Đồn Biên phòng Hướng Phùng đồng hành với người dân vùng biên

Hoài Thơm |

Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn trở thành những người đồng hành tin cậy, giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn quản lý vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. 

Đây cũng là điểm sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về gần dân, sát dân, hỗ trợ giúp đỡ Nhân dân trong phát triển kinh tế.

Đồn Biên phòng Hướng Phùng đóng quân trên địa bàn thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới chính diện 18,24 km và phụ trách địa bàn xã Hướng Phùng. Đồng bào Pa Kô, Vân Kiều nơi đây có truyền thống cách mạng lâu đời, đoàn kết, tương thân, tương ái, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước; có mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng thu hoạch lúa giúp dân -Ảnh: H.T
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng thu hoạch lúa giúp dân -Ảnh: H.T

Tuy nhiên, do trình độ dân trí còn thấp, nhiều hủ tục, điều kiện sản xuất còn khó khăn nên hộ nghèo và cận nghèo ở xã Hướng Phùng còn chiếm hơn 35%. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, trồng rừng, trồng cà phê... nhưng phương thức canh tác lạc hậu, năng suất lao động thấp. Ngoài cây công nghiệp chính là cà phê, trên địa bàn toàn xã hiện nay có 155,1 ha diện tích gieo trồng lúa nước, 5 ha trồng ngô... Tuy nhiên, do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, người dân chỉ gieo trồng 1 vụ lúa/ năm vào vụ đông xuân nhưng năng suất thấp, còn vụ hè thu ruộng thường bị bỏ hoang.

Qua tìm hiểu nguyên nhân, Đồn Biên phòng Hướng Phùng được biết là do bà con gieo trồng không đúng thời vụ, nguồn giống bản địa đã bị thoái hóa, sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém, khi gặp khí hậu và thời tiết khắc nghiệt (mưa dài ngày) lúa thường không phát triển, lép hạt, năng suất kém, mất mùa.

Nắm bắt tình hình thực tế trên, đơn vị đã chủ động phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình) cử cán bộ giúp đơn vị nghiên cứu, khảo sát tìm ra nguyên nhân. Sau khi xác định được các nguyên nhân chủ yếu, đơn vị đã báo cáo, đề nghị với UBND xã Hướng Phùng đề xuất với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa cho phép đơn vị phối hợp với địa phương xây dựng mô hình “Chuyển đổi giống cây trồng năng suất, chất lượng cao”. Trước tiên là thử nghiệm bộ đôi lúa giống TBR97 và TBR 225 ở vụ đông xuân tại hộ gia đình anh Hồ Văn Khưn, Bí thư Đảng ủy xã và anh Hồ Văn Phoi, Bí thư Chi bộ thôn Bụt Việt trên diện tích 10 sào.

Kết quả cho thấy, so với các loại giống khác, giống lúa thử nghiệm sinh trưởng tốt, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và thời tiết mưa lạnh, cho chất lượng gạo thơm, ngon, ước tính năng suất 300 kg/sào. Tại hội nghị đầu bờ do đơn vị tổ chức nhằm đánh giá chất lượng lúa giống mới, nhận thấy kết quả tốt đẹp, người dân các thôn Cheng, Chênh Vênh, Bụt Việt, Xa Ry đã đề nghị đồn biên phòng tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật canh tác để gieo trồng vụ hè thu.

Ngày 15/6/2023, đơn vị đã trao tặng 1.050 kg lúa giống các loại (TBR36, TBR97, TBR225, TBR239, nếp A Sào) cho 35 hộ dân để canh tác, đồng thời tuyên truyền, vận động và trực tiếp cùng bà con làm đất, gieo trồng trong vụ hè thu 2023. Nếu vụ lúa hè thu thành công, sản lượng dư thừa và hiệu quả cao đơn vị sẽ tiêu thụ giúp cho người dân có thêm thu nhập, đơn vị được nhập gạo ngon, sạch cho bộ đội ăn hằng ngày. Các vụ năm sau bà con sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, không bỏ hoang ruộng đất.

Tận dụng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc biệt là tỉ lệ mưa trong năm cao, đơn vị đã phối hợp với Hợp tác xã Chân Mây và Tập đoàn ThaiBinh Seed khảo sát khu vực canh tác, đồng thời lựa chọn 2 hộ dân (đồng bào Vân Kiều) là thành viên của hợp tác xã tổ chức tập huấn canh tác và gieo trồng thử nghiệm ngô nếp trên diện tích 5 sào vụ đông xuân và tại Đồn Biên phòng. Kết quả, ngô nếp cho bắp tươi ăn thơm, ngon, kháng bệnh tốt, từ lúc gieo trồng tới lúc thu hoạch chỉ trong 65 - 70 ngày.

Sau khi thu hoạch, nhiều tiểu thương đã chủ động đến đăng ký, đề xuất mua với giá 4.000 - 5.000 đồng/bắp tươi, trừ chi phí, các hộ dân lãi 7 triệu đồng/sào. Nhận thấy sức mua và tiêu thụ tốt, đơn vị đã tham mưu UBND xã và Hợp tác xã Chân Mây tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng 6 ha với phương pháp gieo gối vụ, dự kiến sau khi thu hoạch, nếu sức mua tốt và được giá, trừ đi các chi phí ước tính lãi khoảng 40 - 45 triệu đồng/ha.

Tại xã Hướng Phùng nói riêng và các xã, thị trấn biên giới trên địa bàn tỉnh nói chung, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng được phân công phụ trách các hộ gia đình nghèo với tình cảm, trách nhiệm của mình đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, có nhiều cách làm hay, hiệu quả để tiếp sức cho đồng bào phát triển kinh tế, vươn tới cuộc sống ấm no, cũng như tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chính vì thế, các anh trở thành điểm tựa, niềm tin yêu của người dân nơi biên giới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đến năm 2030, hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp

PV |

Ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 24/10, UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức hội nghị thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh với sự tham gia của 881 thành viên thuộc 4 hợp tác xã (HTX), gồm: Đức Xá, Thuỷ Ba Đông (xã Vĩnh Thủy); Thượng Hòa (xã Vĩnh Long); Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm).

Nông dân Việt Nam, Thái Lan vừa mừng vừa lo khi giá lúa gạo toàn cầu tăng

Ngọc Châu |

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo cơ hội cho các cường quốc gạo Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam thu được lợi nhuận lớn trong bối cảnh thiếu gạo toàn cầu.

Mang giống lúa, ngô năng suất cao lên vùng biên giới

Trúc Phương |

Nhờ gieo trồng thành công giống lúa, ngô mới ngắn ngày, năng suất cao do các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mang về từ tỉnh Thái Bình, người dân vùng biên giới đã giải quyết được nỗi lo lương thực.