Khô hạn nặng xảy ra nhiều nơi ở Vĩnh Linh

Tú Linh |

Khô hạn nặng đang diễn ra mấy tháng nay tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) gây thiệt hại lớn. Người dân đang thiếu nước sinh hoạt; gia súc, gia cầm cũng thiếu nước uống; nhiều diện tích cây trồng lâu năm bị khô héo và chết.

 Người dân ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn nhiều tháng nay thiếu nước uống vì trời khô hạn. Ông Nguyễn Văn Hiệu năm nay ngoài 80 tuổi cho biết chưa có năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Bình thường đến tháng 9 trời đã có mưa to, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay rất ít khi có mưa, nếu có thì lượng mưa rất nhỏ nên mực nước ngầm trong lòng đất bị hạ thấp, giếng đào lấy nước của tất cả người dân trong thôn đều bị khô, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Mấy ngày nay, để có nước uống, người dân Nam Sơn phải tìm đến giếng khoan duy nhất còn nước của bà Nguyễn Thị Huệ ở trong làng cùng nhau chia sẻ từng thùng nước.

Vườn chuối lùn Nam Mỹ của ông Cao Xuân Quý ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn bị nắng hạn khô quắt, không phát triển được -Ảnh: T.L​
Vườn chuối lùn Nam Mỹ của ông Cao Xuân Quý ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn bị nắng hạn khô quắt, không phát triển được -Ảnh: T.L​

Giếng đào bị khô nước nên người dân phải thuê thợ khoan giếng. Nhu cầu khoan giếng nhiều mà thợ khoan thì ít nên các hộ dân phải chờ mới đến lượt mình. Tối 9/9, gia đình anh Nguyễn Minh Huy may mắn khoan giếng có nước khi ở độ sâu 16m. Nhưng không phải ai cũng may mắn như gia đình anh Huy, chỉ khoan một vị trí là có nước ngay.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết, gia đình ông Hồ Hữu Phước ở thôn Lệ Xá phải nuôi 8 đội thợ khoan giếng, khoan đến 14 vị trí trong vườn nhà vẫn chưa tìm ra nguồn nước. Cuối cùng phải ra sát mép ruộng gần vườn nhà khoan mũi thứ 15 xuống độ sâu 60 m mới có nước, nhưng chất lượng nước vẫn không tốt vì nhiễm phèn. Để khoan được một cái giếng, trung bình một hộ dân phải tốn 10 triệu đồng, nhưng với gia đình ông Phước phải tốn đến 20 triệu đồng tiền công cho thợ, chưa kể tiền cơm nước cho đội thợ trong thời gian 15 ngày.

Toàn xã Vĩnh Sơn có 7 thôn bị hạn, trong đó có 3 thôn Nam Sơn, Lệ Xá và Minh Phước bị khô hạn nặng, thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Khô hạn không chỉ gây ra thiếu nước sinh hoạt, mà còn làm các trang trại nông nghiệp, các loại cây trồng dài ngày ở Vĩnh Sơn khô héo và gia súc, gia cầm thiếu nước uống. Trang trại của ông Cao Xuân Quý ở thôn Nam Sơn trồng 2 ha chuối lùn Nam Mỹ, dự kiến tháng 8 vừa qua cho thu hoạch. Nhưng nắng hạn quá gay gắt đã làm cho nhiều cây chuối chết khô, cây còn sống thì quắt lại, héo úa, còi cọc, không phát triển được nên không thể trổ buồng. Ông Quý ngao ngán cho biết đã tốn rất nhiều công sức đào hồ chứa nước tưới cho các cây trồng, đến nay hồ nước cũng khô cạn, chỉ biết cầu trời mưa xuống.

Xã Vĩnh Lâm nằm sát xã Vĩnh Sơn cũng bị khô hạn nặng. Chủ tịch UBND xã Lê Đức Dũng cho biết toàn bộ 7 thôn của xã đều bị ảnh hưởng của nắng hạn trong thời gian qua, trong đó 2 thôn Tiên Mỹ 1 và Tiên Mỹ 2 bị nặng nhất. Hơn 550 hộ dân của 2 thôn lâu nay chủ yếu lấy nước sinh hoạt từ giếng đào của từng gia đình có độ sâu khoảng 5 - 6 m. Năm nay hạn nặng, người dân cố gắng tự khắc phục bằng cách đào sâu thêm khoảng từ 3 - 4 m nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện. Hộ nào có điều kiện kinh tế thì thuê người khoan giếng. Người dân được thỏa thuận mức giá khoảng 18 triệu đồng/giếng khoan có nước. Tuy nhiên không dễ dàng cứ khoan là có nước, nhiều gia đình thuê thợ khoan xuống độ sâu 80- 90m vẫn chưa có nước. Nếu có nước thì chất lượng rất kém, thợ khoan giếng không chịu trách nhiệm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kiệm ở thôn Tiên Mỹ 1 cho biết, gia đình ông có giếng đào sâu 6 m bị khô nước, nay đã thuê người đào sâu thêm 4 m nhưng mạch nước quá yếu, mực nước luôn sát đáy giếng, phải gạn mới có nước dùng cho sinh hoạt gia đình. Trời nắng hạn quá lâu, lượng nước thẩm thấu trong tầng đất không còn nữa nên các giếng đào trong thôn đều chung tình trạng khô hạn. Nước sinh hoạt phải chắt góp thì lấy đâu ra nước tưới cây.

