Nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện Triệu Phong (Quảng Trị) hiện có gần 550 phần mộ liệt sĩ, trong đó có 180 phần mộ chưa biết tên, hơn 400 phần mộ liệt sĩ có quê quán ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nghĩa trang có diện tích 1 ha, nằm ở trung tâm huyện rất thuận tiện cho Nhân dân đến viếng thăm.
Tận tụy vì nghĩa trang sạch, đẹp
Những ngày mùa hè ở Quảng Trị trời nắng nóng như đổ lửa nhưng ông Hồ Ngọc Trai (55 tuổi) và ông Nguyễn Cư (73 tuổi) làm công tác quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện Triệu Phong vẫn miệt mài với công việc hằng ngày của mình. Thành quả lao động đó được nhìn thấy qua những phần mộ không một chút rêu phong, sân vườn sạch đẹp, bồn hoa, cây cảnh được tưới nước và cắt tỉa cẩn thận tươi tốt đang nở những đóa hoa để tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Ông Nguyễn Cư tâm sự, ông làm công tác quản trang ở nghĩa trang này đã hơn 16 năm. Năm 1972, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong. Trong cuộc chiến đấu ấy, rất nhiều đồng đội của ông hy sinh và hiện đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ này. Sau ngày quê hương giải phóng, ông được điều động về làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Triệu Thượng (Triệu Phong). Thời gian này, ông luôn sát cánh cùng đồng đội, với các cơ quan quân sự, ngành lao động, thương binh và xã hội địa phương tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và chăm sóc các phần mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại quê nhà.
Đặc biệt năm 2006, sau một thời gian nghỉ công việc nhà nước, ông quyết định xin vào làm quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện Triệu Phong. Đây là dịp để ông dành hết thời gian và công sức của mình bày tỏ lòng tri ân đối với đồng đội, với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Công việc hằng ngày của ông là vệ sinh các phần mộ, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh và hương khói cho liệt sĩ, đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ cũng như các tổ chức, cá nhân đến thăm viếng. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, ông tìm kiếm thông tin về liệt sĩ chưa biết tên với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được. Nhờ tích cực tìm kiếm thông tin về liệt sĩ chưa biết tên và kinh qua trận mạc của mình nên ông đã ngăn chặn được hành vi của một nhà ngoại cảm “dỏm” đến tìm kiếm và đòi cất bốc hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang này về quê.
Ông kể, cách đây hơn 10 năm, có một nhà ngoại cảm dẫn một gia đình ở Hà Nội vào tìm kiếm liệt sĩ ở nghĩa trang. Khi mới bước chân đến phần mộ liệt sĩ chưa biết tên, nhà ngoại cảm này bỗng dưng lên đồng ôm chặt người thân và tự xưng là liệt sĩ (xin giấu tên liệt sĩ) mừng mừng tủi tủi và đòi đưa về quê hương yên nghỉ vì quá nhớ nhung gia đình và quê nhà. Nghi ngờ trước việc làm bất minh của nhà ngoại cảm này, ông Cư trực tiếp trò chuyện, “chất vấn” với “liệt sĩ” này về thông tin đơn vị, về ngày, tháng hy sinh cũng như hỏi có biết gì về nơi đang yên nghỉ thì “liệt sĩ” này nói không đúng một thông tin nào hết.
Trước tình thế khó xử này, ông Cư báo cáo với ngành lao động, thương binh - xã hội ở địa phương để có cách xử lý hợp tình, hợp lý. Tuy vậy, cứ nghĩ chính quyền và ngành chức năng địa phương gây khó khăn nên gia đình đi theo nhà ngoại cảm phản đối bằng những lời lẽ nặng nề. Sau vụ việc này, ông Cư cùng với cơ quan liên quan quyết tâm tìm kiếm thông tin và sau đó không lâu đã tìm thấy hài cốt của liệt sĩ này được chôn cất ở một nơi khác nên thông báo cho gia đình đến đón liệt sĩ về yên nghỉ ở quê nhà.
Thấy việc làm của nhà ngoại cảm sai trái, việc làm của ông Cư và cơ quan liên quan địa phương đúng đắn, đầy tính nhân văn nên gia đình này đã vào lại Triệu Phong để xin lỗi và vô cùng biết ơn những người đã không cho gia đình bốc nhầm hài cốt liệt sĩ theo lời nhà ngoại cảm về quê nhà.
