Chuối Tân Long và chuyện chưa kể…

Võ Khánh Linh |

Với nhiều người nông dân trồng chuối, niềm vui, nỗi buồn của họ gắn với những mùa chuối được, mất. Vì chuối, nhiều phận đời đã sang trang với đầy ắp niềm vui. Cũng vì chuối, nhiều người nông dân thở dài bất lực. Đằng sau những triền đồi xanh mướt mát phủ kín chuối ấy chứa đựng nhiều câu chuyện chưa kể…

 

Làm lại từ những ngổn ngang

Phía nước bạn Lào, nơi mà có thời điểm những đồi chuối của người dân Tân Long đã từng xanh, dần dần chuyển một màu vàng ươm, thậm chí đến lúc hư thối vẫn chưa được thu hoạch. Đó là khoảng thời gian 2 năm trước, khi COVID-19 diễn biến phức tạp mà anh Lê Công Sự, ở thôn Long An, xã Tân Long, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), vẫn không thể nào quên.

Anh Sự còn nhớ như in những ngày tháng biên giới đóng cửa vì dịch bệnh. Với diện tích gần 20 ha đất thuê ở Lào để trồng chuối, anh như ngồi trên đống lửa. Bất lực, anh Sự chỉ còn cách chờ đợi. Biết là khi dịch bệnh xảy ra, sức khỏe là thứ quan trọng nhất. Nhưng tất cả tài sản, vốn liếng, công sức đổ ra, anh đều đặt hết ở những đồi chuối, làm sao có thể thôi thấp thỏm, lo âu.

Đằng sau những vườn chuối là sự vất vả của người nông dân -Ảnh: V.K.L
Đằng sau những vườn chuối là sự vất vả của người nông dân -Ảnh: V.K.L

“Ngày đó, khi nhìn những đồi chuối vàng rực bên kia biên giới mà tôi chảy nước mắt. Đau lòng lắm, không biết bao nhiêu đêm tôi thức trắng vì lo lắng.

Chuối không ai thu hoạch đã đành, nhưng nếu một thời gian dài chuối không được chăm sóc thì chỉ có thể vứt luôn, vì vườn chuối xấu đi nhiều rồi”, anh Sự kể bằng giọng xót xa. Hướng Hóa là nơi được mệnh danh là “vương quốc” chuối của tỉnh Quảng Trị với diện tích gần 3.500 ha.

Trong đó, xã Tân Long có diện tích trồng chuối khoảng gần 1.000 ha. Đặc biệt, người dân xã Tân Long sang nước bạn Lào thuê gần 2.000 ha đất vùng sát biên giới để trồng chuối. Thế rồi, khi biên giới đóng cửa vì dịch bệnh, mẫu số chung của những người dân khi không thể sang Lào chăm sóc và thu hoạch chuối là: bế tắc, bất lực.

Vào ngày đầu tiên trở lại Lào, sau khi biên giới dở bỏ lệnh cấm, nhìn vườn chuối ngổn ngang và hoang tàn, anh Sự như chết lặng.

Một mình anh ngồi giữa vườn chuối mênh mông, cảm giác mình như miếng chanh kiệt nước. Chỉ mình đối diện với mình, muốn buông xuôi nhưng lại không đành, anh tự hỏi: “Giờ phải làm sao? Bắt đầu lại từ đâu?”.

Rồi anh vẫn kiên định: “Phải tìm cách sửa chữa, phục hồi”. Thế rồi, sau hơn nửa năm chăm sóc và làm lại từ ngổn ngang, những đồi chuối của anh Sự phục hồi đến 90%. Anh nói, để “cứu” chuối, mình đã phải nỗ lực rất nhiều.

Đó là một khoảng thời gian nhọc nhằn và bền bỉ. Có lẽ, từ những hoang tàn, chuối tái sinh bằng niềm tin, bằng sức sống của anh Sự. Bởi hy vọng không mất dấu, bởi nghị lực bước qua khó khăn. Thế nhưng, đằng sau những nỗ lực tái thiết của anh Sự vẫn còn nhiều câu chuyện buồn khác về những người nông dân trắng tay vì chuối.

