Mang giống lúa, ngô năng suất cao lên vùng biên giới

Trúc Phương |

Nhờ gieo trồng thành công giống lúa, ngô mới ngắn ngày, năng suất cao do các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mang về từ tỉnh Thái Bình, người dân vùng biên giới đã giải quyết được nỗi lo lương thực.


Vụ mùa này, người dân xã Hướng Phùng phấn khởi khi ruộng lúa chín đều, vàng ươm, chắc mẩy; trái bắp to, đều hạt. Dù chỉ mới gieo cấy, chăm sóc trong thời gian ngắn, song cây lúa của gia đình ông Hồ Văn Khưn, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng phát triển rất tốt.

“Trước đây, trồng cây lúa vất vả lắm. Bỏ nhiều công sức chăm bón nhưng năng suất thấp, hạt lép, có năm mất mùa. Từ khi sử dụng giống lúa mới TBR97 và TBR225 do bộ đội biên phòng mang về, lại được bộ đội hướng dẫn quy trình cấy, chăm sóc bài bản, năng suất lúa của gia đình tôi tăng lên đáng kể. Vụ mùa vừa rồi, dù chỉ trồng thử nghiệm nhưng gia đình tôi thu hoạch được khoảng 3 tạ/ sào. So với giống cũ, gạo mới này thơm, ngon hơn”, ông Khưn phấn khởi nói.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng hướng dẫn người dân cách chăm sóc ngô -Ảnh: T.P
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng hướng dẫn người dân cách chăm sóc ngô -Ảnh: T.P

Không riêng gì hộ gia đình ông Khưn, trong vụ đông xuân vừa qua, gia đình ông Hồ Văn Phoi, Bí thư Chi bộ thôn Bụt Việt cũng trồng thử nghiệm giống lúa mới và đạt được kết quả tốt. Ông Phoi cho hay: “Có lúa, có gạo nên đời sống no đủ hơn, dân bản biết ơn bộ đội lắm. Dù vất vả, khó khăn, cán bộ, chiến sĩ của đồn cũng đồng hành với chúng tôi trong tất cả các khâu từ cải tạo đồng ruộng, làm đất, ngâm ủ giống; chăm sóc; thu hoạch. Trước đây trồng lúa với dân bản khó lắm, nhưng được bộ đội hướng dẫn, làm cùng, giờ ai cũng quen việc rồi”.

Không riêng gì cây lúa, giống ngô mới được 2 hộ gia đình anh Nguyễn Quang Toàn, ở thôn Mã Lai Pun và chị Hồ Thị Nương, ở thôn Xa Ry trồng thử nghiệm cũng phát triển rất tốt. Sau 60 - 65 ngày gieo trồng, ngô đã có thể thu hoạch được. Anh Toàn vui mừng cho biết: “Sau khi được tập huấn canh tác, gieo trồng đúng cách, cây ngô phát triển nhanh. Bắp to, thơm, ngon. Sau khi thu hoạch, tiểu thương đã đến thu mua tận ruộng”.

Hướng Phùng là địa phương có diện tích tự nhiên lớn, đồng bào Vân Kiều chiếm trên 55%. Những năm qua, người dân nơi đây trồng lúa, ngô nhưng năng suất thấp. Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng cho hay, trên địa bàn xã hiện có trên 155 ha gieo trồng lúa nước và ngô. Do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, người dân chỉ gieo trồng vào vụ đông xuân.

“Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người dân không cấy lúa nhiều năm nay do nguồn giống đã bị thoái hóa, sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém. Khi gặp khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cây lúa thường không phát triển dẫn đến lép hạt, năng suất kém”, Thiếu tá Bằng nói.

Với mong muốn giúp người dân vùng biên cải thiện đời sống, đảm bảo an ninh lương thực, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình) tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng đất, khí hậu, giống lúa... Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai trồng thử nghiệm bộ đôi lúa giống TBR97, TBR225 vào vụ đông xuân tại 2 hộ với diện tích 10 sào.

Kết quả cho thấy, so với các loại giống khác, giống lúa thử nghiệm sinh trưởng tốt, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và thời tiết mưa lạnh, chất lượng gạo thơm, ngon. Tại hội nghị đầu bờ đánh giá chất lượng lúa giống mới, nhiều hộ dân tại các thôn Cheng, Chênh Vênh, Bụt Việt, Xa Ry, xã Hướng Phùng đã đề nghị Đồn Biên phòng tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật canh tác để gieo trồng vụ tới.

Riêng về cây ngô, nhận thấy sức mua và tiêu thụ tốt trên thị trường, đơn vị đã tham mưu UBND xã Hướng Phùng và Hợp tác xã Chân Mây tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng lên 3 ha với phương pháp gieo gối vụ. Đồn Biên phòng Hướng Phùng không chỉ hỗ trợ giống, phân bón mà còn giúp nông dân hợp tác xã thu hoạch, bán sản phẩm ra thị trường.

“Giữa tháng 6/2023, đơn vị đã tặng 870 kg lúa giống các loại như TBR36, TBR97, TBR225, TBR239, nếp A Sào... cho 35 hộ gia đình để canh tác. Đồng thời, chúng tôi cũng tích cực vận động, tuyên truyền, trực tiếp cùng người dân làm đất, gieo trồng cho kịp vụ hè thu. Từ kết quả thực hiện, các vụ tới đơn vị sẽ là cầu nối và là điểm tiêu thụ lúa gạo để người dân có thêm thu nhập.

Đơn vị cũng mua được gạo sạch, thơm ngon cho bộ đội ăn hằng ngày. Các vụ sau, chúng tôi tiếp tục vận động bà con duy trì gieo trồng, không bỏ hoang ruộng đất. Mong rằng người dân sẽ có ý thức hơn trong việc canh tác, từ đó đảm bảo nguồn lương thực và giúp cuộc sống bà con khu vực biên giới khởi sắc hơn”, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng chia sẻ.

Nhờ có sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, năm nay, đồng bào vùng biên đầy đủ lương thực hơn nữa. Qua đó, càng gắn kết tình quân dân, cùng với bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiệu quả thực hiện đề tài trồng chuối tiêu hồng

Trần Anh Minh |

Thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối Tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị”, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm trồng thâm canh chuối tiêu hồng tại thôn A Ngo, xã A Ngo. Sau 2 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa về nhiều mặt.

Toàn tỉnh có 11 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu

Lê An |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh đã cấp được 24 mã số vùng trồng (MSVT) tại các địa phương. Trong đó, có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu gồm: 9 MSVT trên cây chuối (xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) với diện tích hơn 2.057 ha và 2 MSVT trên cây lúa (xuất khẩu vào thị trường Châu Âu) với diện tích hơn 37 ha.

Mở lối từ cây trồng ở Đakrông

Tây Long |

Dù chăm chỉ lao động nhưng thời gian qua, cuộc sống của nhiều người dân huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) vẫn quẩn quanh trong khó nghèo. Với quyết tâm vươn lên, cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, bà con đã mở lối cho chính mình bằng cách thay đổi thói quen, phương thức trồng trọt cũ và thử nghiệm những giống cây mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hỗ trợ 150.000 cây giống để trồng rừng không đốt thực bì

Anh Vũ |

Được sự hỗ trợ của Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đang triển khai mô hình trồng rừng không đốt thực bì tại 3 xã: Cam Nghĩa, Cam Chính và Thanh An.