Ông Hồ Ngọc Trai thắp hương các phần mộ liệt sĩ - Ảnh: N.V
Ông Nguyễn Cư và ông Hồ Ngọc Trai cùng tâm sự: “Chúng tôi luôn thầm nghĩ, những người có điều kiện thì đóng góp vật chất để nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc, phụng dưỡng người có công, mình không có điều kiện vật chất thì làm bằng cả trái tim, lòng nhiệt huyết. Được làm quản trang, chúng tôi rất mãn nguyện và tự hào vì có điều kiện để tri ân các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở nghĩa trang này”.
Làm thơ để tri ân liệt sĩ
Cùng đảm trách công việc với ông Nguyễn Cư, ông Hồ Ngọc Trai dành trọn cả tình cảm và trách nhiệm của mình đối với công việc được giao. Ông kể, cách đây khoảng 10 năm, ông làm việc ở Tiểu khu 1, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao ông không quản ngại ngày đêm xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ở địa phương để bảo vệ bình yên cho người dân. Đặc biệt, vào những năm 2009 - 2012, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra những vụ trộm cắp, nhất là những vụ đục phá két sắt để trộm tiền cơ quan nhà nước, ông được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Triệu Phong nhận vào làm bảo vệ.
Thời gian làm việc ở đây, lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thấy ông làm việc tận tụy, trách nhiệm, đặc biệt rất chăm lo đến công việc tâm linh, tri ân đối với liệt sĩ nên ngày 30/4 vừa rồi ông được chuyển về làm công tác quản trang ở nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện. Về đây công tác, với lợi thế nhà ở ngay trước cổng nghĩa trang liệt sĩ nên ông càng có điều kiện chăm lo tốt hơn các phần mộ liệt sĩ. Ông còn viết cả số điện thoại của mình lên cánh cổng nhà quản trang để cho thân nhân hay tổ chức, cá nhân đến thăm viếng liệt sĩ tiện liên hệ bất cứ lúc nào.
Trong thời gian làm việc ở đây, ông chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động khi người thân đến tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ. Ông Trai chia sẻ, khi biết ông Sở, quê tỉnh Thái Bình là một cựu chiến binh trong suốt 50 năm qua đã không quản ngại nắng mưa đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Phan Tiến Diệp, bạn đồng hương, cũng là bạn chiến đấu một thời với ông. Phút giây tìm được phần mộ của đồng đội, ông Sở bật khóc và ôm cả phần mộ vào lòng. Vừa khóc, ông Sở vừa tâm sự và vừa sợ phút giây phải xa đồng đội để về lại quê nhà không chăm sóc bạn được nhiều nên ông đã đến động viên và nhận lời chăm sóc tận tình.
Trong một khoảnh khắc khác, một bà mẹ có tên là Cúc, (88 tuổi), quê thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng (Triệu Phong) nhưng nay ở tận huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng có anh trai là liệt sĩ Trần Đăng Hợp đang yên nghỉ tại nghĩa trang này. Do đường sá xa xôi, tuổi cao đi lại khó khăn nên bà nhờ những người quản trang ở nghĩa trang này thay mặt bà hương khói cho liệt sĩ Trần Đăng Hợp và đồng đội của anh. Trước sự tin tưởng của người thân liệt sĩ, ông vô cùng xúc động và nhận lời không một chút đắn đo.
Ông còn làm mấy vần thơ và lặng lẽ ngồi bên phần mộ của liệt sĩ Trần Đăng Hợp đọc thay lời tri ân: “Mệ Cúc, mệ ở Triệu Phong. Nguyên quán Thượng Phước, tuổi nay đã già. Mệ ở Đạ Tẻh mới ra. Mệ đi viếng mộ thăm bà thăm con. Cả đời vì nước vì non. Anh mệ chiến đấu quên mình hy sinh. Hôm nay đứng trước anh linh. Con hứa với mệ muôn rằm thắp nhang. Hương thơm gió thoảng mây ngàn. Con xin chúc mệ bình an tuổi già”.
Và sau những vần thơ ấy ngày ngày ông cùng ông Cư miệt mài với công việc được giao làm ấm lòng các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)