“Những hộ gia đình thuê đất ở Lào đã thu hoạch được vài năm thì còn đỡ. Có nhiều hộ gia đình phá sản vì vay mượn khắp nơi để đầu tư mới vài tháng thì dịch bệnh ập xuống. Đời người nông dân gắn với cây chuối cũng lắm thăng trầm, phất lên cũng nhờ chuối, mà mất trắng cũng vì chuối”, anh Sự tâm tư.

Hiện nay, từ diện tích 2.000 ha chuối ở Lào của người dân xã Tân Long, giờ chỉ còn lại khoảng 100 ha. Sự sụt giảm diện tích trồng chuối cho thấy nỗi bất lực của người dân khi không thể cứu chuối sau đại dịch.

Nói thêm về nguyên nhân người dân bỏ trồng chuối, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Triệu Chung cho hay: “Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người nông dân trồng chuối lao đao nhưng còn có một nguyên nhân khác là do hiện nay thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất là Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại, đầu ra khó khăn.

Trước đây, giá chuối mật mốc bình quân vào khoảng 5.000-6.000 đồng/kg nhưng bây giờ đang ở mức thấp khoảng 2.000 đồng/kg. Do đó, người dân vẫn chưa thể nào yên tâm đầu tư lại chuối. Hy vọng thời gian tới người nông dân sẽ vượt qua khó khăn, nỗ lực tái thiết trở để chuối sẽ phủ xanh những vạt đồi”.

Trồng chuối tưởng dễ mà khó

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng trồng chuối rất dễ. Nhưng phải tìm hiểu mới nhận ra rằng, đó là hành trình kết tinh từ sức lao động bền bỉ. Ông Lê Đức, thôn Long Hiệp, xã Tân Long, tâm sự: “Trồng chuối đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. Càng chịu khó chăm sóc thì buồng chuối, nải chuối càng đẹp, dễ bán, hiệu quả kinh tế vì thế cũng càng cao”.

Anh Lê Công Sự đã khôi phục vườn chuối từ những ngổn ngang do dịch bệnh -Ảnh: V.K.L
Anh Lê Công Sự đã khôi phục vườn chuối từ những ngổn ngang do dịch bệnh -Ảnh: V.K.L

Trồng chuối, cũng như trồng người, là lao động bằng cả tình yêu. Theo chân ông Đức đến vườn chuối, ông tỉ mỉ giải thích cho tôi về câu chuyện trồng chuối. Mặc dù nơi đây mang lợi thế vùng miền có vị trí thuận lợi để trồng chuối, từ đất đai, khí hậu, độ ẩm đều… trên cả tuyệt vời. Tuy nhiên để gắn bó với cây chuối, người nông dân cũng phải đổ rất nhiều công sức, tâm huyết. Để trồng được chuối đẹp có buồng to, trái tròn, nải rộng để thờ cúng không phải dễ.

Theo ông Đức, để chuối phát triển tốt, bước đầu tiên là phải chọn đất. Chuối phải trồng ở đất mới, nguyên thủy, chưa cày xới. Vì nếu trồng ở đất cũ thì sẽ không hiệu quả, cây dễ sinh bệnh. “Chuối không trồng được ở đất cũ, vậy thì kiếm đất đâu mà trồng chuối lâu dài?”, tôi hỏi.

Ông Đức cười, giải thích: “Vì trồng hết đất ở Tân Long, nên người dân mới thuê đất ở Lào để trồng. Nhưng muốn trồng chuối ở đất cũ vẫn có cách. Giả sử tuổi thọ của chuối trung bình khoảng 8 năm, sau đó đất phải được nghỉ 5 năm, dùng trồng loại cây khác. Rồi nếu muốn trồng chuối lại đất đó, thì phải chăm bón bằng phân”.

