Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh đã cấp được 24 mã số vùng trồng (MSVT) tại các địa phương. Trong đó, có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu gồm: 9 MSVT trên cây chuối (xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) với diện tích hơn 2.057 ha và 2 MSVT trên cây lúa (xuất khẩu vào thị trường Châu Âu) với diện tích hơn 37 ha.
Có 13 MSVT nội địa gồm: 5 MSVT trên cây lúa với diện tích trên 62,6 ha, 1 MSVT trên cây hồ tiêu với diện tích 7,5 ha, 1 MSVT trên cây ném với diện tích 1,5 ha, 2 MSVT trên cây an xoa với diện tích 7,3 ha, 1 MSVT trên cây đậu xanh với diện tích 30 ha, 1 MSVT trên cây chanh leo với diện tích 2 ha, 1 MSVT trên cây lạc với diện tích 5 ha và 1 MSVT trên cây thanh long với diện tích 5 ha.
Hiện đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 1 mã số cơ sở đóng gói chuối và 3 mã số vùng trồng trên cây chanh leo.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, để quản lý tốt các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và PTNT để các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc biết và tuân thủ.
Bên cạnh đó, hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, thực hiện giám sát định kỳ (2 lần/năm) đối với các vùng trồng đã được cấp mã số để đánh giá các tiêu chí, yêu cầu chung của vùng trồng. Đặc biệt là giám sát các đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Qua quá trình kiểm tra, giám sát chưa phát hiện thấy các đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật tồn tại trên đồng ruộng và trên sản phẩm chuối quả thương phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trên địa bàn chưa có doanh nghiệp đóng gói xuất khẩu được cấp mã số; các sản phẩm nông sản trên địa bàn chưa có doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Do đó, việc sử dụng mã số vùng trồng chưa thực hiện được.
Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa cao nên một số sản phẩm nông sản khó đáp ứng tiêu chuẩn về cấp mã số vùng trồng dù chất lượng rất cao. Ngoài ra, ảnh hưởng của giá cả nông sản bấp bênh dẫn đến một số vùng trồng đã được cấp mã số không duy trì diện tích do người dân không chăm sóc hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)