Chứng kiến cây cối thiếu nước héo úa rũ xuống mà xót xa; gia súc, gia cầm cũng thiếu nước uống trầm trọng, người dân Vĩnh Lâm rất lo lắng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm Lê Đức Dũng cho biết, nắng hạn đang khiến 1/2 số hộ dân toàn xã thiếu nước sinh hoạt; cây trồng vật nuôi bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiều mô hình cây trồng đang chết khô. Đã có một số hộ dân ở thôn Mỹ Điền có đàn vịt khoảng 500 con bị chết do nguồn nước khô cạn, ô nhiễm gây bệnh cho vịt…Theo một số hộ dân ở khu vực cầu Tiên Lai, do hạn nên phải bơm nước từ sông Tiên Lai lên tích trữ giữa ruộng cho gia súc, gia cầm uống nhưng thời gian này nước bị nhiễm mặn, còn chính quyền xã Vĩnh Lâm đã không đồng ý việc làm trên vì việc bơm nước nhiễm mặn lên ruộng sẽ làm đất nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân tới.

Còn ở xã Vĩnh Thủy trời khô hạn mấy tháng nay không có một cơn mưa. Người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Dọc đường đến trang trại của ông Nguyễn Hưng Tạo ở thôn Tân Thủy đất đỏ bám đầy cây bụi hai bên. Vườn cây ăn quả của ông Tạo vì thiếu nước tưới nên năng suất chỉ còn lại bằng 1/5 so với các năm trước có thời tiết bình thường. Các loại quả sầu riêng, bưởi Thái Lan, cam sành, măng cụt… trái non rụng la liệt vì khô hạn làm cây héo úa. Không riêng trang trại cây lâu năm của ông Tạo, nhiều trang trại khác ở Vĩnh Thủy cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người nông dân các xã vùng bán sơn địa huyện Vĩnh Linh đã làm hết cách để tìm nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cứu cây trồng, nhưng đang bế tắc.

Trước tình hình này, chính quyền các xã đã báo cáo với UBND huyện Vĩnh Linh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm cách tháo gỡ. UBND huyện Vĩnh Linh đã đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Trạm bơm La Ngà xả nước theo hệ thống kênh mương về cung cấp cho gia súc, gia cầm uống và thẩm thấu vào đất giúp các giếng đào có nước phần nào khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng này. Nhưng nguồn nước ở hồ La Ngà cũng xuống rất thấp, lượng nước xả về không đáng kể nên không giải quyết được nhiều cho người dân các xã trên. Nếu trong vòng 2 tuần tới trời không có mưa thì tình hình khô hạn ở vùng này sẽ rất tồi tệ và thiệt hại đối với người dân là rất lớn. Người dân các xã trên rất mong tỉnh đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch để đáp ứng nước sinh hoạt vào mùa khô cũng như đảm bảo chất lượng nước, góp phần bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Được triển khai từ tháng 2/2020 tại huyện Vĩnh Linh, địa phương chiếm 1/2 diện tích trồng cây hồ tiêu toàn tỉnh Quảng Trị, dự án sản xuất tiêu hữu cơ do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cùng HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thực hiện hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, mở rộng thị phần của hạt tiêu Vĩnh Linh trên thị trường.

Khoảng 70 ngàn lượt khách đến Huế trong tháng 8

Đức Quang |

Ngày 28/8, Sở Du lịch thông tin, tổng lượng khách đến Huế trong tháng 8/2020 ước khoảng 70 ngàn lượt, đạt 18% so với tháng 8/2019.

Xây dựng thương hiệu chợ Hồ Xá

Mỹ Hằng |

Là chợ trung tâm huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), tháng 6 năm 1991, chợ Hồ Xá được đầu tư xây dựng lại kiên cố 2 tầng, rộng rãi. Kể từ đó đến nay, chợ Hồ Xá ngày càng đổi mới, hàng hóa phong phú, lượng khách ngày càng đông. Chợ đang dần trở thành đầu mối giao thương, buôn bán lớn nhất ở phía bắc tỉnh Quảng Trị.

Khởi sắc từ một tuyến đường

Nguyên Đồng |

Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba chủ trương lớn toàn khóa của Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó dự án lớn nhất được đầu tư xây dựng và hoàn thành trong nhiệm kỳ là đường giao thông Thạch Kim - Hiền Hòa với tổng nguồn vốn trên 400 tỉ đồng. Công trình góp phần đưa huyện Vĩnh Linh trở thành một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh của tỉnh Quảng Trị.