Điều quan trọng tiếp theo là cự ly. Khoảng cách trồng chuối phải thưa, trung bình từ 5-6 m, tùy từng loại đất. Mật độ mỗi gốc chuối trồng khoảng 3 cây mẹ và 3 cây con.

Về kỹ thuật chăm sóc chuối, người nông dân chủ yếu phải làm cỏ, thường xuyên làm sạch vỏ, lá trên thân cây chuối. Lá già là phải cắt tỉa, nếu để lâu là cây sẽ sinh bệnh, thân cây không phát triển được. Ngoài ra, nếu buồng nặng quá thì phải chống cây để không gãy đổ.

“Những điều tôi chia sẻ trên là kỹ thuật cơ bản để có thể trồng chuối. Nhưng để sống với cây chuối một cách bền vững và lâu dài thì cần nhiều kinh nghiệm hơn thế.

Đó là sự “hiểu” về cây chuối mà những người nông dân đúc rút theo thời gian, xuất phát từ tình yêu lao động của mình”, ông Đức bày tỏ. Nói thêm về những khó khăn khi trồng chuối, ông Đức tâm tư: “Chuối là loại cây thân mềm nên chỉ cần một trận lốc xoáy, mưa bão quét qua là cây chuối đổ rạp. Người nông dân lại thiệt hại và thua lỗ”.

Sở dĩ, chuối Tân Long được các thị trường như Thái Lan, Trung Quốc, Lào, hay các tỉnh miền Trung yêu thích là bởi khi chín, quả có màu vàng đẹp, hương vị thơm ngon, thịt quả chắc, thời gian quả chín kéo dài nên thuận lợi cho việc chuyên chở ra ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu. Ông Đoàn Anh Tú, thôn Yên Thuận, xã Tân Long, bộc bạch: “Gia đình tôi trồng khoảng 4 ha chuối. Năm nay mưa thuận gió hòa, nên chất lượng chuối rất đẹp”.

Ông Lê Đức tỉ mẩn chăm sóc vườn chuối của mình -Ảnh: V.K.L
Ông Lê Đức tỉ mẩn chăm sóc vườn chuối của mình -Ảnh: V.K.L

Chợ chuối ở ngã ba Tân Long dịp cuối năm nhộn nhịp kẻ mua người bán. Chuối Tân Long sẽ tỏa đi khắp mọi miền, đến từng nhà, từng mâm cỗ, bàn thờ tổ tiên để cầu mong phúc lành, sự sum vầy và thịnh vượng trong năm mới… Năm nay chuối được giá, nỗi vất vả của người dân cũng được bù đắp phần nào.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hóa: Giá chuối mật mốc tăng cao, nông dân phấn khởi

Thanh Trúc |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, chợ chuối trên Quốc lộ 9 đoạn qua xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhộn nhịp người mua kẻ bán, tư thương từ các tỉnh đổ về mua với số lượng lớn để trung chuyển ra các địa phương kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Năm nay, giá chuối tăng cao nên người trồng chuối rất phấn khởi.

Chuối tiếp tục là sản phẩm nông nghiệp quan trọng của Lào

Tổng hợp |

Ngày 28/12/2022, Tỉnh trưởng Bolikhamxay Kongkeo Xaysongkham dẫn đầu đoàn công tác xuống thị sát các dự án đầu tư trồng chuối thơm nhằm xuất khẩu tại huyện Bolikhan.

Trồng chuối trên đất Lào

Lê An |

Với diện tích gần 3.500 ha, từ nhiều năm nay chuối được xem là cây trồng chủ lực ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Sản phẩm chuối quả ngoài tiêu thụ nội địa còn được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan…mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình.

Thành công bước đầu với sản phẩm rượu chuối mật mốc men lá

Minh Long |

Xuất thân từ nhà nông nên vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Lợi và chị Nguyễn Thị Bích Chi ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) có chung niềm đam mê tìm tòi để làm ra sản phẩm từ nông sản, mang đặc trưng vùng miền. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, vợ chồng anh chị thành công bước đầu với việc chế xuất ra sản phẩm rượu chuối mật mốc men lá, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.