Với diện tích gần 3.500 ha, từ nhiều năm nay chuối được xem là cây trồng chủ lực ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Sản phẩm chuối quả ngoài tiêu thụ nội địa còn được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan…mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình.
Theo ông Hồ Văn Đài, một nông dân trồng chuối với diện tích khá lớn ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, sở dĩ chuối mật mốc Hướng Hóa được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng bởi ngoài trái to, đều, màu sắc đẹp do đặc thù của khí hậu khô nóng nơi vùng biên giới Việt-Lào, thì điều đặc biệt hơn cả chính là do phương thức canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào của người dân nơi đây.
Xã Tân Long là địa phương có diện tích trồng chuối mật mốc lớn nhất huyện Hướng Hóa với hơn 1.000 ha. Hầu như tất cả các hộ trong xã đều trồng chuối. Nhà ít thì 1-2 ha, nhà nhiều thì 20-30 ha. Trồng hết đất trong xã người dân còn sang nước Lào thuê gần 2.000 ha đất vùng sát biên giới để trồng chuối.
Nhờ cây chuối mật mốc, đời sống của người dân xã vùng biên này đã được nâng lên đáng kể. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Triệu Chung cho biết, nhiều năm nay, chuối mật mốc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã. Vào lúc cao điểm, giá chuối mật mốc đã có lúc lên đến 10.000-12.000 đồng/ kg đưa tổng thu nhập từ bán chuối của người dân trong xã đạt từ 80-120 tỉ đồng/năm.
Hiện nay, toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 3.500 ha diện tích trồng chuối mật mốc. Tập trung chủ yếu ở các xã vùng Lìa và một số xã dọc tuyến Quốc lộ 9 như Tân Long, Tân Thành, Tân Lập…Tổng sản lượng quả tươi gần 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay giá chuối mật mốc giảm sâu, hiện tại chỉ còn từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Tìm hiểu nguyên nhân được biết, do ảnh hưởng của COVID-19 đã làm việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ khiến giá chuối tụt dốc. Không những thế, COVID-19 còn khiến gần như toàn bộ diện tích trồng chuối mà người dân thuê ở Lào bị bỏ hoang do không được xuất nhập cảnh qua lại biên giới để chăm sóc, thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Thực tế cho thấy cây chuối đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trên địa bàn huyện. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích đất bạc màu, kém hiệu quả sang trồng chuối, hợp tác thuê đất của người dân nước bạn Lào để mở rộng diện tích sản xuất.
Do vậy, bên cạnh duy trì hình thức nông dân bán trực tiếp cho tiểu thương, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác nhằm tìm đầu ra ổn định cho cây trồng chủ lực này.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hệ thống chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm chuối quả. Về lâu dài, ngoài việc quy hoạch diện tích vùng trồng chuối ổn định, mở rộng và nâng cấp quy mô các cơ sở chế biến chuối, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chuối mật mốc.
Một hướng đi khác cũng đang được huyện chú trọng đó là tập trung mọi nguồn lực xây dựng thương hiệu “Chuối mật mốc Hướng Hóa” thành thương hiệu mạnh của địa phương, từng bước nâng cao hơn nữa giá trị cho loại cây trồng chủ lực này.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)