Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị còn tích cực tham gia công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Qua đó, góp phần giúp đơn vị tăng cường củng cố thế trận lòng dân, huy động được sức dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Anh Bùi Quốc Tuấn, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, nghề đi biển luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy cơ tai nạn do thời tiết cũng như do sự cố, vì vậy việc cập nhật thông tin dự báo thời tiết cũng như bảo dưỡng tàu luôn được anh xem trọng. Anh có hơn 20 năm theo nghề biển, từ ban đầu đi tàu nhỏ gần bờ cho đến bây giờ đi tàu lớn đánh bắt xa bờ nhưng ít khi gặp rủi ro, bất trắc trên biển.
“Bản thân tôi cũng chỉ có một lần gặp sự cố đáng tiếc khi đánh bắt trên vùng biển khơi xa. Đó là vào khoảng năm 2014, khi ấy tàu tôi đang khai thác hải sản theo đội thuyền trong tỉnh ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, không may tàu bị chết máy rồi trôi dạt vào vùng biển của Trung Quốc và bị bắt giữ. Sau đó tôi phải nộp phạt 100.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 300 triệu đồng) mới được thả tàu về. Đó là rủi ro ngoài ý muốn và cũng là bài học để tôi rút kinh nghiệm khi đánh bắt trên biển sau này”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo anh Tuấn, để đánh bắt trên biển an toàn, hiện nay ngoài việc trang bị thiết bị cần thiết, an toàn về hàng hải, thiết bị chống cháy nổ, chống thủng tàu thì việc nắm bắt các thông tin, các luật quy định về khai thác hải sản, vùng biển được phép khai thác là rất quan trọng…
“Ngoài thông tin mình chủ động nắm được thì sự tuyên truyền của các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP đã hỗ trợ rất nhiều cho những chuyến ra khơi. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố trên biển chúng tôi sẽ liên lạc với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của BĐBP để được ứng cứu kịp thời nên rất yên tâm”, anh Tuấn vui vẻ nói thêm.
Chung tâm trạng phấn khởi, ông Bùi Văn Cự, chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ ở tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trong thời gian lưu lại cảng cá Cửa Việt ông và các thuyền viên trên tàu cũng nhận được những sự hỗ trợ cần thiết từ BĐBP Hải đội 2. Ông Cự cho biết, ông và thuyền viên đã được cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền về Luật biển, cập nhật mới các quy định của Nhà nước về khai thác thủy sản bền vững.
Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hải đội 2 thường xuyên tổ chức đến từng tàu trao cờ Tổ quốc, phát tờ rơi và tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trong khai thác, đánh bắt hải sản góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ những việc làm sâu nặng nghĩa tình ấy, mối quan hệ quân - dân ngày càng thêm gắn bó bền chặt…
Thực hiện kế hoạch bảo vệ biên giới năm 2022 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hải đội 2 phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển được 7 lượt với 83 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua công tác tuần tra, kiểm soát trên biển phát hiện 17 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm khai thác thủy hải sản trên vùng biển Việt Nam. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng xua đuổi tất cả các tàu cá vi phạm trên ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, đối với tàu cá trong tỉnh, năm 2022, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, báo cáo đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xử lý đối với 2 tàu cá khai thác thủy hải sản trái phép và đã xử phạt vi phạm hành chính 86 triệu đồng.
Hải đội trưởng Hải đội 2, Thượng tá Nguyễn Văn Phong cho biết: Hải đội 2 được Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phân công quản lý khu vực vùng biển từ lãnh hải của Việt Nam trở vào trên 4.443 km2 với chiều dài bờ biển hơn 73,3 km. Đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo và bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển.
Đơn vị đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở cho ngư dân khi khai thác hải sản trên biển cần lưu ý: đối với phương tiện đánh bắt thì phải đảm bảo kỹ thuật, trước khi ra khơi phải có đầy đủ các phương tiện cứu sinh, các thiết bị thông tin liên lạc, nắm kênh thông tin tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của BĐBP tỉnh; đánh bắt hải sản trên biển phải đúng khu vực quy định, đúng theo giấy phép hành nghề đã được cấp phép; chấp hành các quy định pháp luật về được phép khai thác trên biển.
Khi có tai nạn, sự cố hỏng hóc tàu thuyền trên biển, ngư dân đã kịp thời báo tin đến Hải đội 2 và được đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng nhanh chóng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đưa ngư dân và tàu thuyền gặp rủi ro vào bờ an toàn. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Phong, để đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác hải sản trên biển, điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương, các đồn biên phòng tuyến biển cần phối hợp thành lập các tổ đoàn kết tàu thuyền trên biển. Các tổ đoàn kết này phải được phân công nhiệm vụ cụ thể, có cơ chế hoạt động, khi đánh bắt thì theo từng nhóm từ 4 - 5 tàu thuyền đánh chung trong một khu vực với khoảng cách gần để khi xảy ra sự cố thì tương trợ lẫn nhau trước khi chờ lực lượng chức năng đến hỗ trợ, ứng cứu.
“Thời gian qua, có một số tàu thuyền ngoài tỉnh vào khai thác vùng ven bờ, các luồng, các khu vực đánh cá sai quy định, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng liên quan bắt giữ, xử lý theo luật định. Đồng thời qua đó cũng nhằm tuyên truyền cho ngư dân nội tỉnh phải chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt hải sản. Ngư dân cần kết hợp giữa việc đánh bắt với việc hỗ trợ đắc lực, sát cánh cùng với lực lượng chức năng trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo an toàn”, Thượng tá Nguyễn Văn Phong cho biết thêm.
Thời gian tới, Hải đội 2 sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp công tác biên phòng và tăng cường phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo của Việt Nam.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)