ý chí vươn lên trong khó khăn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Lê Thị Thu Hường (42 tuổi) ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã bước đầu khởi nghiệp thành công từ nghề làm hương và trở thành chủ cơ sở sản xuất hương khá lớn tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở của chị hiện còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em dân tộc thiểu số.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông có cuộc sống hết sức khó khăn, năm 1999, chị Hường lập gia đình và sinh con nhỏ. Chồng chị là giáo viên dạy ở vùng miền núi nên thường xuyên phải xa nhà. Chính vì vậy, việc chăm sóc con cái và quán xuyến công việc gia đình đều do một mình chị đảm đương. Để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập, chị Hường mở một quán tạp hóa nhỏ ở nhà.

Cơ sở sản xuất hương của chị Hường tạo việc làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số -Ảnh: V.K.L​
Cơ sở sản xuất hương của chị Hường tạo việc làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số -Ảnh: V.K.L​

Năm 2016, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ xã mở lớp đào tạo nghề cho phụ nữ, chị Hường đã đăng ký tham gia học làm hương. Sau khi kết thúc khóa đào tạo 3 tháng dạy về nghề làm hương, một số chị em phụ nữ tham gia lớp do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và lo không có đầu ra cho sản phẩm…nên học nghề xong rồi để đó. Nhưng với chị Hường thì khác, chị vừa yêu thích nghề làm hương, lại có cái nhìn xa hơn, rộng hơn. Bởi ở xã Linh Trường của chị là nơi có Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, hằng năm rất nhiều người từ mọi miền đất nước đến dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ, đây chính là “đầu ra” quan trọng của sản phẩm. Chị Hường cho biết: “Để có hương bán cho du khách, các hàng quán ở đây chủ yếu nhập các loại hương từ nơi khác về, mà chất lượng thì mỗi nơi mỗi khác. Vậy nên tôi nghĩ tại sao mình không thể sản xuất ra một loại hương có chất lượng với thương hiệu riêng? Từ suy nghĩ này, nên tôi quyết tâm mở cơ sở sản xuất hương cho bằng được”.

Năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã và được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, chị Hường đã mua sắm máy móc mở cơ sở sản xuất hương. Thời gian đầu mới đi vào sản xuất hương, chị cũng gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm về sử dụng máy móc, nên phải đi tìm thầy ở các nơi nhờ hướng dẫn. “Tuy nhiên lúc có thầy thì máy móc hoạt động bình thường, thầy về là tôi lại gặp trở ngại, bởi máy móc lúc hỏng hóc cái này, cái kia, nên không ra cây hương. Dẫu vậy tôi vẫn không nản chí, tự động viên mình cái gì cũng phải từ từ, không được nóng vội. Nhờ nỗ lực tìm tòi và cố gắng học hỏi, sau hai tháng, tôi đã thành công”, chị Hường chia sẻ thêm. Để làm ra được những nén hương chất lượng và có mùi đặc trưng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ và khéo léo. Nguyên liệu để làm ra những que hương gồm nước, bột hương, keo, tăm… Với bốn công đoạn chính là trộn nguyên liệu, chạy máy se hương, phơi hương và đóng gói… Nghe thì đơn giản vậy, nhưng để có một que hương hoàn hảo với màu sắc và mùi hương đặc trưng thì không đơn giản chút nào. Bởi mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ rất cao, phải có động tác nhanh, chính xác mới làm ra được những nén hương đồng đều về kích cỡ, thân hương nhẵn, khô, độ kết dính cao. Ngoài ra, khi nén hương được làm ra phải được phơi trên giàn, dưới ánh nắng mặt trời để hương khô đều, giữ được mùi và không mất màu. Đối với khâu đóng gói cũng phải hết sức tỉ mỉ để thẻ hương nào cũng đều nhau, có tính thẩm mỹ. Chị Hường cho biết: “Với tôi, chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, bởi hương là sản phẩm dùng trong hoạt động tâm linh, vì vậy chất liệu và hương liệu luôn phải sạch sẽ, không có chất bảo quản, đảm bảo an toàn khi sử dụng”.

Sau 3 năm hoạt động, cơ sở sản xuất hương của chị Hường đã tạo việc làm cho 10 lao động là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất được 650 thẻ hương, giá bán sỉ là 5.000 đồng/thẻ, thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/tháng. Chị Hồ Thị Quyết (21 tuổi), người dân tộc Vân Kiều ở xã Linh Trường cho biết: “Tôi lấy chồng năm 18 tuổi, trước đây công việc của tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, làm nương rẫy. Nhưng từ khi về làm việc tại xưởng sản xuất hương của chị Hường, tôi đã có thêm thu nhập để lo cho con cái, giúp gia đình trang trải cuộc sống tốt hơn”.

Bà Hồ Thị Hôm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Linh Trường, huyện Gio Linh đánh giá: “Cơ sở sản xuất hương của chị Hường là cơ sở đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn xã Linh Trường. Chị Hường là một người có uy tín, nói được làm được, quyết đoán, nên chị em trong xã rất tin tưởng. Đặc biệt, chị Hường đã giúp rất nhiều chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư và phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trong xã học tập, noi theo”. Từ những kết quả bước đầu đã đạt được, chị Hường dự định sẽ mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, nhằm từng bước tạo dựng thương hiệu hương của mình để mùi hương mãi tỏa hương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sức sống mới ở Hướng Việt

Nguyễn Đình Phục |

Nằm về phía Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Hướng Hoá  (Quảng Trị) khoảng 50 km, Hướng Việt là một trong 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Toàn xã hiện có 345 hộ với 1.590 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, sinh sống ở 4 thôn. Xã có tổng diện tích tự nhiên 5.944,32 ha, trong đó đất có khả năng sử dụng nông nghiệp, lâm nghiệp hơn 5.300 ha; điều kiện thời tiết, khí hậu khá thuận lợi cho sự phát triển các loại cây trồng, vật nuôi.

Triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ

B.A |

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình (gồm đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình), đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) đến Cam Lộ (Quảng Trị).

Hơn 1,2 tỷ đồng triển khai dự án chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị

Anh Vũ |

Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gà Cùa, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã cho triển khai dự án mô hình chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Khô hạn nặng xảy ra nhiều nơi ở Vĩnh Linh

Tú Linh |

Khô hạn nặng đang diễn ra mấy tháng nay tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) gây thiệt hại lớn. Người dân đang thiếu nước sinh hoạt; gia súc, gia cầm cũng thiếu nước uống; nhiều diện tích cây trồng lâu năm bị khô héo và chết.